+Aa-
    Zalo

    Làm thế nào để dẹp bỏ vấn nạn "chân gỗ đi đêm"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Câu chuyện về hiện tượng “lobby” chính sách từng không ít lần trở thành đề tài nóng trong phiên chất vấn của các Đại biểu (ĐB) tại nghị trường.

    (ĐSPL) - “Có những tập đoàn kinh tế lớn có thể “lobby” từ tỉnh lên tới Bộ, “đẻ” ra thông tư rồi thông tư “bẻ gãy” cả luật. Có những Bộ sau khi nghe góp ý còn tuyên bố các anh muốn cắp cặp đi đâu thì đi...”.

    Phát ngôn trên của Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hoá tại một sự kiện do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cách đây ít ngày đã khiến không ít người giật mình. Câu hỏi đặt ra, có hay không sự “vận động” chính sách để phục vụ cho các “nhóm lợi ích” và làm thế nào để chặt đứt những “chân gỗ” này?

    Những dấu hỏi về lũng đoạn ngầm

    “Lobby” chính sách còn được hiểu là vận động hành lang để xây dựng chính sách và pháp luật. Hình thức này đã xuất hiện, phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới, thậm chí không ít nước công nhận “lobby” là một nghề và được đánh giá cao. Tuy nhiên, do đây là hoạt động không chính thức, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau bao gồm cả những hành vi tặng quà có giá trị lớn, mua chuộc bằng tiền... nên nguy cơ lũng đoạn cao, đặc biệt là từ các nhóm lợi ích có thế mạnh tài chính.

    Trong một số trường hợp, “lobby” được ví như con quái vật tìm cách luồn lách vào các phòng ban, hành lang Quốc hội của các quốc gia để lũng đoạn. Nhiều vụ tai tiếng liên quan đến các nghị sỹ ở một số nước có nguyên nhân từ các hoạt động “lobby” đã được phanh phui.

    Liệu có sự "cài cắm" lợi ích nhóm sau những quy định "trên trời" này? (Ảnh minh họa).

    Ở nước ta, tuy chưa thực sự hiện hữu nhưng hiện tượng “lobby” chính sách, vận động hành lang bằng các hành vi “chạy chọt”, “đi đêm”, “chân gỗ”... đã được nhiều chuyên gia nhắc đến. Thậm chí, trong không ít sự việc đã thấp thoáng bóng dáng của các nhóm lợi ích này. Thế nên, tuyên bố của vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hoá Nguyễn Văn Đệ: “Có những tập đoàn kinh tế lớn có thể “lobby” từ tỉnh lên tới Bộ, “đẻ” ra thông tư rồi thông tư “bẻ gãy” cả luật...” đang khiến dư luận dậy sóng.

    Hẳn dư luận chưa quên thời điểm năm 2004, câu chuyện liên quan đến công ty Zuellig Pharma Vietnam (ZPV). Thời điểm đó, ZPV là công ty nước ngoài duy nhất ở Việt Nam được trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu. Sự có mặt của nó từ năm 2001 đến 2004 là một trong những yếu tố gây bất ổn thị trường thuốc. “Chúng ta đã mắc lừa” – đó là lời thú nhận chua chát của một cựu quan chức bộ Y tế khi nói về “sự kiện Zuellig”.

    Trong nhiều năm, ZPV liên tục nâng giá thuốc, có loại tăng tới 60\%/năm. Báo chí đã phát hiện ra sự lũng đoạn từ “thế lực ngầm” này, trước khi bộ Y tế lên tiếng rút quyền phân phối thuốc của ZPV. Trong sự việc trên, chưa khẳng định có hiện tượng “lobby” hay không, tuy nhiên, rõ ràng, thị trường thuốc của chúng ta đã bị khuynh đảo bởi nhóm lợi ích tư của một nhóm doanh nghiệp nước ngoài.

    Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những tập đoàn lợi ích tư thường nhân danh lợi ích chung, nhưng thực tế lại thường vì lợi nhuận của chính họ. Một câu chuyện thường được báo chí dẫn chứng liên quan đến thị trường ô tô. Bằng việc duy trì chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, các “đại gia” (chủ yếu doanh nghiệp FDI) đã “cầm trịch” thị trường ô tô trong nhiều năm, với lớp lớp các “đặc quyền” về thuế và lệnh cấm nhập khẩu. Họ thường ỷ vào thế “thống trị” thị trường để cùng nhau nâng giá. Đương nhiên các doanh nghiệp hưởng lợi, trong khi người dân luôn phải chịu giá xe cao gấp 3-5 lần so với các nước.

    Một câu chuyện khác, thời điểm năm 2012-2013, kể từ khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được tự điều chỉnh giá đã xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá, giống nhau cả về thời điểm và mức tăng. Sự khó hiểu này đã khiến người tiêu dùng và giới chuyên gia đặt ra nghi vấn. Thời điểm đó, một chuyên gia kinh tế đặt vấn đề có thể có lợi ích nhóm giữa các doanh nghiệp dẫn đến sự nhập nhằng, thiếu minh bạch trong giá thành.

    Theo vị này, những diễn biến thực tế trên thị trường xăng dầu thời điểm đó cho thấy có dấu hiệu nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Sau đó, một chuyên gia của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã khẳng định không có sự “lobby” chính sách xăng dầu. Tuy nhiên, câu chuyện trên vẫn đặt ra không ít băn khoăn.

    Chính sách không thể bị bóp méo, hay thiên lệch

    Câu chuyện về hiện tượng “lobby” chính sách từng không ít lần trở thành đề tài nóng trong phiên chất vấn của các Đại biểu (ĐB) tại nghị trường. Tại kỳ họp của Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8/2013, ĐB Nguyễn Bá Thuyền và ĐB Chu Sơn Hà đã cùng đề cập đến vấn đề này và “truy” trách nhiệm người đứng đầu ngành tư pháp – đơn vị “quản” quá trình thẩm định việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

    Theo các ĐB, có những văn bản mà người ban hành còn nhằm mục đích qua đó, giành cho ngành mình những đặc quyền, đặc lợi. Thậm chí, nó còn mang bóng dáng của loại hình “tham nhũng chính sách”, bị chi phối bởi lợi ích nhóm. “Thực tế, có nhiều văn bản mâu thuẫn nhau, có phải nhằm bảo vệ lợi ích của Bộ ngành mình?”,

    ĐB Thuyền nêu câu hỏi. Còn ĐB Chu Sơn Hà lại băn khoăn “có hay không tình trạng ban hành văn bản pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm?”. Trước nghi vấn của các ĐBQH về “nhóm lợi ích” chi phối quá trình làm luật, ban hành chính sách để trục lợi, thời điểm đó trả lời câu hỏi của các ĐB, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tỏ ra khá dè dặt. Ông nói: “Cũng có thể có xuất hiện, nhưng vấn đề đó rất khó vì kiểm soát rất chặt. Nhưng cũng không loại trừ khả năng có lỗ hổng trong kiểm soát”. Nhiều người có thể không thỏa mãn với câu trả lời trên, thế nhưng, khách quan mà nói, hệ thống luật pháp đang vận hành với quá nhiều văn bản dưới luật cũng khiến cho việc kiểm soát văn bản trở nên khó khăn, nếu có hiện tượng “lobby” chính sách cũng sẽ khó phát hiện hơn.

    Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, khi PV tham vấn về câu chuyện “lobby” chính sách, nhiều ĐB nhận định, biểu hiện trục lợi chính sách, phục vụ lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là có và không ít lần cơ quan chức năng “tuýt còi” những văn bản này.

    Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, ĐB Trương Trọng Nghĩa – Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, ở Việt Nam hiện không có luật về “lobby” và trên thế giới chỉ một số nước quy định để vạch ra ranh giới về sự vận động hợp pháp và bất hợp pháp. Về hiện tượng “lobby” chính sách tại nước ta, nhiều doanh nghiệp cũng từng phản ánh. Nó biểu hiện ở hoạt động vận động để các Bộ, ngành đưa ra những văn bản mà khi triển khai nó mang lại lợi ích cho riêng nhóm đó. Trên thực tế, với những văn bản này, chỉ đến khi ban hành, người ta mới biết nó phục vụ cho lợi ích một nhóm nào đó.

    Theo ĐB Nghĩa, pháp luật phải đáp ứng lợi ích tối ưu của xã hội. Khi có sự “lobby” nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh. Một khi chính sách bị méo mó, thiên lệch sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp. Nó làm lợi cho bộ phận này và gây thiệt hại cho bộ phận khác, điều này sẽ khiến người dân mất niềm tin vào cơ quan công quyền...

    Trong nền kinh tế thị trường, việc tồn tại các lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm là lẽ bình thường. Việc có “lobby”, vận động cũng là dễ hiểu nhưng nếu vận động hành lang không xuất phát từ quyền lợi của nhân dân mà chỉ vì một nhóm lợi ích, một số người nhỏ lẻ thì hoạt động này hoàn toàn sai bản chất. Khi đó không phải là “lobby” chính sách, “lobby” pháp luật mà là “lobby” lợi ích nhóm, muốn thông qua chính sách để trục lợi cho mình, cho nhóm mình.

    Một cuộc khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới trong năm 2012 cho thấy có tới 50\% doanh nghiệp được hỏi đã nói rằng nhóm các doanh nghiệp có quan hệ với quan chức có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ hơn trong hoạch định chính sách; 40\% doanh nghiệp cũng thừa nhận họ có sử dụng quan hệ với quan chức để vụ lợi.

    ANH ĐỨC - ĐỖ THƠM

    Xem thêm video:

    [mecloud]zN4ly3y9m3[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-the-nao-de-dep-bo-van-nan-chan-go-di-dem-a100135.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.