Sau khi kết bạn với tài khoản “Vay nhanh” trên Facebook, người phụ nữ 36 tuổi nhận được cuộc điện thoại hướng dẫn cách vay tiền nhanh, lãi suất thấp.
Báo Dân Trí đăng tải thông tin, ngày 14/6, Công an thành phố Đà Lạt cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo và tiến hành điều tra vụ việc mất tiền khi giao dịch qua mạng xã hội xảy ra tại địa bàn.
Nạn nhân được xác định là chị Hồ Thị M.P. (36 tuổi, trú tại phường 10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng).
Theo báo Tiền Phong, sau vài giờ kết bạn với tài khoản "Vay nhanh" trên Facebook, chị P nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0128206... Một người đàn ông xưng tên là Nguyễn H.T hướng dẫn cho chị cách thức làm thủ tục qua mạng để vay tiền nhanh với lãi suất rất “mềm”.
Từ hướng dẫn của T, ngày 2/6 vừa qua, chị P đã chụp hình chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy tờ xe máy và thẻ VISA có mã vạch do Ngân hàng Vietcombank cấp để gửi cho “Vay nhanh”. T đã gửi lại bảng chiết tính tiền vay với mức lãi suất chỉ có 3%/năm.
Ảnh minh họa |
Đến sáng ngày 6/6, T gọi điện cho chị P để xin rút thử 1,95 USD nhằm thử mã cost VISA của chị. Thế rồi, từ 14 giờ đến 14 giờ 15’ ngày 7/6 điện thoại của chị P liên tục nhận được 4 tin nhắn rút tiền từ thẻ VISA, mỗi lần rút 2.394.000 đồng.
Chị P hốt hoảng đến phòng giao dịch của Vietcombank trên đường Phan Bội Châu (thành phố Đà Lạt) đề nghị được khóa tài khoản rồi gọi điện thoại cho T để hỏi cho ra nhẽ. T trả lời không rút tiền từ tài khoản của chị P và từ đó hoặc là tắt máy hoặc không trả lời cuộc gọi của chị P nữa.
Ngày 13/6, một cán bộ ngân hàng ở Lâm Đồng nhận định trong vụ việc này có dấu hiệu tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tiền, do đó nạn nhân nên trình báo để cơ quan công an tiến hành điều tra xử lý.
Điều 226b. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Có tính chất chuyên nghiệp; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)