Người dân Anh đang ở trong thế bất ngờ đầy khó chịu.
Theo CNN, lạm phát Anh được cho là sẽ tăng gấp bốn lần lên gần 4% trong chưa đầy một năm. Điều này làm hàng hóa hằng ngày trở nên đắt đỏ, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR).
Viện chính sách độc lập của Anh dự báo lạm phát sẽ tăng mạnh và đạt đỉnh ở mức 3,9% vào quý 3/2017 vì đồng bảng sụt giá hậu bỏ phiếu Brexit, hay Anh rời Liên minh châu Âu (EU), diễn ra hồi tháng 6. Nội tệ anh giảm đến 20% so với đô la Mỹ, hạ 17% so với euro trong những tháng sau bỏ phiếu Brexit. Dù vậy, đồng tiền này cũng có tăng một chút trong những ngày gần đây. Khi bảng Anh lao dốc, chi phí nhập khẩu tăng và điều này thúc đẩy lạm phát.
Tác giả báo cáo Simon Kirby cho hay Anh phụ thuộc rất nhiều vào thực phẩm, thức uống và quần áo nhập khẩu. Các mặt hàng này có thể biến động mạnh về giá. Đây là tin xấu cho các gia đình nghèo ở Anh - những người dành phần nhiều thu nhập để mua thức ăn. Họ là đối tượng có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lạm phát gia tăng.
“Dù chúng tôi cho rằng tình hình lạm phát tăng nhanh này chỉ là hiện tượng tạm thời, nó vẫn sẽ đè nặng sức mua của người tiêu dùng trong vài năm tới”, ông Kirby nói. Tiền lương được cho là không tăng nhanh như lạm phát, vì thế mức sống người dân sẽ giảm đi.
Dự báo giá cả tăng đặt Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vào thế khó. Mục tiêu chính của BOE là giữ lạm phát thấp với mục tiêu chính thức 2%, kèm theo đó là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Nếu lạm phát tăng mạnh trong khi tăng trưởng chậm lại đáng kể như nhiều chuyên gia dự báo, BOE sẽ đối mặt quyết định khó khăn. Lãi suất cao có thể hỗ trợ đồng bảng và hạn chế giá tăng, song có nguy cơ đẩy tăng trưởng đi chậm hơn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. NIESR cho rằng BOE sẽ để lãi suất không đổi trong khoảng hai năm tới - thời gian tương ứng để Anh thương lượng về hướng “chia tay” EU.
THU THẢO
Xem thêm video:
[mecloud]vJ0hHP9sKn[/mecloud]