Trong quan niệm văn hóa phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc, từ xưa người ta thường sợ hãi và kiêng kỵ cái chết. Tang lễ dường như là một ngành mà người ta không dám dễ dàng tiếp cận, thậm chí phải tránh xa.
Tuy nhiên, kể cả trong thời hiện đại, tang lễ vẫn luôn là một nghi thức quan trọng, như một cách để những người còn sống tri ân và tưởng nhớ người đã ra đi. Trước nhu cầu tổ chức những tang lễ trang trọng và chỉnh chu, ngành "quản lý tang lễ" sẽ đào tạo ra những nhân sự hỗ trợ làm điều đó.
Nghề "quản lý tang lễ" không phải chỉ là công việc túc trực bên lĩnh cữu, đưa đón khách hay hỗ trợ người nhà trong tang lễ mà còn rộng hơn rất nhiều. Theo người trong ngành nói với chuyên mục tài chính Finace Sina, các sinh viên trong ngành này còn được đào tạo các khóa học về về kỹ thuật ướp xác, bảo quản thi thể, tạo hình khuôn mặt cho người chết, công nghệ hỏa táng...
Ngoài ra, còn có những môn phức tạp hơn nhiều so với những gì các mọi người thường tưởng tượng đến ngành này: Từ toán cao cấp đến văn hóa tang lễ, từ thư pháp đến Photoshop, từ nghệ thuật cắm hoa đến viết câu đối bi thương… những nội dung tưởng chừng như không liên quan đều xuất hiện trong chương trình giảng dạy dành cho sinh viên chuyên ngành tang lễ.
Ở lớp thực hành, các sinh viên sẽ thường phải tổ chức những lễ tưởng niệm hoặc mô phỏng lễ tang thực sự. Có người đóng vai trò người nhà, có người đóng vai chủ lễ, có người đảm nhiệm việc đón tiếp, đăng ký, viết câu đối biếu...
Trước khi nhập học, nhiều sinh viên nghĩ rằng sau khi qua đời, người ta sẽ bị đẩy thẳng vào lò hỏa táng. Nhưng trên thực tế, việc vận hành lò hỏa táng cũng cần được đào tạo nghiêm ngặt. Ví dụ, lượng không khí nạp vào phải được kiểm soát, quá trình hỏa táng cũng được phân chia thành nhiều giai đoạn.
Ngành đào tạo "quản lý tang lễ" không chỉ đào tạo cho các sinh viên kiến thức vững chắc về ngành nghề vẫn còn khiến nhiều người thấy e ngại này. Đồng thời, cung cấp cho người làm nghề môi trường rèn luyện khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, vấn đề kỹ thuật tại chỗ trong một sự kiện trang trọng.
Nhiều trường ở Trung Quốc thành lập chuyên ngành tang lễ và an táng
Hiện ở Trung Quốc có 16 trường Cao đẳng nghề đào tạo về tang lễ. Trong 20 năm qua kể từ khi thành lập chuyên ngành tang lễ và an táng ở Trung Quốc, hàng năm tổng cộng có khoảng 1.200 học viên được đào tạo.
Lý do khiến nhiều bạn trẻ theo đuổi ngành này dù nó được đánh giá khá kinh dị là bởi mức lương tương đối cao ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Chiết Giang và Bắc Kinh. Theo đó, lương hàng tháng của nhân viên nhà tang lễ dao động trung bình từ 4.000 Nhân dân tệ - 6.000 Nhân dân tệ (khoảng 14 - 20 triệu đồng) với công việc tiếp đón khách, đăng kí và an ủi người nhà.
Với các công việc mang tính chuyên môn hơn như ướp xác và làm đẹp cho thi thể thì có thể lên tới 10.000 - 30.000 Nhân dân tệ/tháng (hơn 30 triệu đồng - 100 triệu đồng).
Cách đây không lâu, một nữ sinh viên ngành Quản lý tang lễ của một trường cao đẳng tại Trung Quốc đã chia sẻ lên mạng xã hội lịch học của mình. Nhiều người xem xong đã phải rùng mình!
Theo thời khóa biểu mà nữ sinh chia sẻ, các môn học trong ngành này bao gồm: Phân tích tâm lý tang lễ, Nghi lễ tang lễ, Phong tục tang ma, Kiến thức về Kinh Dịch, Thiết kế ứng dụng trong ngành tang lễ và Quản lý nghĩa trang, công viên tưởng niệm.
Những môn học này bao quát nhiều khía cạnh khác nhau của ngành dịch vụ tang lễ, đòi hỏi sinh viên phải nắm vững toàn bộ các kiến thức liên quan. Đối với nhiều người, việc đối diện với các môn học này thật sự là điều kinh hoàng. Khi nghĩ đến việc sau này mình sẽ phải đối mặt với những người đã qua đời do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít sinh viên cảm thấy sợ hãi và nhận thấy khối lượng kiến thức cần học trong ngành này quá nhiều.
Ngoài các môn học lý thuyết, các nhiệm vụ thực hành trong ngành dịch vụ tang lễ cũng khiến nhiều người phải rùng mình. Sinh viên cần phải học các kỹ thuật bảo quản và trang điểm tử thi.
Những kỹ năng thực hành này bao gồm khử trùng thi thể, vệ sinh, xử lý các lỗ tự nhiên, trang điểm và khâu lại các bộ phận. Các yêu cầu thực hành này không chỉ làm nhiều người cảm thấy rợn người mà còn là thử thách tâm lý lớn.
Điều này cũng phần nào giải thích tại sao mức lương trong ngành dịch vụ tang lễ lại cao.
Nhiều tranh cãi
Mặc dù có mức thu nhập hấp dẫn và cơ hội việc làm cao, ngành tang lễ vẫn còn vấp phải nhiều định kiến. Nhiều người trong ngành cho biết họ không nhận được sự ủng hộ từ gia đình hay thậm chí không tìm được đối tượng yêu đương. Bên cạnh đó, công việc cũng mang đến nhiều ảnh hưởng nhất định về mặt tinh thần cho họ.
Trương Thần Thần, một nhân viên tang lễ cho biết: "Khi tôi mới bắt đầu thực tập, có người nhà đến xin tro và họ bật khóc rồi gọi cho mẹ mình khi nhìn thấy một đống xương trước mặt. Tôi cũng không thể kìm được nước mắt và bắt đầu khóc". Thời gian trôi qua, vì đã nhìn thấy quá nhiều, Trương Thần Thần nói rằng cô đã dần "tê liệt" cảm xúc và không còn thể hiện ra điều gì nữa.
Tuy nhiên, với sự thúc đẩy của xã hội và hỗ trợ từ phía chính phủ, ông Hà Chấn Phong tin rằng đây vẫn là một ngành nghề xu hướng trong tương lai và sẽ thu hút được nhiều sinh viên theo học hơn nữa.