(ĐSPL) - Triển lãm lần này trưng bày Mộc bản triều Nguyễn có nội dung liên quan tới chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là Di sản tư liệu thế giới được UNESCO công nhận từ năm 2007, là kho báu của Việt Nam và cả thế giới.
Theo tin tức trên báo Nhân dân, sáng ngày 9/9, tại Trung tâm triển lãm Hòa Bình, TP Đà Lạt, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Triển lãm diễn ra đến ngày 13/9.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: M.V.B |
Triển lãm lần này trưng bày nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế.
Đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đều khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bốn tập atlas và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy, cương giới cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam.
Đặc biệt, triển lãm đã đưa những Mộc bản triều Nguyễn liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
Triển lãm lần đâu tiên đưa những Mộc bản triều Nguyễn giới thiểu rộng rãi đến công chúng. Ảnh: Q.D |
Và tư liệu quý là các Châu bản triều Nguyễn ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới triều Nguyễn (1802 - 1945).
Triển lãm cũng trưng bày những hiện vật, hình ảnh về công cuộc thực thi chủ quyền và đấu tranh “bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa” của Việt Nam; hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện đảo Trường Sa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Rất đông tầng lớp người dân đến tham quan triển lãm. Ảnh: M.V.B |
VnExpress dẫn lời ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 tại Đà Lạt đang lưu trữ 34.619 tấm mộc bản triều Nguyễn. Trong đó có 17 tấm với 19 mặt khắc liên quan đến chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà hiện nay Trung Quốc tranh chấp.
Đây là khối tài liệu có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.