Trong quá trình ly hôn, việc quyết định ai có được quyền nuôi con và lựa chọn những phương án tốt nhất cho con khi hai vợ chồng có hai cuộc sống riêng biệt là rất khó khăn. Khi đưa ra các quyết định về quyền nuôi con, thăm nom, cấp dưỡng và bất cứ điều gì khác liên quan đến con cái, tất cả mọi người - cha mẹ, luật sư, thẩm phán - phải làm những điều tốt nhất có thể cho đứa trẻ.
Tuy nhiên, các đôi vợ chồng ly hôn thường không đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này. Họ mang quá nhiều cảm xúc tiêu cực trong bản thân, như là tức giận đối phương, vì thế dù lý trí biết rằng điều gì sẽ tốt cho con của mình, nhưng họ cũng không chắc sẽ ủng hộ việc đó. Thay vào đó, những người cha, người mẹ này thường chỉ quyết định theo cảm xúc của bản thân, và thông thường họ tìm cách giành quyền nuôi con về phía mình. Sau đó, hậu quả là những đứa trẻ trong các gia đình ly hôn phải trả qua nhiều khó khăn.
Chúng ta là các bậc làm cha, làm mẹ cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề ly hôn. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng cá nhân hai người, mà nó còn ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sau này của con cái mình.
Bố mẹ ly hôn con cái sẽ ra sao luôn là câu hỏi đau đáu trong lòng mỗi bậc phụ huynh khi họ đưa ra quyết định ly hôn để giải thoát cho nhau, để cho chính bản thân mình và để cho người kia có một cơ hội đi tìm hạnh phúc mới.
Bố mẹ phải thực sự suy nghĩ cho con cái, dù có chia tay nhưng hãy chia tay một cách thật êm đềm, văn minh để không làm xáo trộn cuộc sống của những đứa trẻ. Là một bậc cha mẹ có nhận thức, bạn phải hiểu rằng, những đứa con trong gia đình có bố mẹ ly hôn vốn đã phải đối mặt với rất rất nhiều trở ngại.
Ly hôn làm cho trẻ mất đi sự quan tâm, chăm sóc, hay sự hỗ trợ trong học tập và trong cuộc sống khi con trẻ không được sống chung cùng cả bố và mẹ. Việc ly hôn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của cha mẹ, từ đó dẫn đến những cảm xúc xấu, ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc con cái và điều đó làm cha mẹ có xu hướng kỷ luật khắc nghiệt hay nuông chiều hơn với con.
Có thể nói rằng, dù ít hay nhiều thì việc ly hôn của cha mẹ cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con cái. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của cha mẹ kết thúc không có nghĩa là cuộc sống của con cái bị hủy hoại. Trách nhiệm của các bậc cha mẹ chính là hạn chế hết mức có thể khả năng những điều tiêu cực tác động đến con trẻ, và tìm cách chữa lành những tổn thương mà đứa trẻ gặp phải vì bố mẹ ly hôn. Vậy cụ thể, các đôi vợ chồng ly hôn có thể làm gì để bảo vệ con cái của mình khỏi những cảm xúc tiêu cực từ việc ly hôn?
Việc đầu tiên là hãy để con tránh xa những mâu thuẫn, xung đột. Hãy nhận thức được rằng việc cãi nhau trước mặt con là điều không bao giờ được xảy ra. Một khi có xung đột giữa hai vợ chồng, hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc thay vì để bản năng điều khiển bản thân. Đừng nghĩ rằng trẻ con không để ý đến những tranh cãi của người lớn.
Bạn nên biết rằng, những đứa trẻ luôn dõi theo mối quan hệ của bố mẹ mình và con cái luôn mong rằng bố mẹ mình hòa thuận, hạnh phúc. Việc cha mẹ bất hòa, cãi nhau, thậm chí là dùng những lời lẽ thô tục hay đánh nhau sẽ để lại cho trẻ những sang chấn tâm lý tiêu cực, và điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng.
Bên cạnh đó, bảo vệ con cái khỏi xung đột cũng có nghĩa là giữ những đứa trẻ tránh xa khỏi vấn đề ly hôn của bố mẹ. Sau khi ly hôn, đừng vì mong muốn con hiểu cho quyết định của mình mà trút ra mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ của bản thân với con cái. Trẻ chưa đủ trưởng thành để hiểu hết lý do của việc bố mẹ rời bỏ nhau, chúng lại càng không ở địa vị của bố mẹ để hiểu cảm xúc, tâm tư của từng người.
Sau khi chia tay, bố mẹ càng phải phát huy vai trò là chỗ dựa và đem đến cảm giác an toàn cho trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc bố mẹ không cần phải nói với con tất cả mọi thứ về việc ly hôn, như những nỗi lo lắng, những khổ đau, hay vấn đề tài chính… bởi cái trẻ cần là sự hỗ trợ của bạn, chứ không phải là an ủi bạn.
Hãy chia sẻ tâm tư với các chuyên gia tâm lý hoặc bạn bè, hoặc người thân, và tuyệt đối không nên bắt con phải gánh lấy gánh nặng cảm xúc của người lớn. Nên nhớ con của bạn chỉ là một đứa trẻ, vẫn hồn nhiên và có tâm lý chưa thực sự vững vàng. Vì thế, hãy giữ những đứa trẻ tránh xa khỏi mớ hỗn độn có thể làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý của con trẻ.
Không bắt con cái phải chọn lựa: Tuyệt đối không làm xấu hình ảnh của người còn lại trong mắt đứa trẻ. Khi bạn đã quyết định ly hôn, hãy giữ suy nghĩ rằng ly hôn là một quyết định đúng đắn bởi vì hai người nhận thấy không thể duy trì trạng thái hôn nhân nữa.
Đừng cố gắng đổ lỗi cho người kia và phóng đại những trở ngại mà mình phải đối diện. Đừng cố gắng tìm cách chà đạp người vợ hay chồng cũ để mọi người đứng về phía mình, ủng hộ mình. Việc nói với con về những sai lầm của người lớn, hoặc nói xấu bố hoặc mẹ chúng có thể khiến cho trẻ có suy nghĩ sai lệch về người sinh ra mình.
Đừng quên rằng đứa trẻ là con bạn, và cũng là con của người đó, vì thế trẻ yêu cả hai người như nhau. Và cũng vì tình yêu mà đứa trẻ dành cho hai người là như nhau, đừng nhẫn tâm bắt con phải lựa chọn giữa hai bên bố hoặc mẹ.
Những câu hỏi tưởng như vô hại của người lớn như: “Con muốn ở với ai?”, “Con chọn đi! Muốn theo bố hay theo mẹ?” những câu hỏi đó sẽ khiến cho đứa trẻ cảm giác mình buộc phải lựa chọn một bên và phản bội bên còn lại. Giữa tình hình căng thẳng của cả gia đình, đây là một trong những cách hỏi gây tổn thương tâm hồn con trẻ nhất.
Bởi lẽ, trong thâm tâm bất kỳ đứa trẻ nào cũng muốn được sống trong vòng tay yêu thương của cả bố và mẹ. Câu hỏi này có thể sẽ làm con cảm thấy tội lỗi, dằn vặt. Sự ép buộc này còn khiến trẻ vô cùng bối rối vì phải đưa ra một quyết định quá quan trọng. Trong khi bản thân con trẻ còn chưa đủ trưởng thành và chưa kịp điều chỉnh cảm xúc trước những xáo trộn trong gia đình. Và điều này là hoàn toàn không công bằng với đứa trẻ.
Thay vào đó, bố mẹ nên là những người chịu trách nhiệm về vấn đề này. Bố và mẹ nên bàn bạc, dàn xếp, đưa ra lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ, sau đó đưa ra những lời giải thích, khuyên bảo để con cái có thể thông cảm và nghe theo sự sắp xếp của bố mẹ. Sau đó quan sát phản ứng của con trẻ để điều chỉnh quyết định hay sự thông nhất đó. Nên nhớ việc này nên làm từ từ không nóng vội và ưu tiên sự bình an của trẻ là trên hết.
Các bậc cha mẹ cũng phải nhận thức được rằng, con cái không phải là “quân cờ” trong “trò chơi ly hôn” của mình. Vì thế, đừng biến đứa trẻ thành trung gian liên lạc giữa hai người. Đừng lấy con cái ra làm người đưa tin giữa hai người kể cả khi bạn không muốn giao tiếp với chồng hay vợ cũ.
Đó là trách nhiệm của hai vợ chồng, không liên quan gì đến những đứa trẻ. Việc biến con thành trung gian khiến đứa trẻ áp lực vì không thể truyền tải đúng những lời nói, hay suy nghĩ của bố mẹ, đồng thời cũng kéo những đứa trẻ vào các vấn đề rắc rối của bố mẹ.
Bên cạnh đó, các cặp bố mẹ ly hôn cũng tuyệt đối không nên khai thác thông tin về chồng hay vợ cũ thông qua con. Dù tò mò về công việc hay các mối quan hệ mới của người cũ, bạn cũng đừng quên rằng đó là cuộc sống riêng tư của đối phương, không còn liên quan đến mình nữa. Việc cha mẹ khai thác những thông tin như thế từ con cái vô tình biến đứa trẻ thành người do thám, theo dõi nhất cử nhất động của bố mẹ mình để báo cho người còn lại và làm cuộc sống của đứa trẻ mất đi sự hồn nhiên, thoải mái.
Thay vào đó, khi có cơ hội gặp con, hãy đặt những câu hỏi quan tâm đến cuộc sống, hay sự phát triển của đứa trẻ, qua đó sẽ khiến cho con cảm nhận được năng lượng tích cực, thoải mái của bạn trong cuộc gặp của mình và con.
Một sai lầm khác mà các cặp vợ chồng ly hôn không nên mắc phải là cấm con liên lạc với người không nuôi dưỡng chúng. Dù nguyên nhân ly hôn là gì, bạn có căm ghét đối phương đến mức nào đi nữa, thì điều này cũng không phải lỗi của đứa trẻ. Bạn nghĩ rằng bạn có thể trừng phạt đối phương bằng cách ngăn cấm không cho họ gặp con, không cho họ đến dự các sự kiện quan trọng của con như sinh nhật, hay lễ tốt nghiệp hay sao?...
Bạn hãy nhớ rằng không phải bạn hay đối phương, mà chính con của bạn mới là người chịu tổn thương nhiều nhất, vì chúng cần cả bố lẫn mẹ đặc biệt là trong các sự kiện quan trọng của đời mình. Việc thiếu ai cũng là một mất mát cực lớn về mặt tinh thần đối với đứa trẻ.
Thay vào đó, hãy tạo điều kiện cho con tiếp xúc với bố, hay mẹ ruột vì điều này tốt cho sự phát triển của con, giúp con luôn có tâm trạng vui vẻ và thoải mái vì biết rằng dù thế nào thì bố mẹ vẫn luôn ở cạnh mình. Hãy nhớ rằng, ly hôn là việc của vợ chồng bạn chứ con cái không hề “ly hôn” với bố mẹ của chúng. Điều bạn cần làm là dành những điều tốt nhất cho con chứ không phải là giữ mãi thù hận trong lòng.
Kết thúc một mối quan hệ vợ chồng không phải chuyện dễ dàng. Nhưng để những đứa trẻ trong gia đình không bị tổn thương, không bị cuốn vào những vấn đề của người lớn, hay để xóa nhòa đi những vết sẹo hằn trong tâm trí của những đứa con còn là điều khó khăn hơn rất nhiều.
Vì thế, các bậc phụ huynh phải luôn giữ suy nghĩ rằng con cái chính là một điều quan trọng nhất của cuộc đời bố mẹ. Trong mọi hành động của mình, hãy chọn lựa những phương án có lợi nhất cho con bạn. Hãy là những bậc phụ huynh có lý trí trong hành động, có trách nhiệm với con cái.
Quỳnh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (176)