(ĐSPL) – “Theo tôi, việc đưa tội phạm “Hối lộ tình dục” vào luật Hình sự này là đúng nhưng cần nghiên cứu chế tài này kỹ lưỡng hơn nữa, bởi, việc xác định loại tội phạm này là vô cùng khó…”, LS Hồng Thái cho biết.
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó trưởng ban Nội chính Trung ương đã đưa ra đề xuất về việc đưa tội “Hối lộ tình dục” vào Bộ luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, quy định này đã có trong luật của nhiều nước từ lâu, còn ở Việt Nam thì chưa từng có quy định, cũng chưa từng có ai đưa ra đề xuất về việc này.
Đây là lần đầu tiên một loại hình tội phạm hối lộ được đưa ra để trao đổi và ngay lập tức tạo sóng dư luận. Phần lớn là đồng tình, nhưng lại tỏ ra rất băn khoăn về tính hiệu quả khi xử lý. Việc điều tra, phát hiện, xử lý hối lộ vật chất tiền bạc đã khó, hối lộ tình dục còn khó hơn rất nhiều lần.
Trước đề xuất trên của Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hồng Thái – Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp để làm rõ hơn vấn đề này.
“Hối lộ tình dục” có nên đưa vào luật Hình sự... |
Trả lời Báo Đời sống & Pháp luật, Luật sư Hồng Thái (Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp) cho rằng, mua bán dâm, cưỡng dâm, tặng cho, hối lộ là nhưng việc vẫn thường xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà các nước đều có. Hiện trong hệ thống Văn bản pháp luật, khái niệm “hối lộ tình dục” chưa tồn tại, cho nên về mặt pháp lý chưa có căn cứ nào để xác định. Tuy nhiên, có thể hiểu nôm na, hối lộ tình dục là hành vi dùng thân xác, nhan sắc của mình hoặc của người khác cho tặng, trao đổi nhằm mục đích trục lợi cho cá nhân.
Việc hối lộ tình dục rõ ràng là sự việc có và tồn tại từ xa xưa và ở mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, phải xác định rõ như thế nào là hối lộ tình dục? Đó là những khó khăn đặt ra nếu như chúng ta đưa “Hối lộ tình dục” vào trong Bộ luật Hình sự.
Nếu áp dụng loại tội phạm này, việc khó nhất là việc xác định chứng cứ, căn cứ. Khi người ta hối lộ, cơ quan điều tra có bắt được không. Không bắt tại hiện trường được thì phải lấy chứng cứ ở đâu.
Luật sư Hồng Thái – Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp. |
Thực tế cũng cho thấy rằng, nhiều vụ hiếp dâm đã và đang xảy ra, nạn nhân tố cáo kẻ đã cưỡng hiếp mình nhưng lại không còn chứng cứ nên chẳng thể xử lý được. Ví dụ, nếu nạn nhân bị cưỡng hiếp xong trình báo luôn thì có thể xử lý ngay. Nếu nạn nhân để một thời gian sau thì quá khó khi bị cáo không thừa nhận. Nhất là trong trường hợp, việc bị cưỡng hiếp không thể ghi hình hay quay phim, không để lại dấu vết gì nên để xác định chứng cứ quả là vô cùng khó.
“Xác định loại tôi phạm hối lộ tình dục vô cùng khó. Cả 2 bên đều không khai hoặc có người khai nhưng không có tang chứng, vật chứng thì chúng ta cũng gặp rất nhiều vấn đề để có thể xử lý được. Nên việc đưa loại tội phạm này vào Bộ luật Hình sự là đúng nhưng cần nghiên cứu chế tài này kĩ lưỡng hơn nữa để có thể áp dụng được”, LS Hồng Thái cho biết.
HOA TRẦN