+Aa-
    Zalo

    Lãi suất vay ngân hàng: Giảm ư? - Hãy đợi đấy!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Lãi suất tiền gửi thời gian gần đây tại các ngân hàng giảm rất nhanh, trong khi đó, lãi suất cho vay lại giảm rất chậm.

    (ĐSPL) - “Tiền gửi thời gian gần đây giảm rất nhanh (từ đầu tháng 4/2015 các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động thêm ít nhất 1\%/năm) nhưng lãi cho vay thì giảm chậm quá. Nếu so sánh với mặt bằng của thế giới và lạm phát (hết quý I là 2,8\%) thì rõ là lãi suất ở Việt Nam hiện vẫn cao gấp đôi"

    Người gửi, người vay đều... kêu

    Thông tin trên báo Tiền phong, bà Dương Thị Vân trú tại ngõ 81 Lạc Long Quân (Hà Nội) kể: Ki cóp mãi mới có hơn 100 triệu đồng gửi tiết kiệm. Bà Vân cho hay tết năm ngoái, bà gửi tại chi nhánh một ngân hàng ở phố Hoàng Quốc Việt với kỳ hạn 3 tháng một lần rút lãi với lãi suất 5,8\%/năm. Tính ra, sổ của bà đã 4 lần đáo hạn. Đầu năm nay, cô nhân viên ngân hàng bảo luôn là cháu tính cho bác kỳ hạn 3 tháng lãi suất mới là 4\%/năm.

    “Ấy vậy mà tôi nghe đứa cháu ruột kể nó cũng đi vay tại chính chi nhánh ngân hàng này theo dạng vay tín chấp cho khoản vay 3 năm với lãi suất tới 12\%/năm. Tôi thì nhẩm tính như vậy, mỗi tháng chênh lãi tiền gửi - tiền vay gấp tới 3 lần”- bà Vân nói.

    Nhắc tới câu chuyện lãi suất, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay đúng là doanh nghiệp đang kêu dài cổ ngóng lãi vay trung dài hạn giảm. “Tiền gửi thời gian gần đây giảm rất nhanh (từ đầu tháng 4/2015 các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động thêm ít nhất 1\%/năm) nhưng lãi cho vay thì giảm chậm quá. Nếu so sánh với mặt bằng của thế giới và lạm phát (hết quý I là 2,8\%) thì rõ là lãi suất ở Việt Nam hiện vẫn cao gấp đôi. “Đúng là cần thông cảm cho ngân hàng phải có độ trễ tiền gửi và tiền vay nhưng cần nhìn rõ trong cơ cấu vốn cho vay dài hạn, ngân hàng có rất nhiều nguồn tiền chứ đâu chỉ mỗi kênh tín dụng. Đối với doanh nghiệp căn cứ vào khả năng sinh lời và chi phí hiện mặt bằng lãi suất trên 10\%/năm là vẫn cao”- ông Kiêm khẳng định.

    Lãi suất tiền gửi thời gian gần đây giảm rất nhanh, trong khi lãi suất cho vay thì giảm rất chậm.

    Còn nhớ, trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và thành phố Hà Nội tháng 3 vừa qua, ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) phải kêu lên: “Ngân hàng cứ nói ưu ái nhưng nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa được hỗ trợ nhiều, đặc biệt là về vốn. Lãi suất cho vay 7-8\%/năm chỉ là danh nghĩa. Thực tế hầu hết DN phải vay vốn với lãi suất 9\%/năm, một bộ phận chịu lãi suất 11-12\%/năm. Làm sao DN có thể cạnh tranh được với DN nước ngoài”? Theo ông Lý, lãi suất cho vay bình quân từ 7,5\%/năm trở xuống thì DN mới có thể sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh được.

    Neo lãi suất cao bằng thủ thuật

    Báo Tuổi trẻ cho hay, hiện lãi suất huy động vẫn có xu hướng giảm, kỳ hạn 1 tháng phổ biến khoảng 4\%/năm, 6 tháng còn 5\%, 12 tháng khoảng 6\%/năm. Chênh lệch lãi suất huy động giữa các NH có vốn nhà nước chi phối và các NH cổ phần không đáng kể.

    Tuy nhiên tốc độ giảm lãi suất cho vay rất chậm. Các ngân hàng cũng sử dụng nhiều thủ thuật để chặn đà giảm lãi suất. Nếu phân tích kỹ sẽ thấy hiện tượng lạ trên biểu lãi suất huy động của các NH, đó là lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng cao hơn rất nhiều so với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng.

    Chẳng hạn kỳ hạn 12 tháng LS 5,8\%/năm nhưng lãi suất kỳ hạn 13 tháng nhảy lên 7,5\%/năm, thậm chí 7,7\%/năm, chênh 1,7 - 1,9\%/năm. Đến kỳ hạn 18 hoặc 24 tháng lãi suất lập tức giảm về gần ngang mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng.

    Hầu hết NH đều quy định lãi suất 13 tháng chỉ là tham chiếu để tính cho các hợp đồng tín dụng chứ NH không huy động. Có NH quy định chỉ huy động kỳ hạn 13 tháng nếu từ 500 tỷ đồng trở lên.

    Các chuyên gia cho rằng đây là thủ thuật để NH có thể thu được lãi suất cao khi cho vay trung - dài hạn. Hiện các hợp đồng vay trung - dài hạn sau thời gian cố định lãi suất cho vay sẽ được tính theo công thức lãi suất kỳ hạn 13 tháng cộng với biên độ 3 - 4\%/năm.

    Việc neo lãi suất kỳ hạn 13 tháng ở mức cao là cách để NH neo lãi suất các hợp đồng cũ ở mức cao. Hiện lãi suất kỳ hạn 13 tháng phổ biến ở mức 7,5\%/năm, cộng với biên độ sẽ trên dưới 11\%/năm.

     Tốc độ giảm lãi suất cho vay rất chậm. Các ngân hàng cũng sử dụng nhiều thủ thuật để chặn đà giảm lãi suất.

    Đủ lý lẽ để giữ lãi suất cao

    Lý giải câu chuyện lãi suất trung - dài hạn cao, tổng giám đốc một NH lớn nói có nhiều lý do. “lãi suất huy động giảm dẫn đến người dân thích gửi dài hạn để hưởng lãi suất cao trong thời gian dài, đặc biệt khi lãi suất gửi dài hạn cao hơn lãi suất ngắn hạn 1-1,5\%/năm như hiện nay. NH huy động lãi suất huy động cao trong thời gian dài nên bắt buộc phải neo lãi suất cho vay cao để không bị lỗ” - vị tổng giám đốc này nói.

    Theo ông này, lãi suất hiện nay theo mức chung của thị trường. Nếu lãi suất thị trường xuống thì buộc NH phải giảm lãi suất chứ neo cao thì không ai vay. NH Nhà nước định hướng lãi suất cho vay trung - dài hạn giảm 1-1,5\%/năm nhưng NH đang tồn vốn lãi cao, do vậy chỉ có thể giảm dần lãi suất chứ không giảm ngay được.

    Trong khi đó phó tổng giám đốc một NH có trụ sở tại Hà Nội nói NH không phải một mình một chợ, trong bối cảnh các NH phải cạnh tranh cho vay và vốn trên thị trường đang dư thừa thì DN có quyền lựa chọn. “Mức LS 11\%/năm là bình quân. Mặt khác lãi suất cũng tùy theo từng DN, với DN tốt lãi suất sẽ thấp hơn, nhưng với DN hiệu quả kinh doanh chưa cao thì NH phải ấn định lãi suất cho vay cao phòng ngừa rủi ro” - vị phó tổng giám đốc này nói.

    Cũng theo các NH, cam kết trung - dài hạn khá rủi ro cho cả hai bên, do vậy NH phải ấn định một mức LS đủ để bù đắp rủi ro. Theo vị phó giám đốc này, thực tế nhiều DN đặt vấn đề vay vốn như dự án có vấn đề hoặc báo cáo tài chính được kiểm toán bởi đơn vị không uy tín. Những DN như thế khó tiếp cận được nguồn vốn trung - dài hạn lãi suất thấp. “Thông thường các NH niêm yết lãi suất 11\%/năm, nhưng với khách hàng tốt có khi lãi suất cho vay chỉ còn 8-9\%/năm” - bà này nói thêm.

    Tại báo cáo vừa gửi tới Quốc hội kỳ này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình dành riêng một phần khá dài để nói về lãi suất. Thống đốc Bình cho biết việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất của NHNN trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô, điều kiện thị trường tiền tệ. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh theo mục tiêu đề ra của NHNN, chỉ bằng khoảng 40\% lãi suất vào nửa cuối năm 2011 và thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn kinh tế phát triển ổn định, góp phần hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của doanh nghiệp và hộ dân. “Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9\%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-11\%/năm, các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án/dự án khả thi thì lãi suất chỉ còn 5-6\%/năm”- Thống đốc nhấn mạnh.

    Trả lời câu hỏi: Vì sao lãi suất tiền gửi thì giảm nhanh mà cho vay lại chậm? Tổng Giám đốc PVcomBank, ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay hiện các ngân hàng đang “thừa” tiền VND nên rất sẵn lòng ưu ái khách vay thậm chí đưa xuống mức lãi suất thấp nhất có thể - chỉ còn 6\%/năm. Tuy nhiên, đó chỉ là với khoản vay ngắn hạn còn không ngân hàng nào đảm bảo cho doanh nghiệp hay cá nhân vay trung, dài hạn (3-6 năm) với mức lãi suất thấp” - ông Linh lý giải.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Video: Bún chả dùng hóa chất Trung Quốc[mecloud]NGlLBAKASU[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lai-suat-vay-ngan-hang-giam-u---hay-doi-day-a95109.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.