Sau đợt giảm lãi suất trước Tết Nguyên đán, từ cuối tháng 2 cho đến nay, một vài ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ lãi suất tiết kiệm với cả phương thức gửi online và gửi tại quầy.
Nhiều ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ lãi suất tiết kiệm trong tháng 3. Ảnh minh họa |
Nếu như những năm trước, lãi suất tiền gửi thường có xu hướng tăng vào dịp gần Tết nhằm huy động nguồn vốn từ nguồn lương, thưởng của người lao động thì trong năm nay, lãi suất tiền gửi lại giảm vào dịp sát Tết.
Nguyên nhân được lý giải từ việc các ngân hàng vẫn đang dư thừa nguồn vốn từ cuối năm 2020 trong bối cảnh tín dụng chưa tăng tương xứng.
Nguồn tiền dồi dào, một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất từ 10-40 điểm cơ bản đối với tiền gửi khách hàng cá nhân nhưng giữ nguyên với lãi suất tiền gửi tổ chức, từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất huy động giữa 2 nhóm khách hàng này.
Trước đó, trong tháng 2, lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng.
Sang đến tháng 3, nhiều nhà băng cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm để cân đối, phù hợp giữa các nhóm khách hàng và nhu cầu về dòng tiền của ngân hàng.
Theo khảo sát mới đây, đứng đầu trong việc chi trả lãi suất cho khoản vay dưới 1 tỷ kỳ hạn một năm hiện nay là KienLongBank với 7,1% áp dụng cho phương thức gửi online và 6,9% cho phương thức gửi tại quầy.
Một số nhà băng quy mô nhỏ như NCB, VietCapital Bank, NamABank... trả lãi kỳ hạn một năm trên 6,5% và dưới 7%.
Tại các ngân hàng tư nhân khác, lãi suất dao động từ 5,5% đến 6,5%.
Cụ thể, lãi suất ngân hàng huy động tại SHB là 5,8% đối với khoản tiền dưới 1 tỷ đồng kỳ hạn một năm trở xuống.
Mức huy động này ở VIB là 5,7% (kỳ hạn 11 tháng); SacomBank là 5,7%; VietinBank và BIDV là 5,6%...
Trong một diễn biến liên quan, hiện nay, một số ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngay từ những ngày đầu năm.
Tín hiệu này khiến thị trường kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ được các ngân hàng giảm tiếp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp khơi thông nền kinh tế vốn đang rất khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.
Bạch Hiền (t/h)