(ĐSPL) - "Khả năng lãi suất trong thời gian từ nay đến cuối năm nếu có tăng thì cũng chỉ tăng nhẹ, 0,5 - 1\%. Chính điều này cũng sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu và bất động sản...", TS. Alan Phạm, kinh tế gia trưởng của Tập đoàn VinaCapital cho biết.
Lãi suất huy động tăng nhẹ
Thông tin trên báo Hà Nội Mới, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trung tuần tháng 7, một số tổ chức tín dụng (TCTD) điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1\%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4\%/năm (kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng); 5,4-6,5\%/năm (kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng); 6,4-7,2\%/năm (trên 12 tháng). Đây là mức lãi suất bình quân của cả hệ thống ngân hàng và nếu nhìn vào biểu thống kê trên, lãi suất không có nhiều biến động so với trước, nhưng trên thực tế, không ít ngân hàng đã để mức lãi suất huy động khá cao, với mức cao khoảng 8\%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay được ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến là 6-7\%/năm đối với ngắn hạn, 9-10\%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường: 6,8-9\%/năm (ngắn hạn), 9,3-11\%/năm (trung và dài hạn). Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể chỉ dừng lại ở 5-6\%/năm. Song, tại một số ít ngân hàng, lãi suất cho vay đối với sản xuất, kinh doanh thông thường đã vượt qua 11\%/năm để tiến tới 12-13\%/năm, mức không thấp đối với DN trong thời điểm này.
Khi lãi suất VND vẫn là đề tài "nóng", nhất là vào thời điểm nhu cầu vốn tăng cao hơn mọi năm, lãi suất USD lại khá "lạnh". USD ổn định, chưa có dấu hiệu điều chỉnh tỷ giá của cơ quan chức năng, nên USD lại trở thành lợi thế cho những DN xuất nhập khẩu. Do lãi suất huy động USD vẫn duy trì mức 0\%, nên lãi suất cho vay chỉ rơi vào 2,8-6,2\%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn: 2,8-5,2\%/năm; trung, dài hạn: 5,1-6,2\%/năm.
Theo chuyên gia, khả năng lãi suất huy động trong 2 quý cuối năm sẽ chỉ tăng nhẹ ở mức 0,5 - 1\%. (Ảnh minh họa). |
Lãi suất huy động có thể tăng 0,5 - 1\% vào cuối năm
Thông tin trên báo Đầu tư, TS. Alan Phạm, kinh tế gia trưởng của Tập đoàn VinaCapital cho rằng, với tình hình kinh tế vĩ mô khá ổn định, cộng với các yếu tố bên ngoài như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định không tăng lãi suất USD, nợ xấu từng bước được giải quyết…, khả năng lãi suất huy động trong 2 quý cuối năm sẽ chỉ tăng nhẹ ở mức 0,5 - 1\%.
"Hiện tại, thanh khoản của ngân hàng vẫn vững, nên các nhà băng đủ tiền nhàn rỗi để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời mua thêm trái phiếu chính phủ. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện vẫn ở xu hướng giảm. Vì thế, khả năng lãi suất trong thời gian từ nay đến cuối năm nếu có tăng thì cũng chỉ tăng nhẹ, 0,5 - 1\%. Chính điều này cũng sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu và bất động sản. Một khi kỳ vọng lãi suất không tăng nhiều thì tiền nhàn rỗi sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, việc này khó có thể diễn ra ồ ạt, kể cả khi lãi suất không tăng", TS. Alan Phạm cho biết.
Đánh giá về kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2016, TS. Alan Phạm cho biết, lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, lãi suất cũng không có nhiều biến động, kể cả lãi suất trái phiếu chính phủ. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm có giảm, nhưng vẫn ở mức 6,2\%, được xem là tương đối tốt. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, cho dù GDP tăng trưởng có phần hơi yếu một chút.
"Theo tôi, trong nửa cuối năm nay, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định. Tỷ giá USD chỉ có thể tăng thêm 1 - 2\%. Từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kiểm soát tỷ giá tương đối tốt. Lạm phát năm nay khả năng ở mức thấp, kiểm soát ở mức khoảng 4\%." TS. Alan Phạm bày tỏ.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin