Có được tấm bằng lái xe ôtô ở Triều Tiên không phải là chuyện đơn giản, bởi cả nước chỉ có hai cơ sở đào tạo lái xe, phải đợi cả năm để thi lấy bằng lái.
Ngoài thủ đô Bình Nhưỡng, tại những nơi khác ở Triều Tiên hiếm khi nhìn thấy nhiều hơn 2 hoặc 3 chiếc ôtô chạy trên đường mỗi ngày. Ở những vùng nông thôn, người ta quen thuộc với máy kéo hơn là xe hơi.
Trừ những dịp thật đặc biệt, khi các quan chức chính phủ về làng, còn lại người dân nông thôn không có nhiều cơ hội nhìn thấy xe ôtô.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa (Nguồn: Internet) |
Cách đây nhiều năm, thậm chí những đứa trẻ ở tỉnh miền núi Kangwon còn vô cùng háo hức khi nhìn thấy ôtô trên đường. Chúng tụ tập với nhau hồ hởi: "Không thể tưởng tượng được, tớ nhìn thấy một chiếc ôtô màu đen! Nó vừa chạy trên con đường mới", một bé nói. Những đứa khác phụ họa: "Thật không đấy? Liệu nó có đi qua lần nữa không nhỉ? Chúng ta có nên chờ không?". Và thế là bọn trẻ háo hức chờ để xem chiếc xe.
Điều kiện lái xe ở Triều Tiên cũng rất tồi, đường sá hiếm được trải nhựa, trừ một số nơi hạn chế ở thành phố. Thông thường, những con đường đơn giản chỉ là mặt đất trần, được bao phủ bởi một lớp sỏi hoặc cát.
Đường không có vỉa hè, nên người đi đường phải dạt sang một bên khi nghe thấy tiếng xe chạy phía sau. Xe chạy qua, người ta phải lấy tay bịt mồm, mũi để khỏi hít phải khói bụi mịt mù. Khi trời mưa, đường sá ngập ngụa bùn lầy, nước mưa khiến nhiều chỗ biến thành những chiếc hố lớn.
Một trong những thách thức khác xuất phát từ đặc điểm độc đáo của địa hình Triều Tiên, trong đó một phần lớn là đồi núi. Nếu không có đường hầm, người ta phải lái xe vượt qua những quả đồi và núi này để sang phía bên kia.
Nhìn từ xa, những con đường trông giống như những vạch trắng mỏng mảnh chạy xoắn ốc theo lưng núi, rất nguy hiểm cho người lái. Nhiều đoạn đường cua tay áo và không có lan can chắn đường, do vậy chỉ cần một sơ sảy nhỏ cũng dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Bất chấp những khó khăn và nguy hiểm đó, trở thành tài xế vẫn là một công việc khiến nhiều bạn trẻ thèm khát.
Ở Triều Tiên, cá nhân không được phép sở hữu ôtô riêng, chính phủ giao xe ôtô và lái xe riêng cho những cán bộ cấp cao. Điều thú vị là, một khi lái xe được giao ôtô, điều đó sẽ không thay đổi, ngay cả khi quan chức mà họ phục vụ bị thay đổi.
Vì vậy, khi trở thành một tài xế, chiếc xe ôtô sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời, ngay cả khi họ không được phép sử dụng xe cho mục đích cá nhân.
Trở thành lái xe cũng là cách đảm bảo có một cuộc sống tốt đẹp. Nhiều quan chức Triều Tiên dính líu đến hối lộ, do đó, rất tự nhiên, các lái xe chứng kiến tất cả. Nếu lái xe mở miệng, hành vi của ông chủ dễ bị phát giác.
Hơn nữa, do lái xe không được các quan chức thuê trực tiếp mà do chính phủ giao nhiệm vụ, nên quan chức không có quyền hành nhiều lắm với lái xe. Người Triều Tiên không sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tíndụng, nên cách duy nhất để đưa hối lộ là trao tiền trực tiếp, khó mà giấu giếm được.
Chính vì vậy, quan chức thường phải cố gắng giữ mối quan hệ tốt với lái xe. Nếu không, lái xe rất dễ biến thành "người giám sát" quan chức.
Chính vì tất cả những bổng lộc và sự đảm bảo về công việc lâu dài, nên trở thành lái xe là một cuộc ganh đua khá cạnh tranh. Công việc này phần lớn dành cho con cái những gia đình khá giả hoặc quan chức điều hành cấp cao.
Để có được một tấm bằng lái xe ở Triều Tiên mất rất nhiều thời gian, bởi chỉ có 2 học viện đào tạo lái xe trên toàn quốc. Mỗi khóa học kéo dài 2 năm.
Vào học đã là một quá trình gian nan, nhưng để được tốt nghiệp lại còn khó hơn gấp bội, bởi những nơi đào tạo này không có đủ xăng cho các bài thi lái xe trên đường - một điều kiện bắt buộc để có bằng lái. Hàng trăm người phải chờ đến lượt để thi và tốt nghiệp, có người phải chờ hơn 1 năm.
Chính vì vậy, việc hối lộ để có một tấm bằng lái bất hợp pháp đã trở thành chuyện thường ngày ở Triều Tiên. Với một tấm bằng bất hợp pháp đó, ít nhất bạn cũng có thể trở thành một tài xế xe tải.