+Aa-
    Zalo

    Lạ lùng chạy xe ôm, sửa xe đạp cũng phải xin phép kinh doanh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bộ Tư pháp vừa phát hiện nhiều quy định trái luật tại các địa phương như: Chạy xe ôm, sửa xe máy,... cũng phải xin phép kinh doanh.

    (ĐSPL) - Bộ Tư pháp vừa phát hiện nhiều quy định trái luật tại các địa phương như: Chạy xe ôm, sửa xe máy,... cũng phải xin phép kinh doanh.

    Chạy xe ôm được một số tỉnh quy định là ngành kinh doanh có điều kiện. (Ảnh internet)

    Theo tin tức trên Vneconomy, Bộ Tư pháp vừa có báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, trong đó chỉ ra khá nhiều văn bản không phù hợp với quy định của pháp luật.

    Bộ đã phân loại, thực hiện kiểm tra 249 văn bản của 16 bộ (6 bộ, cơ quan ngang bộ không ban hành văn bản về điều kiện kinh doanh và kinh doanh có điều kiện); 276 văn bản của 52 địa phương (11 tỉnh báo cáo không ban hành văn bản về điều kiện kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, 1 tỉnh không báo cáo).

    Qua công tác kiểm tra, Bộ Tư pháp phát hiện 9 văn bản của các bộ, 20 văn bản của địa phương có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.

    Cụ thể, theo Bộ Tư pháp dẫn chứng thì có 6 văn bản của 5 tỉnh gồm: Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Quảng Bình, Đắc Lắc và Nghệ An tự đặt ra điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề kinh doanh như: biểu diễn ca Huế; sửa chữa ôtô, môtô, xe đạp; kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe điện bốn bánh, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy...

    “Các ngành nghề kinh doanh này chưa có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định, pháp luật cũng không giao cho các bộ, UBND cấp tỉnh quy định các điều kiện này. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu công tác quản lý Nhà nước, thay vì đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định, các bộ, UBND các tỉnh đã ban hành văn bản quy định về điều kiện kinh doanh buộc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ khi thực hiện hoạt động kinh doanh các ngành nghề này”, Bộ Tư pháp đánh giá.

    Cơ quan kiểm tra nhận định, đây là biểu hiện của sự vi phạm trật tự, kỷ cương hành chính, cần phải được chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

    Qua đó, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, UBND các tỉnh tự kiểm tra, xử lý theo đúng quy định về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật đối với văn bản sai về thẩm quyền, nội dung; kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc tham mưu soạn thảo, thẩm định, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật theo quy định tại Nghị định 40 của Chính phủ.

    Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhằm đảm bảo sự phù hợp với Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực vào 1/7 tới.

    Theo nguồn tin trên Vnexpress, trước đợt rà soát nêu trên, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với trọng tâm mà danh mục cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện vừa được Quốc hội thông qua được cho là bước đột phá về cải cách thể chế.

    Tuy nhiên, từ ngay khi danh mục này được nghiên cứu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã không ít lần kêu lên rằng, loại bỏ việc tự ý ban hành các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là một cuộc chiến cam go với các bộ ngành.

    Dù Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 102 không cho phép các bộ, cơ quan ngang bộ quy định về kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nhưng trong quá trình rà soát, Bộ Kế hoạch đầu tư cũng đã đề nghị giảm bớt cả trăm ngành kinh doanh có điều kiện.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/la-lung-chay-xe-om-sua-xe-dap-cung-phai-xin-phep-kinh-doanh-a85166.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Rút giấy phép kinh doanh DN có 20\% xe chạy quá tốc độ

    Rút giấy phép kinh doanh DN có 20\% xe chạy quá tốc độ

    (ĐSPL) - Các loại xe thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình như xe chở khách (kinh doanh), xe chở khách (hợp đồng), xe tải, xe container... thường gây ra các vụ tai nạn thương tâm. Tìm giải pháp để giám sát hành trình của các “hung thần” là rất cấp bách!