Được người dân ở nhiều nước Châu Phi sử dụng để pha nước uống, lá khát bị Mỹ và các nước Châu Âu đưa vào danh mục ma túy đặc biệt nguy hiểm do độc hại gấp 500 lần ma túy thông thường.
Lá khát hay còn gọi là lá thiên Đường (hay kat, qat, ghat hoặc chat) là một cây lâu năm được trồng nhiều bởi người dân châu Phi. Người dân nơi đây sử dụng lá khát như nhai trầu hay phơi khô, chế biến thành nước để uống như uống cà phê.
Là loại cây lân năm, chiều cao của cây lá khát dao động từ 1 đến 5m. Chúng có thể đạt chiều cao đến 10m tại vùng xích đạo. Lá của chúng có màu xanh, với chiều dài từ 5 đến 10cm, chiều rộng 1 tới 4cm.
Cảnh buôn bán lá khát tấp nập ở một khu chợ Ấn Độ. |
Do trồng cây này có giá trị kinh tế rất cao, nên người dân ở Châu Phi và bán đảo Arab trồng cây này để kiếm lời. Người ta ước tính trung bình một ngày hơn 25.000kg lá Khát được bán ra tại chợ Adaway của Ethiopia với giá cao nhất lên tới 20 USD/bó.
Thế nhưng, những năm gần đây, sau một số nghiên cứu, cơ quan quản lý tại Mỹ và nhiều nước châu Âu khác đưa lá khát vào danh mục ma túy đặc biệt nguy hiểm do bởi loại lá này có chứa chất cathinone – một chất kích thích giống ma túy tổng hợp amphetamine, nhưng có tác dụng nhanh hơn (khoảng 15 phút sau khi nhai, so với 30 phút nếu dùng amphetamine), có mức độ nguy hiểm hơn ma túy đá gấp nhiều lần và độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần.
Theo PGS. TS Phạm Duy Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện pháp y tâm thần Trung ương cho hay, trong lá cây khát chứa chất cathinone, có mức độ nguy hiểm hơn ma túy đá nhiều lần và độc hại hơn các loại ma túy thông thường. Từ lá Khát có thể tinh chế thành chất ma túy cathinone.
Theo các nghiên cứu, cathinone tổng hợp có thể tạo ra nhiều chứng bệnh thuộc nhóm rối loạn tâm thần, gồm: rối loạn lo âu hay phiền muộn, rối loạn giấc ngủ, kiêu ngạo thái quá, hoang tưởng (hoang tưởng bị hại, hoang tưởng liên hệ bản thân...), ảo giác, rối loạn về cư xử xã hội, tăng ham muốn tình dục, hoảng loạn và tấn công người khác.
Về mặt thực thể, nó có thể gây chảy máu cam, đổ mồ hôi, buồn nôn. Người trải qua cơn mê sảng kích thích khi dùng loại thuốc này có thể bị mất nước, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến sự phân hủy của các tế bào cơ xương và suy thận.
"Muối tắm" là tên lóng của một loại ma túy tên hóa học là mephedrone và cathinone được chiết xuất từ cây Khát, có hình dạng kết tinh và cách sử dụng giống như đá (đốt hít). Loại ma túy này khá phổ biến với những con nghiện đá ở Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, từ chất này có thể tổng hợp với chất amphetamine thành loại ma túy có tên gọi là Flakka. Đây là loại ma túy có dạng như tinh thể muối, màu trắng hay hồng nhạt, có mùi như mùi vớ của người hôi chân.
Có thể nói, Flakka là sự pha trộn giữa cocain và ma túy đá, nên mức độ nguy hại, tàn phá cơ thể của nó đối với người sử dụng thật sự đáng sợ hơn các loại ma túy thông thường rất nhiều.
Lá khát độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần thường được nhập lậu về Việt Nam dưới hình thức lá trà, cà phê. |
Lá khát rất dễ gây nghiện. Thông thường, người sử dụng chỉ cần nhai lá tươi, hút lá khô, pha trà uống hoặc rắc vào thức ăn cũng dẫn tới bị gây nghiện nặng. Thế nhưng một khi đã nghiện thì lại đặc biệt khó cai nghiện hơn nhiều loại ma túy khác và khả năng dẫn đến tử vong cũng rất cao.
2,5 tấn lá khát nhập lậu về Việt Nam bị phát hiện ở cảng Hải Phòng ngày 11/5. |
Tại Việt Nam, lá khát khô được nhập lậu về dưới hình thức lá trà, cà phê. Ngày 11/5 vừa qua, lực lượng Hải quan cảng Hải Phòng vừa kiểm tra, khám xét, phát hiện và bắt giữ 1 container chứa 2,5 tấn lá khát. Lô hàng này xuất phát từ Kenya, châu Phi và quá cảnh qua nhiều nước trước khi về cảng Hải Phòng. Đơn vị đứng tên người nhận là một công ty có trụ sở tại TP Móng Cái, Quảng Ninh.
Cơ quan điều tra cho biết, thời gian qua, khu vực cảng Hải Phòng được xác định là địa bàn trung chuyển loại lá này với số lượng lớn. Vì chưa bắt giữ được trường hợp nào bán lẻ lá Khát ra ngoài thị trường, nên cơ quan chức năng hoài nghi chúng được chế biến thành các loại ma túy rồi mới tung ra thị trường.
Minh Minh(T/h)