(ĐSPL) - “Khởi hành được khoảng 3 giờ, tàu bục đáy chỗ ống láp chân vịt. Anh Khải (chủ tàu) hớt hải lôi máy bơm ra nhưng khởi động hoài không nổ", anh Sử kể lại.
Chuyến tàu định mệnh
Đã xảy ra hơn chục năm rồi nhưng cứ mỗi dịp người người, nhà nhà nô nức đi chơi lễ thì ký ức tang thương của vụ chìm tàu khiến 49 người thiệt mạng và mất tích lại trở về với người dân Cà Mau.
Vụ chìm tàu thảm khốc nhất Cà Mau khiến người dân vùng cực nam Tổ quốc vẫn còn ám ảnh khi nhắc đến con tàu mang tên Diễm Tính.
Xác tàu Diễm Tính như bộ xương cá nằm ven sông Ông Trang. (Ảnh: Việt Tường/báo Tri thức trực tuyến). |
Sáng ngày 30/4/2004, tàu Diễm Tính (tải trọng khoảng 30 tấn, được đóng mới năm 1997 nhưng không đăng ký hoạt động nên không có số hiệu) xuất phát từ xã Viên An, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), chở hơn 150 người đi tham quan đảo Hòn Khoai. Do bị bục nước, tàu đắm làm 39 người chết, 10 người mất tích.
Sau tai nạn, người điều khiển phương tiện cũng là chủ tàu là ông Trần Quốc Khải (sinh năm 1966, ngụ xã Viên An) đã bị xử phạt 21 năm tù về tội “vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” và “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”. Vợ ông Khải, bà Trần Ánh Tuyết (sinh năm 1963) bị tuyên án 12 năm tù với vai trò đồng phạm. Đồng thời, vợ chông ông Khải bà Tuyết còn phải chịu trách nhiệm bồi thường hơn 1 tỷ đồng cho các nạn nhân.
Ngoài ra, chủ tịch UBND, trưởng Công an xã Viên An và thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, nơi tàu dừng lại đón thêm khách) cùng một số cán bộ lãnh đạo huyện Ngọc Hiển đã bị kỷ luật do không làm tròn trách nhiệm trong quản lý địa bàn, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu ra khơi.
Lời kể của những người trở về từ cõi chết
Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, anh Huỳnh Minh Sử, một trong những người may mắn sống sót trong vụ chìm tàu năm xưa kể lại: “Khởi hành được khoảng 3 giờ, tàu bục đáy chỗ ống láp chân vịt. Anh Khải (chủ tàu) hớt hải lôi máy bơm ra nhưng khởi động hoài không nổ. Mọi người hoảng hốt gom chăn áo trám vào chỗ bể cũng không sao ngăn được dòng nước tràn vào. Thấy tình huống nguy cấp, ai nấy nháo nhào đi tìm can nhựa, chai nước suối, mảnh thùng xốp và cả xoong nồi thay cho phao cứu sinh.
Cô Cao Thị Quế buồn rười rượi khi nhớ tới đồng nghiệp và những người đã không may mắn như mình. (Ảnh: Tấn Đức/báo Tuổi trẻ). |
Rồi có ai đó hô lớn: Mọi người nhảy xuống biển đi, không sẽ bị nước hút vào khoang. Tôi chạy ra mạn tàu, nhảy ùm xuống nước và cố bơi ra xa. Ngoái nhìn lại, tôi thấy tàu chìm rất nhanh. Những cánh tay giơ lên, chới với rồi mất dần. Tôi gắng sức vớt mấy chiếc dép nhựa trôi bập bềnh trên sóng để ôm cho khỏi chìm tới khi được một tàu cá của ngư dân tới cứu”.
Lúc đó Sử mới 16 tuổi, đang học lớp 9 Trường THCS Viên An, huyện Ngọc Hiển. Thấy chủ tàu Diễm Tính là người cùng xóm dán thông báo mở tour chở khách đến Hòn Khoai, nhân lúc vừa thi học kỳ 2 xong, nhà trường cho nghỉ để ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp THCS, Sử liền rủ mấy anh em bạn và người dì ruột đi chơi cho biết Hòn Khoai. Thật may khi cả nhóm của Sử đều trở về an toàn.
Cô Cao Thị Quế, giáo viên Trường THCS Viên An Đông (Ngọc Hiển), trở về từ biển như một giấc mơ. Sinh ra ở Nga Sơn (Thanh Hóa), nhưng vùng đất cực Nam Tổ quốc có một sức hút kỳ lạ với cô. Ngay sau khi tốt nghiệp THPT, cô quyết định dấn thân, nộp đơn thi vào Trường cao đẳng Sư phạm Cà Mau. Ra trường, Quế về công tác tại Nhưng Miên (xã Viên An Đông, Ngọc Hiển).
Dịp lễ 30/4 năm đó, cô cùng 3 đồng nghiệp trẻ đều sinh ra ở miền Bắc có mặt trên tàu Diễm Tính, với mong ước một lần đặt chân lên đảo Hòn Khoai. Tàu chìm, cô và đồng nghiệp Phạm Thị Đào may mắn bám được vào cột cờ nhô lên mặt nước, nhưng 2 người còn lại đã ra đi. Đưa tiễn bạn lần cuối, Quế về quê cả tháng để tĩnh tâm, rồi quay lại trường gắn bó với học trò suốt từ đó đến nay. Nhắc chuyện cũ, đôi mắt cô lại đỏ hoe...
Anh Giao kể lại lúc chìm tàu Diễm Tính. (Ảnh: Việt Tường/báo Tri thức trực tuyến). |
Trao đổi trên báo Tri thức trực tuyến về hôm xảy ra tai nạn, anh Nguyễn Hoàng Giao (30 tuổi, ngụ xã Viên An) kể lại, anh cùng 6 người bạn đón tàu Diễm Tính tại chợ Ông Trang, khi thấy ông Khải dán thông báo chở khách ra Hòn Khoai chơi.
Sau khi xuống tàu, bà Trần Ánh Tuyết (vợ ông Khải) thu mỗi người 60.000 đồng và vài thanh niên mua rượu của người phụ nữ này uống để giết thời gian.
"Uống được vài ly thì tụi tôi ngưng, vì rượu bà Tuyết bán hôi mùi khét. Hôm đó nếu nhậu nhiều, tôi với bạn bè có thể khó thoát nạn vì say xỉn", anh Giao nói.
Anh Giao cho biết, tàu Diễm Tính được ông Khải sử dụng nhiều năm, chủ yếu đi bơm nước mặn ngoài Hòn Khoai, mang về bán lại cho các cơ sở sản xuất tôm giống. Trong buồng máy có một động cơ hiệu D6 dùng để bơm nước, nhưng khi xảy ra sự cố, không ai khởi động được chiếc máy dầu này.
"Giúp chủ tàu quay máy bơm nhiều lần nhưng không được, bạn tôi là Thái Nguyên lột áo trám vào lỗ thủng cũng không xong. Thái Nguyên đập thùng xốp đựng nước đá vỡ thành nhiều mảnh để chia cho bạn bè làm phao, rồi chúng tôi nhảy khỏi tàu. Khi ngoái lại, tôi thấy nhiều cánh tay giơ lên khỏi mặt nước rồi chìm mất", anh Giao kể lại.
LINH SAN(Tổng hợp)
Xem thêm video: Cứu sống 3 thuyền viên bị chìm tàu trên biển