+Aa-
    Zalo

    Ký ức đau thương sau đêm đột nhập biệt thự Hoa Hồng trừ ác quỷ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- 64 năm trước, đội cảm tử Phan Như Thạch đã tiêu diệt Hazz Victo, Phó thanh tra miền Nam Đông Dương tại biệt thự Hoa Hồng.

    (ĐSPL)- 64 năm trước, đội cảm tử Phan Như Thạch đã tiêu diệt Hazz Victo, Phó thanh tra miền Nam Đông Dương tại biệt thự Hoa Hồng. Vì vụ việc này, thực dân Pháp quyết “một mạng đổi 20 mạng”, nhằm khiến đội cảm tử Phan Như Thạch chùn bước. Kết quả, 20 tù binh Việt Minh yêu nước bị Pháp đem ra sát hại ở sân bay Cam Ly, duy có một người may mắn sống sót với chín vết thương, sau này chính là nhân chứng đã tố cáo sự tàn bạo của thực dân Pháp.

    Đột nhập biệt thự Hoa Hồng

    Những ngày này, người dân tỉnh Lâm Đồng lại nhớ về những người con yêu nước đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc hơn 60 năm trước. Trong số đó, 36 chiến sỹ trong đội cảm tử Phan Như Thạch và 20 tù binh Việt Minh bị Pháp đem hành quyết bí mật tại sân bay Cam Ly (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), vẫn mãi là ký ức trong trang sử của địa phương. Tháng 3/1951, đội cảm tử Phan Như Thạch được thành lập tại chiến khu 300 (tỉnh Lâm Đồng), gồm 36 người, do đồng chí Nguyễn Tấn Phước làm đội trưởng, có nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, diệt tề trừ gian, bảo vệ chiến khu, bảo vệ cán bộ cách mạng.

    Đêm 10/5/1951, một tổ cảm tử đến ẩn nấp tại nhà cơ sở cách mạng, gần nhà tên Hazz. Sau một ngày chờ đợi, tên Hazz mới xuất hiện tại biệt thự Hoa Hồng. Khoảng 16h ngày 11/5, tổ cảm tử đột nhập vào biệt thự của tên Hazz, nhanh chóng chia làm hai nhóm, một nhóm lục tìm tài liệu, một nhóm đón lõng tên Hazz trở về, yểm trợ cho cả tổ rút lui.

    Khi tên Hazz bước vào biệt thự, một đồng chí trong đội cảm tử đã yêu cầu hắn giơ tay đầu hàng để bảo toàn tính mạng. Tên Hazz giả vờ giơ tay rồi quay ra định chạy. Các chiến sỹ cảm tử buộc lòng nổ súng tiêu diệt, dù mục đích trước đó là bắt sống. Sau khi tiêu diệt tên Hazz, cả đội thu tài liệu, vũ khí rồi lấy xe ô tô chạy ra đường theo kế hoạch.

    Để xây dựng mạng lưới rộng rãi và phối hợp trong ngoài thuận lợi, Thị ủy Đà Lạt đã tổ chức ở nội và ngoại thành 13 tổ cảm tử, chia ra hoạt động ở các khu vực Xuân An, Trại Mát, Tân Lạc, Nam Thiên và Trại Hầm. Sau thời gian huấn luyện, đội cảm tử đã bắt đầu tiếp nhận nhiệm vụ điều tra, phân loại, theo dõi những tên phản động, mật thám ác ôn có nợ máu với nhân dân để xử tội.

    Trước khi đánh trận lớn, các chiến sỹ đội cảm tử được tập huấn bằng cách tiếp cận và tiêu diệt các tên ác ôn ở Đà Lạt. Trận tập kích biệt thự Hoa Hồng (TP. Đà Lạt) là trận đánh lớn đầu tiên ghi dấu ấn của đội cảm tử Phan Như Thạch. Mục đích của trận này là bắt sống tên Hazz Victo, Phó thanh tra miền Nam Đông Dương phụ trách Nam Tây Nguyên và Đà Lạt, để khai thác thông tin và đổi lấy một số anh em tù chính trị đang bị giam cầm.

    Đến đoạn chân suối Cam Ly, xe chết máy, cả đội rời khỏi xe thì phát hiện một chiếc GMC chở đầy lính từ hướng sân bay Cam Ly chạy tới. Đội nổ súng ngăn chặn, tiêu diệt hai tên, bắn bị thương một số tên, rồi bơi qua thác Cam Ly về căn cứ.

    Trận tiêu diệt tên Phó chánh thanh tra miền Nam Đông Dương đã gây tiếng vang lớn ở Việt Nam và cả nước Pháp. Sau trận đánh, nhiều tên mật thám, chỉ điểm, tề điệp, ác ôn hoang mang lo sợ, buộc chúng phải điều động một tiểu đoàn lính từ Sài Gòn lên để bảo vệ an ninh và hành quân càn quét. Sau trận đánh vang dội, các thành viên đội cảm tử Phan Như Thạch thay tên đổi họ, nhận nhiệm vụ mới để tránh sự trả thù của địch.

    Đến vụ sát hại Cam Ly rúng động lòng người

    Cái chết của tên Phó chánh thanh tra miền Nam Đông Dương khiến địch nổi giận, đem 20 tù binh chính trị yêu nước Việt Nam hành quyết, không thông qua tòa án. Lưới trời lồng lộng, cuộc hành quyết bí mật của thực dân Pháp bị hé lộ khi cô gái 25 tuổi Nguyễn Thị Lang (hiện đã mất - PV) may mắn sống sót, sau nhiều ngày lẩn trốn trong rừng với chín vết đạn chí mạng.

    Bà Nguyễn Thị Lang, người duy nhất sống sót trong vụ thảm sát Cam Ly (ảnh tư liệu).

    Những năm còn sống, bà Lang thường được mời đến các trường ở TP. Đà Lạt để kể chuyện cho học sinh, sinh viên nghe. Nhiều thế hệ học sinh còn nhớ như in những câu chuyện nữ chiến sỹ Nguyễn Thị Lang kể lại: Đêm 11/5/1951 là một cơn ác mộng dài của cô gái trẻ và 19 tù binh khác. Đêm đó, 20 tù chính trị mà địch cho là có liên quan đến đội cảm tử Phan Như Thạch gây ra cái chết của phó chánh thanh tra miền Nam Đông Dương bị đẩy lên một chiếc xe bít bùng đỗ trước cổng nhà giam, đưa đến khu rừng gần sân bay Cam Ly. Các tù nhân ấy còn rất trẻ, nửa trong số đó là nữ vừa mới đôi mươi.

    Theo lời bà Lang lúc còn sống, ban đầu, mọi người cứ nghĩ đó là cuộc chuyển lao bình thường. Mọi người còn cười đùa, không chút lo lắng, sợ hãi. Khi xe chạy gần tới Cam Ly, một tên địch mới nói với giọng tức tối: “Chúng mày giết một mạng thì phải đổi 20 mạng”. Nghe đến đó, mọi người biết mình sắp bị đem xử tử bí mật mà không thông qua xét xử tại tòa án. Chiếc xe dừng lại dưới chân một ngọn đồi, từng người một bị bắn rồi đẩy xuống. Nửa đêm, bà Lang tỉnh dậy, bốn bên là xác đồng đội. Kịp trấn tĩnh và dằn cơn đau, bà quơ tay tìm đồng đội, xem còn ai sống sót không. Khi biết không ai còn sống, bà Lang lết theo hướng có tiếng nước chảy.

    Theo lời kể của bà, lúc ấy, bà chỉ biết cố gắng giữ lại chút hơi tàn để sau này có dịp sống sót trở về vạch trần tội ác tày trời của thực dân Pháp. Năm ngày bốn đêm, bà lặng lẽ bò, trốn trong rừng. Dù vết thương đã hoại tử, bà vẫn cắn răng chịu đựng không kêu một lời vì sợ địch phát hiện. Sau đêm thứ năm trong rừng, bà Lang lết tới bờ suối Cam Ly rồi núp dưới một cái hố chờ người tới cứu. Một người tiều phu cùng xóm đã đưa bà đến nơi an toàn ẩn nấp và báo cho gia đình bà. Bà được đưa vào bệnh viện cứu chữa, sau 6 tháng nằm viện, bà Lang mới bình phục.

    Trước hành động dã man của thực dân Pháp, Thị ủy Đà Lạt chủ trương phát động quần chúng đấu tranh. Hàng ngàn người dân Đà Lạt xuống đường biểu tình, lên án hành động dã man và hèn hạ của địch, đòi trừng trị những tên gây ra tội ác. Bọn địch không dám đàn áp bắt bớ, chúng phải chấp nhận xoa dịu dư luận bằng cách chuyển những tên tham gia vào vụ thảm sát đi Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

    Vụ thảm sát ngay sau đó cũng gây chấn động ở nước Pháp, Đảng Cộng sản Pháp đưa vụ này ra chất vấn tại Quốc hội và đòi chấm dứt ngay tội ác đối với các nước thuộc địa. Sự dũng cảm của đội cảm tử Phan Như Thạch cùng sự hy sinh của 19 sinh mạng tù binh chính trị Việt Nam cuối cùng cũng được dư luận tiến bộ trên thế giới lên tiếng, đòi hỏi địch phải thay đổi chính sách đối với các nước thuộc địa.

    Ngày còn sống, đồng chí Nguyễn Tấn Phước, đội trưởng đội cảm tử Phan Như Thạch cũng nhiều lần chia sẻ với các cựu chiến binh TP. Bảo Lộc về tấm gương kiên cường của chiến sỹ cách mạng. Đó là câu chuyện về Nguyễn Long, chiến sỹ trẻ nhất đội, mới 16 tuổi nên được các anh rất yêu thương. Trong một lần làm nhiệm vụ, Long bị địch bắt và đánh đập dã man.

    Khi tỉnh lại, Long thấy mình đang nằm trong bệnh viện giữa sự canh gác nghiêm ngặt của địch, anh đã cắn lưỡi tự tử để giữ đúng lời thề của chiến sỹ cảm tử: “Không để vũ khí rơi vào tay giặc, thà hy sinh chứ không để địch bắt”.    

    Những cựu chiến binh tâm huyết với đồng đội

    Ông Tạ Minh Đức, Phó Chủ tịch hội cựu chiến binh TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Ông Nguyễn Tấn Phước là đội trưởng đội cảm tử Phan Như Thạch những năm kháng chiến chống Pháp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở đội cảm tử, ông Phước về Bảo Lộc hoạt động ở cương vị khác.

    Trước khi nghỉ hưu, ông làm Tổng giám đốc công ty Chè Lâm Đồng. Về hưu, ông Phước vẫn tích cực đóng góp và tham gia hoạt động tích cực trong hội Cựu chiến binh của thành phố. Dù ông đã qua đời, chúng tôi vẫn luôn nhắc tới tấm gương của ông để các thế hệ con cháu học tập”.

     NGỌC LÀI-HÀ NGUYỄN

     Xem thêm video:

    [mecloud]XnJAZt0xjQ[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-dau-thuong-sau-dem-dot-nhap-biet-thu-hoa-hong-tru-ac-quy-a110436.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.