+Aa-
    Zalo

    Ký ức đặc biệt của người chiến sỹ thi đua số 1 về ngày giải phóng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù 62 năm đã trôi qua nhưng ký ức về giây phút hân hoan trong niềm vui chiến thắng những ngày đầu tiếp quản Thủ đô vẫn nguyên vẹn đối với AHLLVT Nguyễn Tiến Thụ.

    (ĐSPL) - Dù 62 năm đã trôi qua nhưng ký ức về giây phút hân hoan trong niềm vui chiến thắng những ngày đầu tiếp quản Thủ đô vẫn nguyên vẹn như ngày nào đối với Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) Nguyễn Tiến Thụ (SN 1934, trú tại đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội).

    Ngày đó, ông được vinh dự là 1 trong 5 người đại diện cho lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) có mặt trên lễ đài cùng Chính phủ ra mắt nhân dân Thủ đô.

    Người chiến sỹ thi đua số 1

    Chúng tôi gặp AHLLVT Nguyễn Tiến Thụ vào một ngày đầu thu, khi cả nước đang hân hoan chào đón 62 năm kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đồng đội của người Anh hùng Nguyễn Tiến Thụ giờ, người còn người mất. Nhưng với ông, những ký ức ấy không bao giờ phai nhạt.

    Trò chuyện cùng PV, ông Thụ tự nhận mình là người may mắn khi là 1 trong những chứng nhân lịch sử chứng kiến thời khắc Thủ đô được giải phóng. Và, ông cũng rất tự hào khi được chọn là 1 trong 5 thành viên của lực lượng TNXP đứng trong đoàn ra mắt nhân dân Thủ đô trong ngày thắng lợi.

    Ông Thụ kể với PV, ông sinh ra tại vùng quê nghèo thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm 14 tuổi, ông Thụ tham gia kháng chiến và công tác trong đội chuyên đào hầm bí mật, giấu cán bộ. Đến năm 1951, ông được cử tham gia đội TNXP. Nhờ những thành tích trong công tác và phục vụ chiến đấu, ông Thụ được cử làm Phân đội phó của đội TNXP.

    Cuối năm 1953, theo Chỉ thị của Bác, đoàn TNXP được thành lập, mật danh là Đoàn X-P do ông Vũ Kỳ (Thư ký của Bác) làm Đoàn trưởng. Trong những ngày địch đánh phá, bộ đội ta thiệt hại nhiều nhân lực vì bom nổ chậm. Nhận thấy đây là vấn đề nguy hiểm đến sinh mạng bộ đội, Đoàn X-P quyết định thành lập đội phá bom. Hai đội TNXP (đội 40 và đội 34) được điều đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm bảo giao thông cho chiến dịch. Khi đó, ông Thụ được cử làm Đại đội phó Đại đội 404 (thuộc đội 40), phụ trách việc phá bom nổ chậm.

    Thời đó, tại ngã ba Cò Nòi, một trọng điểm vô cùng ác liệt, nhiều TNXP đã hy sinh. Địch đánh phá ác liệt, trong 1 khu vực hẹp có đủ các loại bom phá, bom bướm, bom nổ chậm từ 200kg đến 1.000kg. Nguy hiểm nhất là loại bom bướm, khi thả ra bom mẹ tung ra 100 quả bom con, xuống đất nằm rải rác bay khắp nơi, chỉ cần va vào là bom nổ, bom bé bằng hộp sữa bò nhưng khi nổ có thể làm thương vong cả chục người quanh đó.

    Ông Thụ nhớ lại: “Khi chiến dịch diễn ra, thấy đồng đội hy sinh quá nhiều, tôi cùng các đồng chí trong đội quyết tâm phá bom. Sau nhiều ngày nghiên cứu, cách phá bom được chúng tôi mày mò phát hiện ra rất tình cờ, bằng nguyên lý vặn ngược kim đồng hồ. Nhờ kỹ thuật này, các chiến sỹ TNXP đã “làm chủ” các loại bom mà thời điểm đó, thế giới ghi nhận là tiên tiến nhất như bom bướm, bom tạ, bom tấn (những loại từ 500kg – 1.000 kg). Dù anh em TNXP thời đó phần đông không biết chữ nhưng nhờ kinh nghiệm thực tế, các nguyên lý cơ học, ngòi nổ, chạm nổ được các chiến sỹ ta thuộc nằm lòng và làm chủ các loại bom tiên tiến hiện đại”.

    Theo ông Thụ thì cũng chính thành công của việc phát hiện ra nguyên lý nổ của các loại bom nổ chậm nên Đại đội 404 đã khai thông đường lên chiến dịch, góp công lớn vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau ngày chiến thắng, ông vinh dự được bầu làm chiến sỹ thi đua số 1 của hàng vạn TNXP thời bấy giờ. Càng vinh dự hơn khi ông là đại diện cho lực lượng TNXP được chọn đi theo đoàn về tiếp quản Thủ đô.

    Ký ức đặc biệt

    Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Ngày 10/10, ông Thụ cùng các đại biểu Chính phủ, cơ quan ban ngành khác tiến về Thủ đô. Trước đó, dù bận công tác, lập được nhiều chiến công nhưng ông không nghĩ có một ngày sẽ được gặp Bác Hồ. Nói về lễ chào cờ trong ngày đầu tiên Thủ đô được giải phóng, giọng ông Thụ vui hẳn lên.

    “Trong buổi chiều ấy, từ nơi tập kết trên đường Yên Phụ, tôi cùng các đồng đội nhận được tin, tôi vinh dự được đứng trên lễ đài trong buổi chào cờ đầu tiên của Thủ đô được giải phóng”, ông Thụ bồi hồi nhớ lại.

    Lúc đó, lực lượng TNXP được bố trí ở vị trí A2. Tại đây, ông Thụ cùng đồng đội sung sướng, hồi hộp khi nhận ra mình và đồng đội được đứng gần Hồ Chủ tịch trong lễ chào cờ.

    Lễ chào cờ đặc biệt trong ngày đầu tiên giải phóng Thủ đô (Ảnh tư liệu).

    Dù đã 62 năm trôi qua nhưng với ông Thụ, ký ức về lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ vẫn còn nguyên vẹn. Trời thu Hà Nội xanh ngắt, sắc cờ đỏ thắm tung bay tựa như bông hoa. Dưới lễ đài là hàng vạn người dân Hà Nội hân hoan tung hô chào mừng chiến thắng. Nhắc đến sự kiện này, ông Thụ khẳng định với chúng tôi: “Lúc đó vui sướng lắm, nếu các cháu xem qua ti vi thấy bà con Thủ đô hân hoan như thế nào thì những người trực tiếp tham dự như chúng tôi lúc đó sung sướng gấp hàng trăm lần”.

    Khi nghe Hồ Chủ tịch đọc lời kêu gọi, ông tự hứa sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao phó. “Một vinh dự khác khiến tôi nhớ mãi. Tối đó, trong buổi chiêu đãi đặc biệt của Chính phủ, anh em chúng tôi cũng có mặt và ngồi sẵn trong khu vực dành cho TNXP. Khi Bác đi qua, chúng tôi chưa kịp giới thiệu, Bác đã nhận ra chúng tôi. Lúc đó, vừa nhìn thấy 5 anh em chúng tôi, Bác đưa tay ra chào và nói: “A, thanh niên xung phong, các cháu ăn ngon nhé”. Lúc đó chúng tôi chỉ biết chào Bác thật lớn và cảm thấy vô cùng vinh dự. Giây phút đó tuy ngắn thôi nhưng với chúng tôi đó là kỷ niệm không quên trong cuộc đời. Lúc Bác đi khỏi, 5 anh em TNXP chúng tôi vẫn ngỡ, Bác đang đứng trước mặt dặn dò”, ông Thụ hào hứng chia sẻ về khoảnh khắc đặc biệt của mình.

    Sau đó là những buổi nói chuyện của ông Thụ với đồng bào Thủ đô về chiến công phá bom góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung ương quyết định mở con đường “Công trường 111”, dài 110km từ thị xã Lai Châu (tỉnh Lai Châu) đến biên giới Trung Quốc (Ma Lù Thàng). Ông Thụ lại cùng đồng đội xách ba lô lên đi mở đường. Sau 6 năm, con đường lên Tây Bắc được thông, ông Thụ mới trở về Thủ đô.

    Sau đó, ông công tác ở Trung ương Đoàn, bộ Giáo dục. Năm 1982, ông Thụ được cử làm Trưởng ban cán sự Đoàn tại Liên Xô (cũ), rồi Bí thư thứ Nhất đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô (cũ). Năm 1986, ông về nước và công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến khi về hưu. Ngày 23/7/2014, ông Thụ được phong danh hiệu AHLLVTND.

    Người Anh hùng và niềm tin về thế hệ trẻ

    Chia sẻ cảm xúc về Thủ đô sau 62 năm giải phóng, AHLLVT Nguyễn Tiến Thụ tâm tư: “Dù còn nhiều khó khăn nhưng Thủ đô đang thay đổi từng ngày từng giờ. Giờ đây, các bạn trẻ Thủ đô được học tập và đào tạo đầy đủ, chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước”.

    TRẦN PHƯƠNG

    Xem thêm video:

    [mecloud]XZ0UvJpom1[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-dac-biet-cua-nguoi-chien-sy-thi-dua-so-1-ve-ngay-giai-phong-a165388.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.