Cảm ơn mẹ đã vượt lên tất cả, chọn làm ngọn hải đăng để dẫn lối cho gia đình vượt qua cuộc đời đầy bão giông ở miền Đất Mũi.
Vào những ngày dịp 8/3, hầu như phụ nữ khi đã là mẹ, là vợ, là chị đều cảm thấy cuộc sống như được tiếp thêm niềm vui cùng với sự ấm áp đến từ gia đình và xã hội. Thế nhưng, tôi bắt gặp trong ánh mắt mẹ luôn có nỗi buồn sâu thẳm. Có thể là nỗi nhớ về cha tôi hay những người thân đã khuất, cũng có thể là nỗi nhớ về một thời tuổi trẻ đã qua với nhiều gian khổ và đau đớn...
Mẹ tôi sinh ra trong thời khắc của bom đạn và chiến tranh tại miền quê sông nước Cà Mau, là người con thứ 6 trong gia đình 9 anh chị em và cuộc đời mẹ, hầu như chỉ có những nỗi buồn.
Đầu năm 1965, bà ngoại qua đời khi mẹ tôi mới được 13 tuổi, còn là một cô gái chưa đủ lớn. Không chỉ thế, những năm sau đó là khoảng thời gian ám ảnh vô tận khi mẹ phải chứng kiến những người thân liên tiếp ra đi.
Sau khi bà ngoại mất không lâu, cuối năm 1970 cậu Tư đã hy sinh trong trận bắn nhau với địch để ứng cứu đồng đội. Đầu tháng 9/1971, cậu Năm tiếp tục hy sinh trong trận bắn biệt kích để giải phóng căn cứ của ta. Rồi cuối năm 1971, ông ngoại cũng chết vì bị giặc bắt, tra tấn do nuôi chiến sĩ cách mạng.
Lúc này, mẹ tôi phải sống trong căn nhà lá rách cháy vì bom đạn với các em nhỏ, tảo tần gánh vác cả trách nhiệm vừa làm chị, vừa làm mẹ để nuôi dạy và chăm sóc các em trước cảnh mồ côi. Trong người phụ nữ nhỏ bé ấy có một sức sống mãnh liệt mà chúng tôi không thể nào hiểu hết.
Mẹ tôi cùng người em trai về thăm lại phần mộ ông bà ngoại và các anh trai mình |
Nhưng cuộc đời chưa lấy đi hết tất cả của mẹ khi còn có ba bên cạnh để sẻ chia, đỡ đần về những nổi đau của sự mất mát, đưa mẹ vượt qua những khó khăn trước cảnh đời bơ vơ đầy bất hạnh. Mẹ đã kết hôn với ba tôi vào những năm 70 của thế kỷ 20 khi vừa tròn 18 tuổi, với một tình yêu son sắt.
Ngày cưới của mẹ rất đơn sơ, rạp được dựng tạm bằng cây tre cây tràm, che bằng lá dừa, phía trên lợp lá chuối như dã chiến vậy. Nhưng từ đó là hạnh phúc vẹn tròn mà cả đời mẹ dành cho ba tôi đến ngày ông mất.
Và chúng tôi là nửa cuộc đời còn lại của mẹ đến hôm nay.
Sua đám cưới không lâu, mẹ mang thai đứa con đầu lòng (anh hai tôi). Nhưng thời khắc được làm mẹ cũng là thời khắc của bom đạn và chiến tranh khắc nghiệt nhất đang diễn ra.
Cuối tháng 10 năm 1971 khi vừa mới sinh xong hôm trước, hôm sau mẹ tôi cùng đứa con trai đỏ hỏn trên tay phải xuống hầm để trú ẩn vì bom đạn.
Mẹ kể, hầm chỉ cao 2 mét, ngang chừng một mét, phía trên là những bao trấu khô, phía dưới trải cao su, lót bằng chiếu, ẩm thấp và ngột ngạt vô cùng nhưng cố chịu đựng để vượt qua vì sự an toàn cho đứa con đầu lòng.
Ngần ấy năm đến nay vậy mà mẹ vẫn nhớ rõ như in những gì đã trải qua với mẹ. Có lẽ mẹ xem những nỗi đau, sự mất mát đã nuôi dưỡng ý chí mẹ, còn những nhọc nhằn, khó khăn sẽ là động lực giúp mẹ vươn lên, sống một cách mạnh mẽ để đương đầu trước thời cuộc.
Mẹ sinh xong thì cần lắm người thân bên cạnh, nhưng ba tôi là lính đặc công, ông phải lẩn tránh, ẩn nấp cả ngày, chờ khi địch rút đi thì mới về chăm sóc vợ con. Nhiều lần mẹ tôi phải nhịn đói, không có sữa cho con bú nên mẹ phải tự xay gạo lức chắt lấy nước thay sữa để nuôi con.
Ảnh chụp gia đình tôi vào năm 1998 |
Những tháng ngày sau đó thật vất vả với mẹ khi thiếu thốn cái ăn, cái mặc, thuốc men... Nhưng mẹ phải cố gắng vừa nuôi con nhỏ, rồi vừa chăm sóc những đứa em còn trẻ dại.
Không chỉ vậy, vào những năm 1973 giặc càn quét khắp nơi, dưới đất thì biệt kích bao vây, trên đầu máy bay trực thăng gầm rú, mùi thuốc súng nồng nặc, nhà cửa thì bị đốt cháy ngùn ngụt. Mẹ vừa nuôi con vừa chạy giặc, vừa tiếp tế lương thực cho chồng ngoài tiền tuyến.
Đến năm 1974 mẹ mang thai chị thứ ba. “Tội cho chị con lắm, do mẹ thường xuyên làm việc nặng để lo cuộc sống nên sinh nó sớm trước 2 tháng, sinh nó ra chỉ được 2,6kg thôi, do sinh non nên gần đến 10 ngày nó mới biết bú, rồi nó lớn lên trong sự thiếu thốn bộn bề”, mẹ nhớ lại.
Sau giải phóng năm 1975 đất nước được thống nhất, ba tôi trở về với mẹ. Cho dù vết thương của chiến tranh còn sót lại, viên đạn của kẻ thù vẫn nằm sâu trong đầu (ba tôi được xếp hạng thương binh hạng ¾), nhưng đó là niềm vui, niềm tự hào lớn nhất khi ngày ba tôi trở về bên đời mẹ.
Thời gian đó, ba mẹ tôi được nhà nước giao canh giữ phần đất nông trường U Minh Hạ. Ký ức về những năm tháng làm kinh tế nuôi các con, cùng ba tôi xuôi ngược trên chiếc xuồng ba lá, những lần ý ới gọi nhau nghe xa thẳm giữa những cánh đồng tràm mênh mông... mẹ vẫn gói gém nguyên vẹn đến tận hôm nay.
Những năm sau đó, chị em tôi cũng được sinh ra, rồi cả 8 người con cũng dần lớn lên trong tình yêu thương, che chở của cha mẹ tôi. Chính vì vậy, từ khi còn bé, tôi đã hiểu được những nỗi nhọc nhằn của mẹ.
Cuộc sống hôm nay của chúng tôi khác xa với những gì mẹ đã trải qua nên nên cho dù đã sinh con, đẻ cái, có lẽ chúng tôi cũng không bao giờ cảm nhận được hết những gian truân đời mẹ.
Sinh cả 8 người con trong hoàn cảnh thiếu thốn, nhiều khó khăn nhưng đặc biệt mẹ tôi chưa một lần biết đến bệnh viện là gì, chưa một lần được chăm sóc đủ đầy như thế hệ chúng tôi. Nhưng mẹ nuôi các con đều khỏe mạnh, khôn lớn.
Những lần mẹ sinh con, là những lần ba tôi phải chống xuồng hàng chục cây số để rước “mụ bà” về nhà đỡ cho mẹ tôi, và cả những lần ba phải cõng mụ trên lưng chạy về kịp sinh cho vợ.
Tôi còn nhớ có lần mẹ kể lại, tôi sinh ra trong nông trường U Minh, nơi vẫn giữ nguyên vẹn những gì còn sót lại sau chiến tranh, khu rừng chứa nhiều chiến công lịch sử vẻ vang mà ba tôi từng tham gia chiến đấu, khu rừng của chiến thắng.
Mẹ nói trước ngày sinh tôi, mẹ phải “vê” xong hơn 300 dạ lúa để chuẩn bị cho mùa vụ sau. Tối đến có dấu hiệu sắp sinh, mẹ đau bụng quá nên ba tôi phải đi rước “mụ” ngay, nhưng chỉ có thể “chạy” mới kịp, mà trời thì tối mịt.
Ba tôi cầm bó đuốc buộc bằng lá dừa khô để soi đường, ông chạy cả chục cây số để băng qua những cánh đồng tràm đến nhờ người quen. Cõng mụ bà trên lưng, ba cố chạy thật nhanh về nhà. Rồi trong ánh đèn dầu loe loét, tôi cũng vừa kịp chào đời trước những giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ tôi.
Cha tôi đã mất vì cơn bạo bệnh, cuộc đời giờ chỉ còn lại chúng tôi nên mẹ luôn nhắc nhở: “Các con hãy luôn quý trọng những gì mình đang có, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng cả 8 người con là tài sản lớn nhất, đầy đủ nhất mà ba và mẹ cả đời tạo dựng lên, mẹ mong từng đứa con được trưởng thành và sống có ích cho xã hội hôm nay”.
Với riêng mẹ, mọi ký ức về những nỗi đâu khổ và nhọc nhằn vẫn như mới hôm qua, dù thời gian trôi đi nhanh quá... Cảm ơn mẹ đã vượt lên tất cả, chọn làm ngọn hải đăng để dẫn lối cho gia đình vượt qua cuộc đời đầy bão giông ở miền Đất Mũi.
Cảm ơn mẹ đã tạo ra cuộc đời chúng con!