Nhờ kỹ thuật “chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm loại trừ bệnh lý di truyền tan máu bẩm sinh - PGD” cặp vợ chồng mắc bệnh đã sinh con hoàn toàn khỏe mạnh.
Theo TTXVN, sáng 15/9, giáo sư Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia nhấn mạnh, kỹ thuật PGD đã mở hy vọng cho bệnh nhân mang trong mình bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia).
Đây được đánh giá là bước tiến mới trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản kết hợp với chẩn đoán trước sinh, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Người nhà bệnh nhân tặng hoa cảm ơn các bác sỹ - Ảnh: TTXVN |
Báo Phụ nữ Việt Nam thông tin, kỹ thuật mới này đã được thực hiện thành công cho sản phụ Hồ Y.T (38 tuổi, dân tộc Giê Triêng, Gia Lai). Bệnh án xác định, cặp vợ chồng này bị Thalassemia.
Trước đó vào năm 2012, chị T. phải đình chỉ thai nghén ở tuần thứ 23 và năm 2014 đình chỉ thai nghén ở tuần thứ 24 vì bị phù thai – một biến chứng cho thai do Thalassemia gây ra.
Năm 2016, vợ chồng chị T. đến BV Phụ sản TƯ thăm khám và được tiến hành làm thụ tinh ống nghiệm vào tháng 12/2016.
Tháng 1/2017, bệnh nhân được sàng lọc 7 phôi, trong đó có 3 phôi mang gene bệnh Thalassemia, 2 phôi bình thường được chuyển và cho kết quả có 1 thai.
Ngày 15/9, bệnh nhân được GS.TS Nguyễn Viết Tiến tham gia trực tiếp mổ lấy thai tại BV Phụ sản TƯ. Khi chào đời, thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh. Bé không bị bệnh Thalassemia như bố mẹ.
Báo Dân Việt dẫn lời PGS. TS Nguyễn Viết Tiến, những cặp vợ chồng cùng mắc bệnh tan máu bẩm sinh thì xác suất con bị mắc bệnh là rất lớn. Nếu sinh con theo phương pháp bình thường, không được can thiệp bằng việc tách phôi, thụ tinh trong ống nghiệm thì nguy cơ thai nhi tử vong là rất cao.
PGS Tiến khuyến cáo: Những cặp vợ chồng có gen bệnh tan máu bẩm sinh thì nên làm thụ tinh trong ống nghiệm để chọn lọc những phôi bình thường thụ tinh. Điều này sẽ làm giảm áp lực, gánh nặng cho gia đình và xã hội tránh nguy cơ sinh con mắc bệnh tan máu bẩm sinh.