(ĐSPL) - Người ta thường nhắc đến trường sinh học với các công dụng trong chữa bệnh. Tuy nhiên, có vị kỹ sư còn khẳng định, có thể áp dụng phương pháp này để xác định nguồn nước và tìm mộ thất lạc.
Xác định nguồn nước ở Tây Nguyên
Việc tìm nguồn nước bằng phương pháp trường sinh học, trường điện từ cảm xạ học đến nay vẫn thực thực hư hư, không rõ giữa duy tâm và duy vật. Chính vì vậy, hiện nay, các nhà khoa học đang cố gắng lý giải để làm rõ mối quan hệ giữa con người - vũ trụ về trường sinh học.
Ông Long khẳng định đã tìm giúp nhiều nguồn nước ngầm ở Tây Nguyên (Ảnh minh họa). |
Trong tài liệu hội thảo của viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) có trích dẫn bài viết của kỹ sư Bùi Gia Long. Ông Long được xem là một minh chứng thực tế, là “người trong cuộc” từng kết hợp phương pháp đo đạc và tâm linh để xác định nguồn nước và tìm mộ thất lạc.
Tháng 3/2008, ông Long có chuyến đi xuyên Việt từ Hà Nội vào Mũi Cà Mau. Cuộc sống dọc dài đất nước mỗi nơi mỗi vẻ. Có nơi vùng sông nước mênh mông, thừa nước thiếu đất như ở Cà Mau. Có nơi, đồi núi nhiều nhưng lại thiếu nước.
Đó là những vùng đất Tây Nguyên như các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai... Ở những địa phương này, các hộ nông dân trồng cây cà phê, hạt điều, trồng bắp, hạt tiêu. Việc cung cấp nước vô cùng quan trọng. Vậy nên, để tìm và khoan được giếng nước có trữ lượng lớn ngày càng hiếm.
Gia đình ông Trần Văn Thật ở Đắk Nông trồng khoảng 5ha cà phê, 1ha ớt, 4ha ca cao trên 2 quả đồi. Ông Thật đã thuê khoan bốn mũi khoan với độ sau trên 60m nhưng không có nước. Các mũi khoan đều do những người thợ khoan chuyên nghiệp tìm giúp mà cũng không thành công. Tổng cộng chi phí lên đến gần 100 triệu đồng.
Khi biết đến kỹ sư Bùi Gia Long, ông Thật đã nhờ giúp đỡ tìm giúp nguồn nước cho gia đình mình. Kỹ sư Long khảo sát và thăm dò tìm kiếm xem có mạch nước nào không. Sau khi khảo sát xong, ông Long đã chỉ chỗ khoan giếng nước và khẳng định chắc chắn có nước.
Ông Thật gọi điện thuê khoan đến và khoan trong ba ngày thì sâu tới gần 30m. Sang đến ngày thứ sáu, độ sâu lên tới khoảng 50m nhưng vẫn không có nước. Các anh thợ khoan đã nản và nhờ ông Long kiểm tra lại. Tuy nhiên, ông Long vẫn khẳng định chắc chắn là điểm đó có nước và nước rất mạnh.
Vậy là, cả nhóm vẫn tiếp tục khoan. Ở độ sâu khoảng 60m thì bắt đầu thấy dấu hiệu của nước. Và kết quả đã thành công mỹ mãn ở độ sâu 73m. Sau đó, mạch nước còn phun cao cách mặt đất hơn một gang tay suốt hai ngày liền. Mà chỗ điểm khoan có nước lại ngay cạnh bếp trên sân của gia đình. Thấy gia đình ông Thật tìm được nguồn nước dồi dào, dân bản kéo đến rất đông.
Năm 2009, anh Việt ở thị trấn Yatlinh, tỉnh Đắk Nông tìm đến ông Long than thở: “Nhà cháu khoan hai mũi rồi mà chẳng có nước. Nếu không có nước, gia đình cháu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như trồng trọt chăn nuôi. Bác chỉ cho cháu khoan thêm một điểm nữa, nếu có nước thì cháu ở đây, không có nước thì cháu bán đất đi nơi khác ở”.
Tại gia đình anh Việt, cuộc thăm dò và tìm kiếm mạch nước của kỹ sư Long chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. Điểm khoan giếng mới nhanh chóng được xác định. Ngay chiều hôm đó, anh Việt cho khoan luôn. Sau năm ngày khoan vất vả, đội khoan thuê báo hiệu đã có nước mà trữ lượng cũng tương đối tốt. Vậy là, khoảng hai mẫu ruộng lúa nước của anh Việt luôn được chăm bón tươi tốt. Anh còn cung cấp nước cho các hộ xung quanh.
Bắt mạch đất xấu
Ngoài khả năng xác định chính xác mạch nước ngầm, ông Long còn có thể đoán định được khu vực đất ở của các gia đình là đất lành hay đất xấu. Trong chuyến đi Tây Nguyên năm 2009, ông Long đến gia đình chị Thuận. Chị này thường xuyên bị ốm đau, đi đủ các bệnh viện trong nước ở TP.Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội nhưng bệnh tình cũng không thuyên giảm. Bệnh tình ngày càng tăng khiến chị phải đi xe lăn. Các bệnh viện không sao phát hiện ra bệnh gì. Thường là cứ sáu tháng ốm, sáu tháng lại đỡ bệnh nhưng sức khoẻ vẫn vô cùng yếu.
Kỹ sư Bùi Gia Long. Ảnh Petrotimes. |
Kỹ sư Long đã vào đo đạc và kiểm tra nhà, khu vườn của gia đình. Trong buổi trò chuyện, gia đình chị Thuận có hỏi: “Bác ơi nhà cháu có mộ người chết phải không bác? Cháu nghe người ta đồn thế?”. Kỹ sư Long hỏi lại: “Thế người ta bảo ở đâu?” - “Ở phía cây mít sau nhà bác ạ”, một thành viên trong gia đình trả lời.
Tuy nhiên, khi đó, ông Long mới khẳng định: “Ở khu vực nhà chị và các cháu có mộ thật đấy nhưng không phải ở phía cây mít sau nhà mà là ở ngay đây, chỗ các chị đang ngồi”. Mọi người đang ngồi vội đứng dậy hoảng hốt bỏ đi hết còn lại mỗi chị Thuận và ông Long.
Ông Long bèn chấn an tinh thần gia đình. Ông đo đạc, kiểm tra kỹ lưỡng để vẽ cụ thể trên nền nhà, chuẩn bị khai quật. Trước khi khai quật, gia đình chị Thuận hỏi rất kỹ về thủ tục, về tâm linh vì đây là một gia đình theo đạo Thiên chúa. Mọi thủ tục như xin lễ, cầu nguyện cho vong linh mồ côi trong nhà mình đã được thực hiện. Ngày khai quật, gia đình cũng thắp hương, đĩa hoa quả, nước, như cúng gia tiên.
Sáu thanh niên khỏe mạnh được điều động cho công việc khai quật. Khi sâu khoảng 1m6, một người có kinh nghiệm trong việc này khẳng định là sắp có cốt rồi. Và đúng như dự đoán, con trai chị Thuận đã cuốc nhẹ vào xương của người nằm dưới đó. Mọi công việc cứ tiếp tục cho đến khi xong việc an táng ở nghĩa trang của thị trấn. Ba tháng sau chị Thuận khỏi hết các bệnh. Chị đã mang xe lăn tặng lại hội chữ thập đỏ của thị trấn để làm từ thiện.
Sau đó, ông Long còn bỏ nhiều thời gian khảo sát các khu đất trước khi làm nhà hoặc xây dựng nhà máy khu công nghiệp để phát hiện những điểm tốt xấu, tìm cách xử lý sao cho thích hợp. Tháng 10/2011 kỹ sư Long và thạc sỹ Nguyễn Mạnh Linh khảo sát khu xây dựng Nhà máy Chế biến gỗ, khu Triều Cả, phường Ninh Phong, TP. Ninh Bình thì phát hiện ra chín điểm báo hiệu có hài cốt. Công trường đã cho khai quật bảy điểm thì thấy trong đó có sáu điểm có hài cốt, một điểm có đất đen, bằng mắt thường có lẽ họ không phát hiện được. Hai điểm còn lại không khai quật vì sát móng tường nhà bên cạnh.
Kỹ sư Bùi Gia Long chia sẻ: “Tôi đã đi giúp nhiều người, nhiều nơi trong nước và cả Lào, Campuchia. Bằng phương pháp trường sinh học, trường điện từ cảm xạ học, v.v... tôi đã giúp tìm nhiều ngôi mộ mất tích đã lâu khi các gia đình yêu cầu. Tôi chưa thể kết luận gì cho vấn đề này nhưng rõ ràng dựa trên kết quả chúng tôi đã làm được thì khả năng tìm nguồn nước, mộ bằng trường sinh học cũng đáng để nghiên cứu”.
Cần kiểm tra thực tế TS. Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) trên ANTĐ cho hay, ông không thể khẳng định việc nhân điện có thể chữa được bệnh hoặc ứng dụng vào trồng trọt chăn nuôi hay không. Ở một mức độ nào đó, có những cái gọi là năng lượng sinh học. Và có những tác động qua lại giữa các nguồn năng lượng đó tuy không nhiều. “Khả năng của con người là vô hạn mà khoa học đang tìm cách chứng minh. Tuy nhiên, không phải ai tự nhận cũng được. Chuyện cứu người, trồng cây nếu muốn được khoa học công nhận thì cần được đem ra kiểm tra, giám sát cẩn thận”, vị này nói. |
Tác động của trường sinh học là có cơ sở Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người từng phân tích, đã từ lâu, dù chưa biết bản chất của trường sinh học – năng lượng sinh học (hay còn gọi là nhân điện), các nhà y học bằng kinh nghiệm đã sử dụng trường sinh học để chẩn đoán và trị bệnh. Phương pháp ấy được gọi là tâm lý liệu pháp. Tuy trường sinh học không phải là trường vật lý, nhưng có thể tạo ra hiệu ứng vật lý mà năm giác quan thông thường có thể cảm nhận được. Các kỹ thuật mới hiện nay đã áp dụng và chụp được trường sinh học của con người (vầng hào quang ánh sáng). |
KIM THY
Xem thêm video: Người dân phải sống với nguồn nước kinh hoàng