Ký số từ xa là giải pháp tiềm năng
Mô hình chữ ký số từ xa (Remote Signing) là phương thức chữ ký số đã được phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và đã được chứng minh sự tiện lợi, hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ trong những năm gần đây. So với loại hình chữ ký số trước đây, bị phụ thuộc vào các thiết bị vật lý như USB Token, chữ ký số từ xa có sự linh hoạt hơn khi có thể sử dụng trên nhiều loại thiết bị, bao gồm smartphone, laptop, tablet chứ không chỉ đơn thuần là máy tính như trước kia. Hơn thế nữa, với loại hình chữ ký số này, tốc độ ký nhanh hơn, nhiều hơn mà vẫn đảm bảo tính an toàn, pháp lý, đặc biệt phù hợp đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong thời đại số hóa và thương mại điện tử hiện nay.
Mô hình ký số từ xa là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, cũng như triển khai các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, mô hình này có thể giúp cho người dân, doanh nghiệp tương tác và ký số mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị.
Đánh giá về tiềm năng của mô hình ký số từ xa, Ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó giám đốc phụ trách Trung Tâm Chứng Thực Điện Tử Quốc Gia - Bộ Thông Tin Và Truyền Thông chia sẻ: “Trung bình ở thời điểm hiện nay có 60% các giao dịch điện tử được thực hiện trên nền tảng di động. Tuy nhiên đối với các giao dịch điện tử có giá trị cao hoặc yêu cầu giá trị pháp lý hoặc những giao dịch cần độ tin cậy cao thì hầu hết đều yêu cầu bằng hình thức ký số. Và thời điểm trước 28/10/2021, các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số tại Việt Nam đa phần sử dụng USB Token. Việc có thêm một hình thức ký số sử dụng mô hình ký số từ xa sẽ giúp cho việc xác thực các giao dịch điện tử tin cậy được diễn ra nhanh chóng thuận lợi trên nền tảng di động.”
Ký số từ xa góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường chữ ký số cá nhân
Hiện nay chữ ký số đang được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực công cộng, được các doanh nghiệp sử dụng trong khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…Trong khi đó, các ứng dụng cho người sử dụng cá nhân rất ít. Thống kê cho thấy, với khoảng hơn 1,6 chứng thư số công cộng đang hoạt động, trong khi 100% doanh nghiệp đã sử dụng thì số lượng chứng thư số cá nhân vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thị trường cung cấp dịch vụ chữ ký số cho tổ chức, doanh nghiệp đến nay đã cơ bản bão hòa. Do đó, để phát triển về Chính phủ điện tử và thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng, cần thúc đấy mạnh chữ số cá nhân.
Với ưu điểm là tính lưu động cao và thuận tiện cho người ký, ký số từ xa được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng thị trường chữ ký số cho cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông cuối năm 2019 đã ban hành Thông tư 16 quy định danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa. Việc này được đánh giá là một dấu mốc quan trọng để các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) tại Việt Nam triển khai các giải pháp ký số khác nhau giúp mở rộng thị trường và ứng dụng chữ ký số, đặc biệt là cho đối tượng thuê bao cá nhân.
Quy định tại Thông tư 16 mở ra việc triển khai ký số di động (Mobile PKI) và ký số từ xa (Remote Signing). Đến nay, Bộ TT&TT đã trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho 3 doanh nghiệp là VNPT-CA, SAFE-CA và MISA-CA. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai dịch vụ chữ ký số từ xa sẽ là nền tảng để chúng ta thúc đẩy các dịch vụ chính phủ điện tử, chuyển đổi số và đặc biệt là các ứng dụng chữ ký số cho cá nhân.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa thông tin thêm: “Đối với hình thức ký số từ xa thì khóa dùng để ký của khách hàng không nằm tại USB Token mà nằm tại đơn vị cung cấp dịch vụ. Điều này đặt ra một câu hỏi liệu như thế có an toàn không? Qua thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cơ yếu Chính phủ và Bộ Công An có thể khẳng định việc lưu khóa ký ở đơn vị cung cấp dịch vụ hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn bảo mật an toàn cao nhất hiện nay. Chỉ có khách hàng là người duy nhất có thể mở kích hoạt việc ký đối với những văn bản điện tử. Đơn vị cung cấp dịch vụ hoàn toàn không thể truy cập vào khóa ký của khách hàng.”
Để chuyển đổi số, chúng ta cần đẩy mạnh chữ ký số, đặc biệt là chữ ký số cá nhân. Các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số trong nước cần phối hợp cùng nhau để phổ biến chữ ký số cá nhân đến với người dân, dựa vào nền tảng di động tạo cú hích lớn đối với thị trường ký số.
Tú Linh