+Aa-
    Zalo

    Kỷ niệm trọng thể 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày 7/4, tại TP. Đông Hà, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2017).

    Ngày 7/4, tại TP. Đông Hà, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2017).

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tham dự lễ kỷ niệm.

    Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hoa tưởng niệm trước tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ảnh: VGP.

    Tham dự lẽ kỷ niệm còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Quân khu 4, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, gia đình, dòng họ Tổng Bí thư Lê Duẩn, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Trị.

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn.

    Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị đã đọc diễn văn ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng trong gần 60 năm bền bỉ phấn đấu, cống hiến trọn đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì khát vọng thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của đồng chí Lê Duẩn.

    Đồng chí Lê Duẩn (tên thật là Lê Văn Nhuận) sinh ngày 7/4/1907 trong một gia đình, làng quê có truyền thống yêu nước, quý nhân nghĩa và hiếu học. Thuở niên thiếu, Lê Văn Nhuận được cổ vũ mạnh mẽ bởi các phong trào yêu nước diễn ra quyết liệt trên mảnh đất quê hương. Điều này đã tiếp thêm dũng khí cách mạng, thôi thúc người thanh niên vừa bước vào tuổi mười tám nung nấu ý chí “phải đánh giặc Tây”, giành lại độc lập, giải phóng đồng bào khỏi gông cùm nô lệ. Quyết tâm đi theo con đường đã chọn, năm 1925, người thanh niên Lê Văn Nhuận rời gia đình, chính thức tham gia hoạt động cách mạng.

    60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân tộc, vì lý tưởng cao đẹp: Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.


    Là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, hoạt động không mệt mỏi, đồng chí Lê Duẩn đã in dấu chân trên khắp mọi miền đất nước và một lòng kiên trung với dân, với Đảng, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công. Ngay trong những tháng năm bị thực dân tù đày, xiềng xích, trong những lúc cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, đồng chí luôn giữ vững chí khí cách mạng, kiên quyết đấu tranh, tìm mọi cách đưa phong trào cách mạng tiến lên.

    Là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đồng thời là nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam. Đồng chí rất coi trọng nghiên cứu lý luận, học tập và rèn luyện tư duy lý luận. Gần 100 tác phẩm với hàng nghìn trang viết, nổi bật là các tác phẩm: Đề cương cách mạng miền Nam; Thư vào Nam; Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới... với phong cách tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo, luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, đúc kết thực tiễn; với phương châm “cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ thể”.

    Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát hiện, vận dụng quy luật vào thực tiễn đời sống, lấy thực tiễn để kiểm nghiệm chân lý. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng, góp phần đưa lý luận cách mạng Việt Nam lên tầm cao mới.

    Đồng chí vừa là một nhà yêu nước lớn, vừa là một chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, suốt đời noi gương Bác Hồ chăm lo góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết quốc tế trong sáng.

    Đồng chí Lê Duẩn đã sống một cuộc đời trung thực, giản dị, luôn gần gũi đồng bào, đồng chí, với tình yêu thương tha thiết và chân thành. Với đồng chí: “Con người sống là phải lao động, có tình thương và lẽ phải. Đó là đạo lý cuộc sống”. Cuộc đời đồng chí là một nhân cách lớn về lẽ sống và đạo lý làm người, một tấm lòng bao dung, độ lượng đậm lòng nhân ái cao cả.

    Cống hiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta thật là to lớn. Trong Điếu văn đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta đã khẳng định: “Là chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, một người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa…. Là một người Mác xít-Lê nin nít chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”.


    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Hơn nửa thế kỷ hoạt động liên tục không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu, một tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản. Chúng ta nguyện noi gương đồng chí, học tập, lao động sáng tạo, phấn đấu đưa tỉnh Quảng Trị ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

    Sáng cùng ngày, tại Công viên Lê Duẩn (TP. Đông Hà) đã diễn ra Lễ dâng hoa tưởng niệm trước tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQ Việt Nam đã đặt vòng hoa, dâng hoa tưởng niệm đồng chí Lê Duẩn. Vòng hoa mang dòng chữ “Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kính dâng”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-niem-trong-the-110-nam-ngay-sinh-tong-bi-thu-le-duan-a186544.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan