(ĐSPL) - Việc xác định “tuổi vàng” ở các sản phẩm vàng trang sức (nhẫn, vòng, dây chuyền...) hiện nay vẫn còn bị thả nổi, chưa có cơ quan nào chính thức kiểm định.
Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động chế tác đánh tráo tuổi vàng nhằm trục lợi bất chính, khách hàng rất khó có thể nhận ra việc này. Vàng non tuổi cũng được các đối tượng xấu dùng để tiến hành các phi vụ lừa đảo…
Tiếp cận “cao thủ” có bí kíp “vàng hai da”
Thực tế để tiếp cận được những kỹ thuật luyện “vàng hai da” không phải là dễ. Bởi những chuyên gia trong lĩnh vực này đều giấu bí kíp của mình và họ rất ngại tiết lộ việc làm được cho là hoạt động mang tính lừa đảo này. Dũng “khỉ” (biệt danh do cánh tay mọc lông rất rậm-PV) một đầu mối được PV tiếp cận qua lời giới thiệu của người bạn đã hé lộ phần nào kỹ nghệ độ tuổi vàng theo cách thức này.
Dũng "khỉ" đang thực hiện các kỹ thuật tạo tác "vàng hai da". |
Dũng “khỉ” vốn trước đây là thợ kim hoàn cho một công ty vàng trang sức lớn tại Hà Nội sau này xin nghỉ việc và mở cửa hàng vàng tại nhà. Theo lời kể của Dũng “khỉ” trong thế giới kim hoàn có rất nhiều chiêu thức để độ tuổi vàng song kỹ thuật chế “vàng hai da” được các thợ kim hoàn “mật ước” với nhau coi đó là công thức bí mật đặc quyền làm tăng “tuổi vàng” giả tạo.
Chiêu thức này khiến ngay bản thân các chủ hiệu vàng là những lão làng trong nghề chế tác vàng cũng phải “run” bởi thứ “vàng hai da” này nó có thể vượt qua tất cả các cách thử truyền thống như đánh đá, chấm axít cũng “bó tay” không phát hiện được. Thậm chí Dũng “khỉ” khẳng định, ngay cả khi thử trên cân vi tính loại vàng này cũng cho kết quả như vàng 9999 mặc dù nguyên liệu làm thứ vàng này chỉ là vàng 7 hoặc 8 tuổi.
Để chứng thực kỹ nghệ độ “vàng hai da”, Dũng “khỉ” đã trực tiếp làm thử một nhẫn vàng tròn 1 chỉ cho PV xem ngay trong khu chế tác vàng ở cửa hàng này. Tuy nhiên, trước khi thực nghiệm Dũng “khỉ” nói chỉ cho phép PV lấy hình ảnh thao tác trên nhẫn, không được chụp chân dung (kể cả che mặt-PV) hay ghi âm.
Trong khu chế tác vàng của Dũng “khỉ” khá chật hẹp, công cụ chỉ gồm một máy khò nhiệt, bộ đe, khuôn và ít dung dịch hóa chất để tẩy vàng. Dũng “ khỉ” lấy một vỉ vàng dẹt bằng móng tay cái rồi ngồi vào ghế thực hiện các thao tác kỹ thuật chế “vàng hai da”. Theo quan sát của PV vỉ vàng nguyên liệu được uốn cong sau đó được khò nhiệt uốn định dạng hình tròn. Bước tiếp theo nó được đút vào đũa hình trụ để tiếp tục khò định dạng bằng búa nhỏ. Vừa thao tác Dũng “khỉ” vừa giải thích, để có thể làm hoàn thiện một chỉ vàng loại “vàng hai da” thì công đoạn phủ vàng sau đó rất quan trọng.
Dũng “khỉ” nói: “Tên gọi loại “vàng hai da” bởi nó được phủ hai lớp vàng có độ tuổi vàng khác nhau: Bên ngoài là vàng có độ tuổi cao còn bên trong thì “xấu dần đi”. Đây chính là điểm “mù” của loại “vàng hai da” khiến nó qua mặt tất cả những kiểm tra thông thường”. Chỉ khoảng sau 20 phút Dũng “khỉ” đã hoàn thiện một chỉ “vàng hai da”. Khi PV hỏi liệu có cách nào để phát hiện loại vàng này không? Dũng “ khỉ” không giấu giếm: “Nếu gặp phải loại vàng này, không có cách thử nào tốt hơn là nấu lại vàng, mà điều này thì chỉ có các tiệm đang kinh doanh, gia công mới đủ khả năng làm. Do đó, hậu quả tất nhiên người mua lãnh đủ, kể cả các chủ tiệm vàng nhỏ”.
Ma trận móc túi khách hàng
Có thể thấy việc nâng độ tuổi của vàng là chiêu thức thường xuyên được sử dụng nhằm móc túi khách hàng đặc biệt tại các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ chuyên bán loại nhẫn tròn.
Người dân nên tìm đến các thương hiệu vàng có uy tín để được bảo đảm quyền lợi ( ảnh T.L, chỉ có tính chất minh họa). |
Chị Phượng, nhà ở đường Hoàng Mai (Hà Nội) viết bức xúc của mình trên trang Facbook cá nhân: “Hôm trước mình có mua một chiếc lắc loại vàng 4 số 9 nặng 2,5 chỉ ở một tiệm vàng D.L nằm trên đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội). Lúc cần tiền gấp mang bán ở tiệm gần nhà thì chủ cửa hiệu ở đây sau khi thử vàng chốt câu xanh rờn “vàng trong lắc thuộc loại vàng non (không đủ tuổi vàng-PV). Nếu muốn bán phải chịu lỗ do mua vào giá rất thấp. Nếu tính theo giá chủ cửa hàng này đưa ra thì chị lỗ gần 1 triệu đồng so với giá mua trước đây”.
Chị Nguyễn Thị T. (Cầu Giấy, Hà Nội) lại bị chính cửa hàng vàng mình mua trước đây ép giá với lý do mất hóa đơn. Chị T. chia sẻ đầy bức xúc: “Cách đây 2 tháng tôi có mua ở tiệm vàng P.H ở Cầu Giấy một đôi hoa tai loại 70\% trọng lượng 1,1 chỉ, sau một thời gian ngắn đôi hoa tai có dấu hiệu nhạt màu, không còn đẹp và bóng nên đã mang ra đổi.
Ra cửa hàng này, biết tôi đã bị mất giấy mua bán và xem qua hàng thấy quá tệ nên chủ tiệm đã ép giá mua vào chỉ 450.000 đồng, trong khi bảng công bố giá ngày hôm đó ghi rõ ràng vàng 70\% mua 520.000 đồng/chỉ; bán: 560.000 đồng/chỉ với lý do hao mòn và không có hóa đơn chứng nhận. Bực mình song không muốn đôi co nên tôi đành phải chấp nhận bán lỗ”.
Theo tìm hiểu của PV, bên cạnh việc các “thượng đế” bị ép giá khi bán vàng với lý do “tuổi vàng non” còn một chiêu thức khác cũng được không ít các tiệm vàng nhỏ sử dụng là dùng loại cân thô (cân tiểu ly) để bớt xén trọng lượng vàng.
Cũng theo chia sẻ của Dũng “khỉ”, chỉ cần mỗi chỉ vàng bán ra hay mua vào “lệch” đi đôi chút là người bán có thể bỏ túi 5.000-10.000 đồng một cách “vô tư”, bởi phần lớn người mua hoàn toàn phụ thuộc vào lời “rao” của người cầm cân. Còn với cân điện tử thì chính xác hơn, song nếu điều kiện bảo quản không tốt (phòng máy lạnh) hoặc nơi đặt cân không chuẩn thì vẫn có thể móc túi khách hàng vài chục đến vài trăm ngàn dễ như chơi.
Cũng theo tìm hiểu của PV, hiện nay quy định của ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh vàng bạc ngoài thương hiệu, bắt buộc phải đăng ký thêm ký hiệu nhận dạng sản phẩm của riêng mình (dùng đóng chìm trên các sản phẩm) để ràng buộc trách nhiệm khi sản phẩm “có vấn đề” xảy ra. Song trên thực tế theo lời một giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc - đá quý tại Hà Nội thì: Quy định là vậy nhưng việc thực hiện và kiểm tra chúng như thế nào thì cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn và chế tài cụ thể.
Như vậy có thể thấy việc mua bán vàng, đặc biệt tại các tiệm vàng nhỏ, tỉ giá hoặc tuổi vàng mà khách hàng đến mua hay bán điều phụ thuộc vào uy tín, cái tâm của người bán hàng. Tuy nhiên, với sự chênh lệch về lợi nhuận rất lớn trong việc kinh doanh mặt hàng này thì cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của khách hàng chính là việc khách hàng nên đến giao dịch tại những thương hiệu vàng uy tín.
Giải mã về vàng trộn vonfram Trước thông tin trên thị trường đã xuất hiện một số mẫu vàng có trộn vonfram mà khi khò nhiệt hay thử bằng các phương pháp thông thường đều cho ra kết quả vàng 10 tuổi trong khi thực tế chỉ khoảng 9,6 tuổi. Theo các chuyên gia tại viện Hoá học Việt Nam, thuộc viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, nếu đó là vonfram thì sẽ rất khó để phát hiện. Vì với phương pháp xác định tuổi vàng dựa vào khối lượng riêng (cân trong nước): Do khối lượng riêng của vonfram đúng bằng khối lượng riêng của vàng: 19,3g/cm3, nên khi trộn nó vào vàng để tạo hợp kim, hoặc dùng nó làm lõi và bọc vàng bên ngoài thì phương pháp xác định tuổi vàng này sẽ bị vô hiệu hoá. Với phương pháp “lửa thử vàng”, xác định màu khi mài: Do nhiệt độ nóng chảy của vonfram rất cao (khoảng 3.4220C, so với vàng: chỉ khoảng 1.064oC), nên khi dùng lửa thử thì nó vẫn “trơ trơ”, không mảy may bị ảnh hưởng. Cách duy nhất là nung chảy hoàn toàn thì mới phát hiện ra. |
VĂN HẬU
Xem thêm video:
[mecloud]mDUEPUeh5x[/mecloud]