+Aa-
    Zalo

    Kỹ năng thoát hiểm khi gặp người “ngáo đá”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày càng nhiều vụ án thương tâm xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ thủ phạm bị “ngáo đá”. Làm sao để nhận diện người bị “ngáo đá” và bảo vệ an toàn tính mạng trước các đ

    Ngày càng nhiều vụ án thương tâm xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ thủ phạm bị “ngáo đá”. Làm sao để nhận diện người bị “ngáo đá” và bảo vệ an toàn tính mạng trước các đối tượng này là câu hỏi của nhiều người.

    Trao đổi trên báo Dân Việt, Đại tá, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn - Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Bộ Công an) cho biết, trước hết, mỗi người cần phải phòng ngừa không để bản thân, người thân rơi vào tình huống bị đối tượng ngáo đá khống chế. Đối tượng bị ngáo đá có thể là người thân trong gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp hoặc những người không quen biết, có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu.

    Theo Đại tá Thìn, để tránh bị đối tượng ngáo đá tấn công, khống chế, cần phải nhận biết được các dấu hiệu của người đang bị ngáo đá. Các dấu hiệu cụ thể như: Đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục; đi vệ sinh, rửa tay liên tục; liên tục uống nước; mồ hôi có mùi khai; quầng thâm trên mắt rất rõ; da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá, lở loét trên cơ thể; men răng mỏng, miệng hôi, hơi thở có mùi nặng; hay bị chảy máu cam… Đặc biệt, khi bị ngáo đá đối tượng có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như: Nói lảm nhảm; la hét; đập phá; leo trèo; hung hãn…

    “Nếu có người nhà bị ngáo đá, hoặc ra đường gặp các đối tượng này thì mọi người cần bình tĩnh, xử lý khôn khéo, tránh việc gào khóc, chửi bới gây kích động đối tượng. Nếu bị đối tượng khống chế, nên làm theo lời đối tượng, nhẹ nhàng thuyết phục chờ khi đối tượng mất cảnh giác thì tẩu thoát. Khi gặp người ngáo đá ở nơi công cộng, tuyệt đối không vì tò mò mà đứng xem, cần di chuyển đến nơi an toàn và gọi công an đến hỗ trợ” – Đại tá Thìn tư vấn.

    Hình minh họa - Nguồn: Internet

    Xử lý an toàn khi bị đối tượng “ngáo đá” khống chế

    Trao đổi trên Công an Nhân dân, TS Đoàn Văn Báu, chuyên gia tội phạm học chia sẻ, trường hợp bất ngờ bị đối tượng khống chế, không kịp chạy thoát, chống trả, cần phải nương theo, làm theo yêu cầu của đối tượng, phải trấn tĩnh không được la hét, gào khóc sẽ càng làm cho đối tượng bị kích động dễ có hành vi nguy hiểm gây thương tích.

    Khi đối tượng có biểu hiện bình tĩnh hơn, cần phải nhẹ nhàng hỏi han xem đối tượng có nhu cầu gì, cần trợ giúp gì. Lúc này nên quan tâm đến đối tượng nhiều hơn, không nên cầu xin đối tượng tha cho mình, mà cần hỏi han về đối tượng, để đối tượng tâm sự, nói ra yêu cầu, làm cho đối tượng bình tĩnh trở lại, chờ cơ hội chạy thoát hoặc chờ lực lượng chức năng ứng cứu.

    Nếu nhận thấy có cơ hội có thể chắc chắn thoát ra được, không gây nguy hiểm với bản thân mới chống trả để thoát thân hoặc không chế đối tượng, ngược lại khi nhận thấy không an toàn tuyệt đối không nên có hành vi chống trả hoặc bỏ chạy.

    Nếu người thân bị đối tượng “ngáo đá” khống chế là trẻ em, trong trường hợp này thông thường nạn nhân là trẻ em sẽ khóc thét, vùng vẫy làm cho đối tượng càng trở nên mất bình tĩnh dễ dẫn đến hành vi manh động. Do đó, người thân đi cùng với trẻ em cần phải bình tĩnh, một mặt năn nỉ xin đối tượng đừng làm hại con em mình, sẵn sàng làm con tin thay cho con em.

    Mặt khác, cần phải trấn tĩnh cho trẻ em là nạn nhân, có thể nói với nạn nhân những câu để trấn an như: “không sao con ạ! chú chỉ đùa với con thôi!”, “có ba ở đây, ba sẽ luôn ở bên con”, “con ngoan nào, con đừng khóc, chú chỉ đùa với con thôi!”… để tạo niềm tin cho trẻ, làm cho trẻ bình tĩnh lại.

    Người thân phải thực sự bình tĩnh, thuyết phục, năn nỉ đối tượng “ngáo đá”, nếu nhận thấy đối tượng lơi lỏng, có thể giải thoát cho con em mình thì mới ra tay. Khi nhận thấy không an toàn tuyệt đối không có những hành vi manh động để tránh kích thích đối tượng.

    Lực lượng chức năng ở nơi công cộng như công an, bảo vệ… cần phải phong tỏa hiện trường tránh đám đông tụ tập, hiếu kỳ kích thích làm cho đối tượng càng manh động.

    Cần phải cử người thương thuyết với đối tượng, nên chọn người thương thuyết là nữ giới hoặc người lớn tuổi, có kinh nghiệm thương thuyết, nếu là cán bộ, chiến sỹ công an cần mặc thường phục để thương thuyết. Bên cạnh đó, cần phải kín đáo bố trí lực lượng ứng cứu, bắt giữ hung thủ trong thường hợp hung thủ manh động hoặc mất cảnh giác.

    Như vậy, để tránh và xử lý an toàn trong tình huống bị đối tượng “ngáo đá” khống chế, chúng ta cần phải nhận biết được các dấu hiệu cơ bản của người bị “ngáo đá” để tránh xa họ, bảo đảm an toàn cho bản thân và người thân.

    Khi bị đối tượng “ngáo đá” bất ngờ khống chế cần phải bình tĩnh, làm theo yêu cầu của đối tượng, xoa dịu đối tượng, tìm cơ hội chạy thoát hoặc khống chế đối tượng.

    "Ngáo đá" gây nguy hiểm đến bản thân và những người xung quanh

    Trao đổi trên báo Thanh Niên, thạc sĩ Nguyễn Phan Minh, Phó giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP.HCM) cho hay, nhiều người lầm tưởng “ngáo đá” là khi người ta sử dụng ma túy đá (đập đá) thì lên cơn nhưng thực chất không phải vậy. “Ngáo đá” là do người sử dụng hàng đá nhiều, thường xuyên, và đến một giai đoạn nhất định, bộ não bị tổn thương, gây ảo giác, hoang tưởng khiến cơ thể mất kiểm soát có thể gây nguy hiểm đến bản thân và những người xung quanh; thậm chí vào thời điểm người bị "ngáo đá" không sử dụng ma túy.

    Người sử dụng ma túy đá để tạo kích thích, gây hưng phấn trong các cuộc vui, nhảy nhót... Tuy nhiên, ma túy đá sẽ làm tổn thương não, gây ra những tổn thương tâm thần, thường có ham muốn quan hệ tình dục, dẫn đến việc quan hệ tình dục tập thể, không an toàn, dễ lây nhiễm HIV. Đặc biệt, nguy hiểm nhất là nhiều tội phạm lạm dụng ma túy đá để gây án. “Bởi khi bình thường tội phạm muốn phạm tội nhưng không đủ can đảm thì tìm đến ma túy đá như một loại thuốc kích thích để gây ra tội ác”, ông Minh nói.

    Cũng theo ông Nguyễn Phan Minh, ma túy tổng hợp dạng kích thích hay còn gọi là ma túy đá đang được nhiều người sử dụng và là vấn nạn của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

    Ông Minh cho biết thêm, hiện nay trên thế giới chưa có bất kỳ thuốc hỗ trợ hoặc giải pháp nào đặc trị dành cho người nghiện ma túy tổng hợp. Phương pháp điều trị người nghiện ma túy hiện tại chỉ là làm giảm tác hại. Nghĩa là giảm liều sử dụng, giảm tần suất sử dụng, tiến tới không sử dụng, cùng với việc áp dụng giáo dục điều chỉnh nhận thức hành vi nhân cách.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-nang-thoat-hiem-khi-gap-nguoi-ngao-da-a205226.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan