(ĐSPL) - Đồng bào dân tộc thiểu số người H’re sinh sống chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long và Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi). Cuộc sống của người H’re hiện nay đã có nhiều thay đổi. Họ đã sống hòa nhập với người Kinh, biết đọc chữ, biết đi xe máy và sử dụng điện thoại... Nhưng trong cộng đồng người H’re vẫn tồn tại hủ tục mê tín cúng bái làm phép để chữa bệnh.
Có bệnh là cúng làm phép để chữa trị
Được nhiều người giới thiệu, già làng Đinh Văn Trị ở thôn Măng Lùn (xã Ba Tô, huyện Ba Tơ) là người am hiểu về văn hóa H’re và cách cúng bái làm phép chữa bệnh. Chúng tôi đến UBND xã Ba Tô để liên hệ nhờ người chỉ đường và phiên dịch tiếng H’re. ông Đinh Công Thể, Phó Chủ tịch UBND xã cử ông Phạm Văn ách, Trưởng công an xã Ba Tô làm người phiên dịch và dẫn đường cho chúng tôi. Trước khi đi ông ách nói: "Mấy cô ngồi chơi, đợi tôi gọi điện cho già Trị xin phép được vô nhà".
Tôi thắc mắc: "ở trên này có tục lệ phải gọi điện thông báo mới được vào nhà hay sao?". ông cười nói: "Không phải. Nghe đâu là nhà già Trị đang cúng làm phép chữa bệnh cho đứa cháu trai nên phải gọi điện xin phép, được sự đồng ý của già Trị thì mới được vào nhà". Từ con đường liên huyện, chúng tôi đi xe máy hơn nửa giờ đồng hồ, phải lội qua một con suối để tới thôn Măng Lùn 2, nhà già Trị ở ngay đầu thôn. Cái cổng bằng tre đóng im ỉm, nhiều lá cây được cắm quanh hàng rào và trước cổng nhà.
Cắm lá báo hiệu nhà đang cúng. |
Già Trị tiếp chuyện chúng tôi ở nhà dưới, già nói vì nhà trên đang cúng nên không cho người lạ lên được. Hỏi ra mới biết, đứa cháu trai của già được năm tháng tuổi không biết sao mấy ngày nay cứ khóc hoài nên già Trị cúng làm phép chữa bệnh cho cháu. Chúng tôi nói với già Trị: "Bé khóc sao không lên bệnh viện để bác sỹ khám cho cháu", già Trị nói chắc nịch: "Thần bắt tội nó nên nó khóc à, cúng là hết chứ đi bác sỹ làm gì, không khỏi đâu".
Không chỉ riêng gia đình già Trị, mà rất nhiều gia đình người H’re ở đây, mỗi khi trong nhà có người đau ốm bệnh tật là họ tổ chức cúng bái làm phép để chữa bệnh. Họ nghĩ đau ốm là do mình thất lễ với thần nên thần bắt tội làm cho có bệnh, phải làm phép cúng đáp lễ để thần tha tội. Già Trị kể: "Cách đây năm ngày, bà Phạm Thị Lan ở thôn Trà Nô (xã Ba Tô) qua nhà tôi tìm mua trứng gà ung mà tôi không có. Nghe đâu là con trai bả bị đau mắt. Chắc là nó nhìn bậy nhìn bạ cái gì nên thần bắt tội đó?”.
Biết chúng tôi tò mò, già Trị liền dẫn chúng tôi đến thăm nhà bà Lan ở thôn Trà Nô. Gặp chồng và con trai bà, chúng tôi mới phát hiện cả hai cha con bị đau mắt đỏ và khuyên bà nên dẫn đến bệnh viện để khám. Nhưng bà Lan không tin, bà nói: "Do hôm trước tôi cúng ít nên thần bắt tội bắt chồng tôi cũng bị bệnh. Lần này tôi sẽ cúng 2- 3 ngày, thần sẽ tha cho". Nói xong bà bảo chúng tôi về để bà chuẩn bị lễ vật mời thầy về cúng”.
Chữa bệnh bằng trứng gà ung và cắm lá xung quanh nhà?
Làm phép chữa bệnh bằng "trứng gà ung" được người H’re sử dụng phổ biến nhất. Để cúng làm phép cần chuẩn bị lễ vật gồm có: Ba quả trứng gà ung, một con gà trống và một chai rượu. Hỏi vì sao lại dùng trứng gà ung, già Trị giải thích: "Trứng gà ung là trứng mà con gà mẹ ấp nhưng nó không nở con nên rất thiêng. Vật linh thiêng đó sẽ giúp bà con tai qua nạn khỏi". Già bảo, trước khi cúng từ sáng sớm, gia đình phải bẻ cành cây cắm xung quanh hàng rào và cổng nhà báo hiệu cho người lạ biết gia đình đang cúng, không được tự tiện vào nhà làm cho phép mất linh.
Nếu ai muốn vào nhà phải thông báo cho gia đình trước là có bao nhiêu người, được gia chủ đồng ý thì mới được phép vào nhà. Tuy nhiên, khách chỉ được tiếp đón ở nhà dưới. Nếu ai không được sự đồng ý của gia chủ mà tự ý vào nhà phải làm phép bằng một ché rượu cần, một con gà. Sau khi mọi việc đã hoàn tất, sẽ bắt đầu cúng, gia đình nào không có người biết cúng phải nhờ thầy. Đặt ba quả trứng ung, con gà và rượu lên bàn rồi đọc thần chú, người bệnh sẽ nằm ở đó đến khi cúng xong mới được ra khỏi nhà. Khi cúng, chỉ có người bệnh và thầy cúng được phép ở nhà trên. Thường thì cúng bái chỉ trong một ngày.
Khi chúng tôi hỏi từ trước đến nay có ai chữa khỏi bệnh bằng cách cúng bái không? Già Trị nói là nhiều lắm, nhiều người bị đau mắt, ung thư, bệnh viện “bó tay” nhưng về cúng thì lại hết bệnh, nhưng khi hỏi cụ thể tên bệnh nhân thì già lại không nhớ?
Già làng Đinh Văn Trị kể chuyện cúng bái chữa bệnh với PV. |
Hủ tục không dễ thay đổi
Nếu bài thuốc làm phép bằng "trứng gà ung" được sử dụng để chữa bệnh thì trồng cây "cúng" là để phòng bệnh từ người lạ xâm nhập vào gia đình. Mỗi năm, gia đình người H’re nào cũng trồng cây "cúng" làm phép một lần. Thời gian trồng vào khoảng từ tháng 2- 7 âm lịch. Có hai loại cây "cúng": Loại nhỏ được trồng làm phép một năm một lần, loại lớn 3 - 4 năm mới làm một lần. Cây "cúng" được làm từ cây đót, hoa đót, lông gà và lá rừng. Nếu cây "cúng" to thì có thêm cây tre làm rào chắn bảo vệ bên ngoài.
Để làm lễ trồng cây "cúng" bắt buộc phải có heo, gà, nhà nào giàu có thì làm thêm con trâu. Thầy cúng sẽ xem chân gà và cho biết giờ nào thì trồng cây “cúng” tốt nhất. Nếu cây to, bắt buộc phải có trâu để làm lễ. Cây "cúng" được trồng đến khi nào gãy mục thì mới dọn đi. Thông thường, loại cây to được trồng trước sân nhà còn loại nhỏ được trồng ở cổng nhà. Người H’re tin rằng cây "cúng" sẽ giúp họ ngăn bệnh từ người lạ xâm nhập vào gia đình, giúp mọi người khỏe mạnh và làm ra nhiều lúa, ngô.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Sinh, Phó ban Dân vận Huyện ủy huyện Ba Tơ cho biết: "Trước tình trạng nghi kị cầm đồ thuốc độc và cúng bái để chữa bệnh dẫn đến chết người và gây mất trật tự xã hội, Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVI đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/HU ngày 8/7/2006 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng chống tư tưởng nghi kị cầm đồ thuốc độc, cúng bái chữa bệnh, mê tín dị đoan trong đồng bào dân tộc H’re".
Cũng theo bà Sinh, chính quyền địa phương đã đi đến từng bản làng, tuyên truyền vận động bà con khi có bệnh nên vào bệnh viện để khám và điều trị, không nên tổ chức cúng bái, làm phép sẽ mất tiền mà bệnh thì ngày càng nặng hơn. Nhờ đó, hủ tục chữa bệnh bằng cách cúng bái trên toàn huyện đã giảm mạnh, không còn phổ biến như những năm trước. Hiện tại, cuộc sống của người H’re đã phát triển hơn trước, nhưng trong tư tưởng, họ vẫn cho rằng truyền thống cha ông để lại vẫn luôn luôn đúng. Để thay đổi được tư tưởng đó, không phải là chuyện một sớm một chiều, cần phải có thời gian và hướng đi hiệu quả.
Vận động bà con có bệnh hãy đến bệnh viện chữa trị Ông Phạm Văn ách, Trưởng công an xã Ba Tô cho biết: “Hàng tháng chúng tôi đã tổ chức phân chia cán bộ về từng thôn bản vận động bà con bài trừ mê tín dị đoan, đau ốm bệnh tật hãy đến bệnh viện để điều trị. Bên cạnh đó, các cán bộ còn giải thích cho người dân biết, bệnh tật phát sinh từ cơ thể chứ không phải do thần bắt tội. Đến nay, tình trạng cúng bái chữa bệnh đã suy giảm được phần nào”. |