(ĐSPL) - Chuyện nàng tiểu thư bén duyên với gã giang hồ dao búa không chỉ hiện diện trong những tiểu thuyết ngôn tình.
Kỳ 1: Trúc "mẫu hậu" và mối ân tình Năm Cam không trả nổiKỳ2: Chiến tướng "ẩn mặt" của Năm Cam và vụ "gỡ số" gã giang hồ
Kỳ 3: Chuyện hi hữu về giang hồ cộm cán bóp chân cho vợ
Kỳ 4: Giang hồ lãng tử không xăm cánh tay để... vợ gối đầu
Ở ngoài đời thật, cũng có rất nhiều cuộc tình éo le tương tự, khi cô gái nhà lành lại trót "phải lòng" gã anh chị dữ dằn và hung hãn. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa các cuộc tình trong tiểu thuyết và cuộc tình ngoài đời thật là vị mặn mòi của nước mắt, của những khổ đau, nhưng cũng có cả sự ngọt ngào hiếm hoi trong cuộc đời làm vợ giang hồ...
Thường thì làm vợ giang hồ, những ngày sung sướng ít ỏi của họ có thể nằm ở các thời điểm rất khác nhau. Như vợ ông trùm chợ Đồng Xuân Khánh "trắng" hay vợ của hung thần Cầu Muối Châu Phát Lai Em, những ngày hoàng kim của họ chính là ngày ông chồng đứng trên đỉnh cao danh vọng và tiền bạc.
Cả hai gã giang hồ cộm cán trên đều có những ngày tháng ngồi "chiếu trên" của những khu vực màu mỡ, béo bở nhất ở Hà Nội và Sài Gòn, sở hữu nguồn thu nhập "khủng" và cả quyền lực ít người tưởng tượng nổi. Là những tội phạm khét tiếng, là nỗi sợ hãi của người dân thường và cả những gã giang hồ "đồng nghiệp", nhưng cả Khánh "trắng" và Châu Phát Lai Em đều giống nhau ở chỗ "bỏ mác giang hồ" lại ngoài cửa, mỗi lúc trở về nhà.
|
Khánh "trắng" và Châu Phát Lai Em đều giống nhau ở chỗ mỗi khi trở về nhà đều "bỏ mác giang hồ" lại ngoài cửa. |
Khi trở về gia đình, cả Khánh "trắng" hay Châu Phát Lai Em lại trở về hình dáng của một người chồng, người cha điềm đạm và hiểu chuyện, chứ không phải là những "hung thần" khét tiếng. Có lẽ hơn ai hết, họ hiểu rõ giá trị của những phút giây êm ấm hiếm hoi được ở cạnh gia đình, bởi nó sẽ chẳng thể kéo dài lâu, khi mà những hành vi tội ác cứ ngày một dày thêm theo tiếng tăm, danh vọng hay những đồng bạc tanh mùi máu...
Yêu thương vợ, chăm sóc con cái tận tụy là những điểm tốt hiếm hoi mà cả hai tay giang hồ cộm cán này còn sót lại. Không khi nào cư xử kiểu giang hồ cùng vợ, thậm chí còn tính toán xa xôi khi không cho phép vợ nhúng tay vào bất cứ hành vi phạm pháp nào, cả Khánh "trắng" và Châu Phát Lai Em đều thành công trong việc bảo vệ gia đình nhỏ của mình khỏi cái kết bi thảm của kiếp sống trên đầu dao, lưỡi kiếm. Khi phải trả giá trên pháp trường bằng bản án tử hình, họ cũng có thể thanh thản và yên tâm phần nào khi ít nhất, vợ con mình vẫn không phải gánh chịu hậu quả mà mình đã gây ra... Có điều, nỗi đau vẫn là thứ những người ở lại không thể nào tránh khỏi...
Khác với vợ của Khánh "trắng" hay Lai Em, "ngày vui" của vợ các giang hồ khác lại khá đặc biệt: Khi chồng phải ... nhận án tù. Như chính Bình "kiểm" - tay giang hồ khét tiếng đất Sài Gòn một thủa - tâm sự: "Lúc ở ngoài đời lo làm ăn, lo đấu đá, thời gian đâu mà lo cho vợ con. Có khi thời gian ở trong trại mới là lúc hai vợ chồng được gần nhau nhất. Tôi còn có thời gian nấu ăn cho vợ, làm những việc mà ngoài đời mình chưa làm nổi bao giờ!"
Điều Bình "kiểm" nói có lẽ chỉ là một phần nho nhỏ làm nên "ngày vui" của các bà vợ. Điều quan trọng hơn có lẽ là việc đức "ông chồng" có thể tạm rời xa kiếp sống giang hồ, tránh khỏi những hiểm nguy sống chết kề cận mỗi ngày và biết đâu đấy, lại mở ra một cơ hội hoàn lương, dù xa vời đi chăng nữa... Bởi dù có làm bà trùm đầy quyền lực hay vợ của "anh đại" lắm tiền nhiều của, những người phụ nữ hẳn vẫn sẽ luôn mơ ước một cuộc sống bình an, không mùi máu tanh hay những nỗi sợ hãi trả giá thường trực trên đầu...
Người vợ của Dũng "đui", tay giang hồ số má bậc nhất Nghệ An một thủa có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho chuyện "vợ vui lúc chồng tù". Ông trùm bạch phiến đất Nghệ không chỉ có biệt tài buôn hàng trắng, mà còn nổi danh với các cuộc tình trăng hoa cùng hàng tá những chân dài. Ngày hoàng kim của Dũng, người vợ kết tóc se tơ của y phải cắn răng chấp nhận bỏ xứ đi nước ngoài để mưu sinh, khi không chịu nổi sức ép và sự hăm dọa tới từ những kiều nữ giang hồ - nhân tình của ông chồng. Có điều, trong lòng người đàn bà giàu lòng vị tha và trái tim nhân hậu này, không có một ai có thể thay thế Dũng - dù y có là tên tội phạm khét tiếng hay người đàn ông bội bạc.
Ngày Dũng trả giá cho những hành vi tội lỗi của mình bằng bản án chung thân, tất cả các bóng hồng ngày nào lập tức biến mất hệt như bong bóng. Hơn nửa đời người sống kiếp giang hồ, bản thân Dũng cũng chẳng lấy làm bất ngờ trước sự bạc bẽo của những "người tình một thủa". Nhưng điều mà gã giang hồ cộm cán và lõi đời này không ngờ tới chính là chuyện người vợ bị y hắt hủi lại quyết định bỏ cả công việc, cơ ngơi tạo dựng suốt hơn chục năm trời ở nước ngoài để trở về khi biết Dũng "sa cơ", không biết tới ngày về...
Chẳng ai có thể lý giải nổi quyết định lạ lùng và khó tin đó của người đàn bà ấy, trừ chính bản thân chị và trái tim của chị. Những người quản giáo tại trại giam kể, họ chưa từng thấy Dũng rơi nước mắt, kể cả khi phải đối diện với bản án tử hình, gương mặt của gã giang hồ khét tiếng này vẫn không mảy may biến sắc. Lần duy nhất họ thấy nước mắt của "con cọp dữ" tuôn rơi, chính là lúc y nhìn thấy bóng dáng người vợ cũ lấp ló bên ngoài cổng. Có lẽ, giọt nước mắt hối hận hiếm hoi của gã giang hồ ấy đã chính là thứ mà người vợ bỏ tất cả để kiếm tìm và đánh đổi.
Kiếp làm vợ giang hồ, đôi khi nước mắt chẳng phải là đặc quyền riêng của họ...
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-cuoi-vo-cua-giang-ho-nu-cuoi-va-nuoc-mat-a44570.html