+Aa-
    Zalo

    Kỳ cuối: Kết cục bi thảm về con tàu Mary Celeste

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cổ đông lớn nhất của tàu Mary Celeste, ông James Winchester, đã tính đến chuyện bán con tàu sau hàng loạt sự cố bí ẩn.

    Cổ đông lớn nhất của tàu Mary Celeste, ông James Winchester, đã tính đến chuyện bán con tàu sau hàng loạt sự cố bí ẩn. Ông càng quyết tâm bán tàu khi chính cha ông, ông Henry Winchester-Vinters đã chết đuối khi tàu gặp nạn ở Boston, Massachusetts khi đang trên đường quay về Mỹ. Cuối cùng, ông Winchester chấp nhận lỗ nặng để bán Mary Celeste. Suốt 13 năm sau đó, con tàu chuyên gặp vận rủi này bị trao tay thêm 17 lần nữa. Khi đó, tình trạng của con tàu đã rất thê thảm.

     

    Kết cục bi thảm về con tàu Mary Celeste

    Xác con tàu được cho là Mary Celeste dưới đáy biển.

     

    Thuyền trưởng và người chủ cuối cùng của Mary Celeste là G. C. Parker. Người này cũng không kiếm được chút lợi nhuận nào từ con tàu cho dù cố gắng đến mấy. Ngày 3/1/1885, ông ta đã cố ý đánh đắm con tàu trên biển Caribe để âm mưu hưởng tiền bảo hiểm. Lúc đó, tàu chất toàn hàng hóa tạp nham như giày ủng, thức ăn chó mèo và số hàng này được Parker mua bảo hiểm cao bất bình thường.

    Tuy nhiên, âm mưu lừa gạt hãng bảo hiểm không thành. Con tàu không đắm sau khi bị cố tình cho đâm vào bãi đá ngầm Rochelois ngoài bờ biển phía tây thủ đô Port-au-Prince của Haiti. Sau đó, Parke tìm cách đốt con tàu nhưng sau vụ hỏa hoạn, con tàu vẫn không hề hấn gì.

    Cuối cùng, Parker nộp đơn đòi hưởng một số tiền bảo hiểm cao ngất ngưởng cho số hàng hóa không hề có trên tàu. Ông ta khai rằng có 125 thùng bia Bass ale trên khoang, 975 thùng cá trích và một lượng dao kéo trị giá 1.000 USD cùng nhiều vật dụng khác. Con tàu và hàng hóa được Parker mua bảo hiểm từ 5 công ty với trị giá 34.000 USD.

    Kết cục bi thảm về con tàu Mary Celeste

    Một cuốn sách viết về bí ẩn Mary Celeste.

    Một cuộc điều tra sau đó đã vạch trần âm mưu lừa gạt tiền bảo hiểm của Parker. Thuyền trưởng Parker bị bắt và xét xử vì tội cố ý gây thiệt hại cho tàu. Vào thời đó, mức án cho tội này là tử hình. Tuy nhiên, dù bằng chứng tội rõ rành rành và Parker bị kết án có tội, nhưng ban hội thẩm vẫn bế tắc, không thể thống nhất mức án khi 5 trong số 12 thành viên từ chối kết án tử Parker.

    Mặc dù thuyền trưởng Parker được tuyên trắng án nhưng gần như tất cả những ai bị kết án do dính líu đến vụ cố ý đánh đắm tàu Mary Celeste đều phá sản. Thuyền trưởng Parker cũng chết ba tháng sau đó. Thân tàu Mary Celeste bị cháy một phần và không thể sửa chữa. Người ta đành để nó trôi ra ngoài bãi đá ngầm và chìm xuống.

    Mãi đến ngày 9/8/2001, đoàn thám hiểm do Clive Cussler, đại diện của Cơ quan hàng hải và nước ngầm quốc gia, và nhà sản xuất phim John Davis người Canada cùng với các thợ lặn thuộc công ty EcoNova ở Nova Scotia đã thông báo tìm được xác con tàu Mary Celeste ở nơi Parker đã cố tình đánh đắm nó. Nhóm đã thực hiện một khảo sát chi tiết bằng từ kế ở đáy vịnh ngoài khơi đảo Gonave và phát hiện ra rằng con tàu đã lao vào bãi đá ngầm Rochelois với một lực rất mạnh. San hô ở khu vực này bị phá hủy do cú va chạm và lòng biển bị mòn vẹt.

    Nhà khảo cổ hàng hải James P. Delgado xác định rằng xác con tàu mà đoàn thám hiểm tìm thấy chính là Mary Celeste dựa vào vị trí kinh độ, vĩ độ. Ngoài ra, tại vịnh, không có xác con tàu đắm nào khác và những phân tích chốt đóng tàu, thân tàu, gỗ và bằng chứng tàu bị cháy đều chứng tỏ đó là Mary Celeste.

    Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu lại phản lại tuyên bố tìm thấy xác tàu Mary Celeste của ông Cussler. Đó chính là Scott St George thuộc trường Đại học Minnesota, người từng làm việc cho phòng thí nghiệm nghiên cứu vòng gỗ của trường Đại học Arizona. Bằng nghiệp vụ tính tuổi của cây, ông đã phân tích mẫu mảnh gỗ thông lấy từ khu vực tìm thấy xác tàu đắm để xác định năm mà mảnh gỗ này được khai thác. Dựa vào đó, St George kết luận rằng gỗ đóng tàu được đốn từ những cái cây vẫn còn sống đến 10 năm nữa sau khi tàu Mary Celeste đã chìm. Điều này làm dấy lên nghi ngờ không biết xác tàu đắm được tìm thấy có phải là Mary Celeste hay không. Tuy nhiên, chính phương pháp xác định vòng gỗ của St George cũng bị hoài nghi. Dù vậy, phát hiện của đoàn thám hiểm có một điểm mạnh vượt trội là xác tàu nằm đúng vị trí mà tài liệu lịch sử ghi lại rằng con tàu Mary Celeste đã chìm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-cuoi-ket-cuc-bi-tham-ve-con-tau-mary-celeste-a43032.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan