(ĐSPL) - Trao đổi với PV báo ĐS&PL, nhiều chuyên gia cho rằng việc hàng loạt dự án bạc tỉ nhưng tiến độ triển khai ì ạch, thậm chí còn bị “đắp chiếu”, bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách Nhà nước ở tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và ở nhiều tỉnh thành trong cả nước nói chung là một thực trạng đáng buồn. Để xảy ra vấn đề này, trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương ở đâu? Đây là câu hỏi đang được dư luận quan tâm.
Các nhà thầu đại dự án cải tạo nâng cấp đê tả sông Hồng thi công “cầm hơi” để chờ vốn. |
Trách nhiệm người đứng đầu
Thực tế, câu chuyện về các dự án tiền tỉ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước “mờ mịt” ngày về đích gây thất thoát, lãng phí... đã không còn là chuyện lạ. Lý giải về vấn đề này, TS. kinh tế Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, nêu quan điểm: “Việc đầu tư vào các dự án lớn tiền tỉ phải tuân thủ đúng quy trình đã được luật hóa như sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước thì phải nằm trong dự toán, đối với Trung ương phải được Quốc hội quyết định, đối với địa phương thì phải được HĐND quyết định và giao cho các cơ quan của ủy ban thực hiện. Việc quản lý nguồn lực tài chính công phải có hiệu quả trong điều kiện nguồn lực tài chính công hiện nay của nước ta rất hạn chế”.
Ông Thụ cũng cho biết thêm, năm 2015, GDP của Việt Nam vượt ra khỏi nước nghèo kém phát triển trở thành nước phát triển ở trình độ thấp. Nhu cầu đầu tư để phát triển kinh tế rất lớn, đặc biệt là đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tuy nhiên việc bố trí ngân sách Nhà nước để đầu tư cũng phải thỏa đáng.
Nhận xét về tình trạng nhiều dự án bạc tỉ ở Vĩnh Phúc bị chậm tiến độ, thậm chí là “đắp chiếu”, TS. Bùi Đức Thụ cho rằng: “Đây là bài học, là cái giá phải trả cho chúng ta khi đầu tư mà không cân đối, bố trí nguồn ngân sách. Việc bố trí dàn trải, đầu tư gây lãng phí đã ảnh hưởng rất lớn tới ngân sách Nhà nước, nhất là số vốn đã đầu tư”.
“Trong vấn đề này, trách nhiệm trước hết của người đứng đầu. Nếu có sai phạm thì phải xử lý đúng theo pháp luật. Căn cứ vào từng dự án cụ thể, tôi cho rằng phải có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án, vốn đến đâu, ai quyết định, thời hạn hoàn thành dự án, tổng mức đầu tư thế nào, có đúng với quy định của pháp luật không... Phải làm rõ thì mới có căn cứ để xử lý. Nếu sai phạm nhẹ thì xử lý hành chính, nặng thì phải khởi tố hình sự để đảm bảo kỷ luật tài chính một cách tôn nghiêm” - Ông Thụ nhấn mạnh.
Chậm tiến độ vì có vốn đầu tư Nhà nước?
Theo các chuyên gia, việc lãng phí ngân sách ở các dự án tiền tỉ bị treo hoặc chậm tiến độ sẽ vẫn tồn tại nếu thiếu tính công khai, minh bạch trong việc lựa chọn chủ dự án. Thực tế cho thấy không ít trường hợp nhờ vào quen biết để “chạy” trúng thầu.
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ TN&MT, việc các dự án tiền tỉ bị “đắp chiếu” ở Vĩnh Phúc là một thực trạng đáng buồn. Hiện nay, việc “chạy” hoặc nhờ vào các mối quan hệ quen biết để có được dự án mà không tính đến hiệu quả của nó. Các cơ quan Nhà nước cũng đã nhiều lần có ý kiến, thậm chí chúng ta còn có cả luật Đầu tư công là hành lang pháp lý để giải quyết vấn đề này.
“Các dự án tiền tỉ chậm tiến độ ở Vĩnh Phúc chỉ là một số nhỏ trong nhiều dự án có vốn đầu tư Nhà nước lớn nhưng tỏ ra không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí. Vấn đề cấp bách bây giờ là cần tìm ra nguyên nhân và đưa ra hướng khắc phục cụ thể. Việc đầu tiên phải làm là phải có quyết định đầu tư đúng, tức là dự án đó phải thực sự cần và đem lại hiệu quả lâu dài. Không quan tâm đến dự án là của ai, ai là chủ đầu tư mà chỉ quan tâm xem có làm được không, làm như thế nào; đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương. Những công trình được xây dựng bằng mồ hôi, xương máu của dân thì dân có quyền được biết tiền của mình giao cho ai? Để làm gì?”- Ông Võ khẳng định.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Hoàng Việt, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay: Việc thi công chậm tiến độ của các dự án lớn tại tỉnh Vĩnh Phúc thời gian vừa qua một phần là do thiếu vốn, giải ngân chậm, tuy nhiên cũng có những dự án do nhà thầu chậm tiến độ (dự án cải tạo sông Phan) hoặc do có lỗi trong khi thực hiện dự án dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo (dự án nhà máy nước sạch Đại Từ). Tuy nhiên dù cho lỗi ở khâu nào thì UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn là đơn vị phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Tại sao một dự án an sinh xã hội, dự án phòng chống bão lụt mà chậm tiến độ hàng chục năm như dự án cải tạo sông Phan. Hay như nhà máy nước sạch Đại Từ đưa vào sử dụng thì lại xảy ra sự cố chất lượng nước không đảm bảo. Vậy vai trò giám sát của chủ đầu tư là ở đâu?
Luật sư Việt cũng cho biết thêm: “Luật Đầu tư công có hiệu lực từ 1/1/2015, tuy nhiên trên thực tế đây chỉ là luật về thủ tục, không phải luật về nội dung, các bộ ngành vẫn là cơ quan chủ quản trong việc xét duyệt cấp vốn đầu tư. Hơn nữa sau một thời gian thực hiện thì luật Đầu tư công đã nảy sinh khá nhiều bất cập dẫn đến việc thực hiện trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Những quy định của luật Đầu tư công đã làm cho việc giải ngân chậm tiến độ, bởi lẽ theo đó chương trình, dự án được bố trí trong kế hoạch hàng năm phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, phải xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để thực hiện. Tuy nhiên, khi lập kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thể chắc chắn xác định rõ khả năng cân đối vốn để thực hiện chương trình, dự án. Đặc biệt, với việc giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư tại luật Đầu tư công đã làm giảm tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong điều hành kế hoạch vốn được giao khi tăng thủ tục hành chính (muốn điều chỉnh vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án nhanh tiến độ phải báo cáo và xin phép bộ Kế hoạch và Đầu tư)”
PHAN GIANG-HỒNG NHUNG