(ĐSPL) - Ngôi chùa cổ Phước Định (xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) gắn với nhiều giai thoại lạ như gia đình hổ về trú ngụ nghe kinh, nửa đêm cõng người đi hộ sinh...
Ngôi chùa là nơi sinh hoạt tâm linh duy nhất của ấp và khiến cho con đường đi qua Bàu Đưng trù phú cá tôm bớt phần lạnh lẽo, ghê rợn. Chùa gắn với nhiều giai thoại lạ như gia đình hổ về trú ngụ nghe kinh, nửa đêm cõng người đi hộ sinh và đặc biệt linh thiêng với người ngoại tỉnh. Chùa cổ cũng là nơi trú thân, ẩn mình trước thời khắc nước nhà thống nhất của những người lính Nam tiến.
Giai thoại hổ về chùa nghe kinh Phật
Không khang trang, nghi ngút khói nhang như những cổ tự khác trong tỉnh, chùa Phước Định (xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) khuất sâu trong con đường đất đỏ. Không còn những ngày Phật tử tấp nập, lễ hội linh đình, giờ chùa vắng vẻ, im ắng dưới bóng mát của hai cây củ chi khổng lồ, nơi từng là hang của gia đình hổ. Cho đến ngày nay, những giai thoại li kì về ngôi cổ tự này vẫn được người dân nơi đây nắm giữ như là chuyện kể dân gian của địa phương. Một trong những chuyện được nhiều người biết đến là việc chùa từng là nơi trú ngụ, nghe kinh của một gia đình cọp có thân hình to lớn khác thường.
Ông Phạm Văn Phước (62 tuổi, ngụ xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), giám tự của chùa Phước Định cho biết: "Về lai lịch chùa này, đến nay, chúng tôi vẫn không thể xác định chính xác mà chỉ biết chùa có từ đời ông sơ, ông cố của tôi. Đây là chùa dòng họ nhà tôi để lại. Xưa kia nơi này toàn rừng rú hoang sơ, có một ông ở trên Lộc Giang thấy đất ở đây tốt, lại có bàu nước quanh năm trong mát nên chặt che, hái lá dựng ngôi chùa nhỏ để tu tập. Sau này, ông ta sang lại chùa cho dòng họ tôi và được chúng tôi lưu giữ đến giờ". Cũng theo ông Phước, từ ngày nhận chùa, tu tập, từ thời ông cố của ông đã xuất hiện những giai thoại li kì.
|
Ông Phước chỉ dấu vết năm móng cọp hằn trên thân cây cổ thụ. ảnh: Hà Nguyễn. |
Theo ông, một trong những điều kì lạ nhất là nơi đây trước kia chỉ có rừng rú hoang sơ nên "cọp, beo rất dữ dằn". Trước khi có ngôi chùa lá, mặc dù biết bàu nước ở đây quanh năm trong mát, trù phú cá tôm nhưng người dân không ai dám đến đánh bắt, lấy nước. Cách xa hàng trăm cây số, vào những đêm thanh vắng, người dân đều nghe rõ tiếng gầm vang trời của cọp lớn. Các lão nhân nơi đây lý giải sở dĩ khu vực chùa Phước Định xưa kia nhiều hùm, beo vì nơi đây có bàu nước tốt. Các loài khác cũng tụ tập về đây uống nước, tắm táp nên cọp beo thường xuyên xuất hiện săn mồi.
Tuy nhiên, sau khi có chùa, hùm beo nơi đây không những không gây hại mà còn im ắng. Thậm chí, chúng còn vào khuôn viên chùa nghe kinh Phật. Kể lại sự lạ này, ông Phước khẳng định: "Chuyện này được truyền lại từ đời ông cố tôi. Từ khi mới biết nói, tôi đã được nghe kể rằng trước đây, có hai con cọp một đực, một cái to lớn vào chùa nằm nghe kinh. Mỗi khi chùa tụng kinh lại thấy chúng dắt nhau về nằm ngoài sân nghe. Sau này, chúng không đi nữa mà ra góc chùa, chui vào bọng gốc cây củ chi khổng lồ ở luôn. Bây giờ, những dấu móng cọp cào vào thân cây, gốc cây khi chúng giỡn vẫn còn in trên gốc cây này. Tôi nhớ, ông nội kể rằng có một dấu in rõ năm móng cọp cắm sâu vào thân cây cao hơn đầu người. Vết này cứ lớn lên theo cây, đến giờ, nó lồi to ra, nhìn vị trí và dấu móng thì cũng có thể tưởng tượng con cọp to nhường nào".
Ngoài chuyện li kì trên, người dân ở đây cũng truyền nhau giai thoại, cọp đực nửa đêm vào nhà bà mụ trong chùa, cõng bà này đi đỡ đẻ cho "cọp vợ". Ông Phước chia sẻ: "Chuyện này thực hư thế nào thì không ai biết, nhưng ông cố tôi có kể lại như vậy. Trước kia, ngay góc nhà tôi đang ở bây giờ là nhà bà của bà mụ. Thương bà không có nơi nương tựa, ông cố tôi cất cái chòi lá cho bà ở tạm. Vào một đêm tối trời, bỗng nhiên bà thấy con cọp to lớn chui ra từ gốc củ chi tiến về chòi lá của mình. Bà chưa định thần thì nó đã cắp ngang người, lôi bà vô hang. Tại đây, bà thấy con hổ cái đang chuẩn bị đẻ nên bà xắn tay, đỡ đẻ cho nó. Sau đó vài hôm, người ta không thấy hai con cọp ấy đâu nữa".
Nơi ẩn mình của những người lính Nam tiến
Hiện nay, gốc cây củ chi đại thụ được cho là hang của hai con cọp to lớn trú ngụ vẫn vươn cao xanh tốt. Ngay dưới gốc cây, những dấu vết được truyền là vết móng cọp cào, xé vẫn còn in rõ. Đặc biệt, phía sau gốc cây là ngôi miếu nhỏ nổi tiếng linh thiêng. ông Nguyễn P., một người dân cho biết: "Cái miếu này nổi tiếng linh thiêng. Những chuyện trước đó tôi không trực tiếp chứng kiến, tôi không dám nói, nhưng từ khi tôi đứng ra trông coi chùa này thì tôi chứng kiến nhiều sự lạ lắm. Đặc biệt có nhiều người ngoại tỉnh trúng số độc đắc sau khi lên đây cúng. Tôi nhớ có một người làm nghề lái trâu dưới Hậu Nghĩa lên đây cúng và ra miếu cầu lộc. Thật bất ngờ, anh này trúng hai tờ vé số độc đắc liền. Sau đó, anh ta có lên đây cho tôi tiền và sửa sang lại miếu. Mấy lần sau, cũng có nhiều người từ nơi khác đến xin và trúng số độc đắc".
Cũng theo ông, đã có rất nhiều người lên chùa, cúng miếu xin số và trúng độc đắc. Ông cho biết: "Nghe tin đồn, nhiều người cũng lên đây cầu, cúng xin số nhưng không phải ai cũng được toại nguyện. Tôi nghĩ chỉ có những ai có phúc phận, ăn ở hiền lành và có đức mới trúng số. Ngược lại, những ai phúc mỏng, chỉ đợi trúng số để đổi đời thì không bao giờ được. Trước đây, có một người Tàu lên cầu và hứa là nếu trúng số sẽ bỏ tiền trùng tu lại toàn bộ chùa, làm từ thiện hết tiền. Sau này, người này trúng thật nhưng không làm theo lời hứa nên phát bệnh đau đầu rồi chết bất đắc kỳ tử. Thế nên, tôi thấy mọi người lên cầu số, tôi cũng khuyên can không nên tin theo lời đồn mà hãy chí thú làm ăn, hành thiện, tích đức".
Theo người dân địa phương, ngoài nổi tiếng về những giai thoại lạ trên, chùa Phước Định còn được biết đến là nơi nuôi giấu rất nhiều bộ đội Nam tiến trong những năm trước giải phóng. Nhờ có những hàng cây dầu, sao, củ chi,... đại thụ, khu vực chùa thường được lựa chọn làm nơi ẩn nấp, đóng quân của cả phía ta và phía địch. ông Phước cho biết, trong khuôn viên chùa, hai thế lực chỉ cách nhau có vài bước chân. Một bên là lực lượng bộ đội từ miền Bắc di chuyển vào, một bên là quân Việt Nam Cộng Hòa. Hai bên đào hào, đánh nhau không dứt nhưng nhờ có những cây cổ thụ ở đây mà bộ đội ta tránh được thương vong đáng kể.
Ông Phước nhớ lại: "Hồi đó khổ lắm, chính mắt tôi chứng kiến sự khổ cực thiếu thốn của những người làm cách mạng. Nhớ năm 1972, bộ đội ta từ miền Bắc vào đây, quần áo đều rách tả tơi. Không chỉ thế, họ chỉ ăn cơm với mắm, ngủ hầm, ngủ hào, không có chiếu chăn gì hết. Thấy thế, mẹ tôi bí mật, gom góp tiền nhà ra chợ mua vải bốn màu đen, loại vải rẻ nhất thời đó về may cho họ mặc. Sau đó, họ vẫn bám địa bàn ở đây dưới những chiến hào, hầm lạnh, quanh các gốc cây sao, cây dầu. Đặc biệt là quanh hai gốc cây củ chi (cây thân gỗ) đại thụ".
Theo lời ông, sau những trận tử chiến cùng quân thù, ngôi cổ tự trở thành nơi cứu chữa thương binh. Những năm "cao điểm" như năm 1972, 1974, ngôi chùa nhỏ giống như một nhà thương. Thay vì nhang khói, kinh kệ, chùa chất đầy thuốc men, bông băng, thuốc đỏ,... Sư sãi, Phật tử trong chùa trở thành các y sỹ, bác sỹ bất đắc dĩ. Ai cũng tham gia vào việc chăm sóc, cứu thương, tiếp tế bộ đội.
Lại xuất hiện rắn khổng lồ nằm trước án thờ Phật!? Ông Phạm Văn Phước khẳng định: "Chuyện chùa từng có hổ lớn về ngụ nghe kinh, tôi chỉ được nghe qua những người đời trước trong gia đình tôi kể lại, nhưng việc rắn khổng lồ vào chùa thì tôi tận mắt chứng kiến. Mới cách đây hai năm, trong một lần mở cửa làm vệ sinh án thờ Phật ở chánh điện, tôi bàng hoàng phát hiện hai con rắn rất lớn nằm cuộn mình trên am thờ đối diện với án thờ Phật. Sợ quá, tôi chạy ra ngoài. Sau này, hai con rắn vẫn thường bò vào chùa, leo lên điện thờ bỏ hoang cuộn tròn mặc cho tôi xua đuổi". |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-bi-chuyen-ho-nghe-kinh-phat-nua-dem-cong-nguoi-di-ho-sinh-a30837.html