+Aa-
    Zalo

    Kỳ bí chủ nhang ngôi đền phải chữa bệnh làm phúc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tất cả những ai được chọn kế thừa đều học hành hay buôn bán rất giỏi nhưng rồi cuối cùng cũng gặp những biến cố cuộc đời và buộc phải về kế nghiệp tại ngôi đền.

    (ĐSPL) - Đó là Đền Thó, ở thôn Tảo C, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngôi đền này chỉ được chọn người con trưởng để kế nghiệp. Tất cả những ai được chọn kế thừa đều học hành hay buôn bán rất giỏi nhưng rồi cuối cùng cũng gặp những biến cố cuộc đời và buộc phải về kế nghiệp tại ngôi đền này. Người kế nghiệp muốn sống thọ thì phải cứu người làm phúc.

    Không muốn cũng phải làm
    Ông Nguyễn Ngọc Tự, chủ nhang Đền Thó cho biết, Đền Thó là ngôi đền nhỏ và cổ kính nằm ở giữa thôn. Ông Tự cho biết, tất cả những người được tuyển chọn để kế nghiệp đều có số phận long đong vất vả. Ông Tự học hết lớp 5 rồi bỏ học. Ông quay về học hành kinh kệ, tất cả những bí truyền sau này kế nghiệp, ông học từ năm 14 tuổi nhưng đến 22 tuổi mới biết hết bí truyền. Năm 22 tuổi, ông bắt đầu xây dựng gia đình cũng từ đó ông phải bươn trải khắp nơi để có thể nuôi gia đình. Đã có thời gian, ông phải đi đóng than tổ ong thuê ở Hà hay ôm từng bó mía đi bán khắp thành phố, lái xích lô ở khắp phố phường. Rồi ông đi bốc vác thuê ở vùng biên Lạng Sơn, nhưng không chịu được việc bị đánh đập vô cớ nên đã xin về quê thả cá và chăn lợn. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm nên cá chết hết và phải nhượng lại cho người khác.
    Kỳ bí chủ nhang ngôi đền phải chữa bệnh để được sống
    Ông Nguyễn Ngọc Tự - Chủ nhang Đền Thó.
    Ông tiếp tục đi làm thợ xây ở Hạ Long, Quảng Ninh nhưng vẫn không có tiền gửi về nuôi vợ con và cuối cùng ông lại ra Hà Nội bốc vác thuê tại chợ Long Biên. Nhận thấy việc buôn hoa quả có lãi, ông đã dồn số tiền tích cóp được để chở về các chợ lẻ ở Hưng Yên bán. Khi công việc đang làm ăn phát đạt thì bố ông đột ngột qua đời. Bố mất trong khi công việc kinh doanh của ông đang phát đạt. Thời đó, mỗi chuyến ông cũng có thể lời vài triệu đồng. “Khi bố mất, tôi vẫn không muốn về làm chủ đền. Không hiểu vì lý do gì mà việc buôn bán của tôi gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Tôi đã bị tai nạn mấy lần suýt chết. Cuối cùng tôi phải bỏ nghề kinh doanh để về trong coi đền theo lời bố dặn dò của bố”, ông Tự nói.
    Theo ông Tự, tất cả các đời trưởng làm chủ đền đều không sống thọ hơn ông tổ của nhà đền. Có hai mốc trong cuộc đời của họ là tuổi 51 và 61. Nếu chủ nhang qua được tuổi 51 thì có thể sống đến tuổi 61. Lý giải về điều này, ông Tự cho hay, đó là do cụ tổ của ngôi đền chỉ sống được hơn 61 tuổi. Tuy nhiên, đa số các thầy trước đều chết ở tuổi 51. Thầy nào có thể sống lâu hơn thì phụ thuộc vào việc tích đức thì sẽ sống được đến tuổi 61.
    Phải chữa bệnh làm phúc
    Ông Tự cho biết, sở dĩ nhà đền lấy việc chữa bệnh làm gốc là do các cụ tổ tiên dặn dò phải lấy việc chữa bệnh để tích đức. Tất cả các bệnh nhân tâm thần đến đây sẽ được chữa bệnh một cách miễn phí. “Nhà đền chỉ là nơi giúp cho bệnh nhân có thể yên tâm chữa bệnh”, ông Tự nói.
    Được biết, những người điều trị tại đây từ dân thường, trí thức và doanh nhân sau khi chữa bệnh thuyên giảm đã nhận xét rằng, thầy đã chữa trị cho họ rất tận tâm mà không một chút phiền hà. Ví như trường hợp ông chủ xưởng cơ khí Nguyễn Nhân T. ở xã Phú Ngân, huyện Gia Bình, Bắc Ninh bị mắc bệnh tâm thần mà khiến gia cảnh tiêu tan cũng được thầy cứu giúp.
    Để xác minh việc chữa bệnh của ông Tự có thật tâm hay không, phóng viên  đã liên hệ với các bệnh nhân đã khỏi bệnh để xác minh vấn đề này. Bà Nguyễn Thị Đ., 75 tuổi, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết, bà là trường hợp mắc bệnh tâm thần lâu năm, gia đình cạn kiệt gia sản, không có tiền đi bệnh viện nhưng đã được thầy Tự cho nương nhờ. Hay trường hợp bà Nguyễn Thị X., xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Do áp lực cuộc sống nên bà Hải đã mắc chứng bệnh tâm thần nhưng đều không khỏi. “Sau 13 năm chữa trị, gia đình bà đều đã cạn kiệt gia sản. Tưởng những sẽ không còn cách nào cứu chữa. Nhưng sau khi có người mách đến thầy Nguyễn Ngọc Tự ở Đền Thó, gia đình đã đưa tôi đến đây để chữa trị. Hiện nay, thể trạng tôi đã ổn định. Tôi đã được gia đình đến đón về nhà rồi. Thời gian điều trị tại đền tôi cảm thấy bình yên như ở nhà vậy”, bà X. vui mừng chia sẻ.
    Kỳ bí chủ nhang ngôi đền phải chữa bệnh để được sống
    Đền Thó ở thôn Tảo C, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
    Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay đã có khoảng 30 người đang điều trị tại đền. Người này khỏi bệnh ra về thì lại giới thiệu người khác lại đến. “Hiện nay, đã có hàng trăm bệnh nhân thuyên giảm đã trở về với gia đình. Tôi rất mong được những nhà khoa học, các tổ chức y tế vào cuộc để nghiên cứu và tìm hiểu về khả năng chữa bệnh tâm thần của tôi”, ông Tự nói.
    Thầy Tự khẳng định với chúng tôi rằng, gia đình ông có truyền thống chữa bệnh giúp người nghèo. Điều tối kỵ trong việc chữa bệnh của dòng họ ông là tham - sân – si. Đã làm trưởng đền thì người bệnh đến nhờ thì phải giúp đỡ nếu không chính bản thân thầy sẽ gặp những điều không may mắn. Mỗi tháng bệnh nhân chỉ cần đóng góp 500 ngàn đồng và 30 cân gạo để nuôi bệnh nhân. Trường hợp gia đình nghèo, không có tiền thì nhà đền đứng ra lo liệu. 
    Ông Tự bảo rằng, chẳng dễ gì để sống chung cùng với những bệnh nhân tâm thần như vậy. Thế nhưng, để có thể sống lâu và tích đức lại cho con cháu, ông phải tích cực chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu công việc ông đang làm, ngay cả bà vợ cả của ông cũng không chịu được cảnh ấy nên đã bỏ đi. Thế nhưng sau đó có một cô gái ở Hà Tây (cũ) đã cảm thông số phận của ông và tự nguyện về làm vợ hai, cùng ông chăm sóc những số phận không may mắn.

    Bệnh nhân đều phải thông báo qua chính quyền

    Ông Trịnh Quốc Quân, Trưởng công an xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cho rằng: “Từ xưa, đền Thó là nơi lui tới của những bệnh nhân tâm thần. Có thể là do người này đến chữa trị tại đền đã thuyên giảm nên giới thiệu người khác đến. Tuy nhiên, từ trước đến giờ, ngôi đền vẫn chưa gây ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng. Thế nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu chủ đền đến chính quyền địa phương để ký cam kết về vấn đề an ninh trật tự, không được tuyên truyền mê tín dị đoan, đồng thời yêu cầu những bệnh nhân đến đây chữa trị đều phải thông báo cho chính quyền địa phương”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-bi-chu-nhang-ngoi-den-phai-chua-benh-lam-phuc-a52747.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.