+Aa-
    Zalo

    Kỳ 9: Bản án công minh dành cho kẻ “bán mình” cho cát tặc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khúc sông nào có cát tặc, là nơi đó như một công trường nổi giữa dòng sông. Tiếng máy, tiếng gầm rú khiến trẻ con khóc ré trong đêm, người già không ngủ nổi...

    (ĐSPL) - Khúc sông nào có cát tặc, là nơi đó như một công trường nổi giữa dòng sông. Tiếng máy, tiếng gầm rú khiến trẻ con khóc ré trong đêm, người già không ngủ nổi... Một trong những câu hỏi lớn, đó chính là việc có hay không sự bảo kê và đâu là sự thật?

    Khó xử lý vì “nó” dưới sông “mình” trên bờ?

    Cát tặc lộng hành công khai khiến đất sụt, nhà trôi, đê kè sạt lở, người dân "đánh đu" với Hà Bá nhưng việc xử lý vi phạm lại rất ít. Như chúng tôi đã thông tin, tình trạng đáy sông bị ăn cắp trắng trợn đã dấy lên trong dư luận, nơi có xã hội đen đứng ra bảo kê cho cát tặc nên nhiều người dân bức xúc, tự đứng lên chống lại cát tặc, còn chính quyền địa phương lại thiếu sự quyết liệt xử lý vi phạm. Các đối tượng cát tặc như Vũ Anh Toàn (tức Toàn “cụt”, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), chủ bãi Hiền Hâu, và Hải Yến... mà chúng tôi đã đề cập tại các kỳ trước, có nhận được sự bảo kê từ chính quyền hay không hiện vẫn chưa khẳng định được. Việc đối tượng Vũ Anh Toàn chỉ bị triệt phá khi bộ Công an vào cuộc cho thấy dấu hỏi lớn về năng lực quản lý sông nước của chính quyền địa phương.

    Những công trường rầm rộ là vậy nhưng “người ta” vẫn bảo kê cho cát tặc hút bí mật.

    Khi đề cập đến cát tặc lộng hành, vị chủ tịch huyện nơi Toàn “cụt” lộng hành này cho rằng, lực lượng hạn chế, thiếu kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị, các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh để hút cát trái phép, khiến công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Cơ quan quản lý Nhà nước khẳng định như vậy còn ông Chi cục trưởng chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh lại cho rằng, cát lậu cho lợi nhuận quá lớn nên vi phạm vẫn xảy ra. Cơ quan quản lý đê điều đã phát hiện và báo cáo sở, báo cáo với chính quyền, chính quyền lại nói ngoài tầm kiểm soát, không có phương tiện, không có lực lượng. Như vậy, có thể thấy chính quyền chưa làm hết trách nhiệm. Người đứng đầu phải nắm được diễn biến trên địa bàn quản lý, phải có biện pháp, nếu vượt thẩm quyền, phải có báo cáo đề xuất. "Vi phạm cũng như xây nhà, phải đào móng rồi mới xây tầng. Nói thẳng là có một số quận, huyện chưa thực sự vào cuộc, ngại va chạm. Không thể trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm mãi được!", ông Thịnh khẳng định.

    Đơn cử như vụ việc mà chúng tôi đã phản ánh về hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp tại cánh đồng Cây Chanh, xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương bị cát tặc ngày đêm “nuốt chửng”. UBND huyện Kim Thành cho biết, đơn vị này đã nhiều lần ra quân xử lý. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chẳng đâu vào đâu.

    Trong khi người dân vẫn “nhiệt tình kêu gào” và có việc gì lại chạy báo với UBND xã Đại Đức và huyện Kim Thành về nạn cát tặc thì cát tặc vẫn hoành hành suốt gần chục năm, khiến cả một đoạn đê quai dài hơn 300m và hàng chục nghìn m2 ruộng biến thành vùng trũng sâu 15 – 20m, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiện trạng đất đai và canh tác, nuôi trồng của bà con. Mặc cho người dân phản ánh, mặc cho cát tặc hoành hành, chính quyền xã Đại Đức tỏ rõ sự thiếu trách nhiệm khi thừa nhận, họ không xử lý được vấn nạn cát tặc này chỉ vì “nó ở dưới sông, mình ở trên bờ”!?

    Những khoảng tối giữa lòng sông

    Tất nhiên là nói đến việc bảo kê, làm “ô dù” cho cát tặc thì chẳng bao giờ các đơn vị chức năng thừa nhận có việc này. Tuy nhiên, vẫn có những vị “quan huyện” phải “xộ khám”, trả giá cho lòng tham vô đáy, vì cấu kết với cát tặc thu lời bất chính. Hậu quả là họ đã bị pháp luật trừng trị. Đây có lẽ là những khoảng tối dưới lòng sông mà do lòng tham của con người tạo nên.

    Không chỉ gây sạt lở, các dòng sông bị tận thu khiến trữ lượng cát trên sông bị cạn kiệt, môi trường sinh thái bị phá vỡ, dòng chảy bị thay đổi... Nguy hại vậy nhưng cơ quan chức năng rất ít kiểm tra, bắt, xử lý những kẻ hút cát lậu. Khi chúng tôi thực hiện loạt bài, có thời điểm những dòng sông yên bình một cách kỳ lạ. Hàng chục các “chiến thuyền” hút cát hằng ngày trở nên hiền lành giữa mùa khô. Chỉ cần hỏi qua người dân một chút là biết, đó là ngày các đoàn kiểm tra đi “công cán”. Và, những nhân vật mà chúng tôi đã đề cập ở các kỳ trước đó đều là “trợ lý” của những “ông trùm” khai thác một thời, đồng thời nắm rất rõ chiêu thức làm ăn của cát tặc. Những nhân vật này đều phải thừa nhận rằng: “Làm nghề “hút máu trên sông” phải có “ô dù”, không thì chết như chơi. Với những tổ tuần tra ở huyện do phòng Tài nguyên – Môi trường tổ chức, chiêu thức xử lý khá đơn giản, chỉ “chơi đẹp” với một thành viên đặc biệt trong tổ là xong(?!). Còn đối với cấp cao hơn, có đội quân “chim lợn” làm việc vừa chuyên nghiệp vừa đảm bảo bí mật, an toàn. Đội quân “chim lợn” này có mặt khắp nơi, từ trước cửa cơ quan công quyền đến các quán nước...”.

    Trên các dòng sông ở các tỉnh miền Bắc mà chúng tôi đi qua, nơi nào cũng nghe được thông tin rằng, cát tặc có “ông này, bà nọ”, có “ô dù” lớn lắm. Thế nên, việc “chạy” giấy phép khai thác, kinh doanh cát trên sông quá đơn giản, thậm chí còn phù phép được cả hóa đơn đỏ... Các trường hợp “cát chui, cát non” đều được đưa về các đầu mối móc thầu riêng của các “thầy” - người đỡ đầu trên huyện, tỉnh...

    Vụ việc mới đây nhất tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp điển hình cho khoảng tối đó trong cuộc chiến chống lại cát tặc. Vụ việc nghiêm trọng đến mức, nguyên Bí thư Nguyễn Hồng Lâm và nguyên Chủ tịch huyện Hồng Ngự, Nguyễn Quốc Hưng cùng phải ra hầu tòa vì bảo kê cho cát tặc.

    Các bị cáo nguyên là Chủ tịch huyện, Bí thư huyện hầu tòa vì bảo kê cho cát tặc.

    “Ô dù” của những vị này đã biến cả cù lao của xã Thường Thới Tiền vào túi tham. Theo vụ án đó, từ khoảng tháng 10/2011 đến tháng 10/2012, các bị can đã khai thác cát trái phép tại bãi bồi Thường Thới Tiền gây thiệt hại về tài nguyên, cát có tổng giá trị hơn 12 tỉ đồng (tương đương 721.000 m3 cát). Đồng thời, các bị cáo đã khai thác cát trái phép tại đuôi bãi bồi Thường Thới Tiền gây thiệt hại về tài nguyên cát, có tổng giá trị hơn 1 tỉ đồng; các bị can Lâm, Cảnh, nguyên là Bí thư và Chủ tịch của huyện nhưng khi biết giấy phép khai thác cát đã hết hạn vẫn cho công ty Ngự Bình bán cho các cá nhân tự vào khai thác...

    Ăn của sông “đeo gông vào cổ”

    Liên quan đến vụ án “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” của nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, ngày 7/7/2014, HĐXX TAND tỉnh Đồng Tháp nhận định, nguyên Bí thư, Phó bí thư và Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự tiếp tay cho cát tặc, khai thác cát trái phép. Theo đó, bị cáo Nguyễn Hồng Lâm nhận 12 tháng tù giam; Ngô Xuân Cảnh- nguyên Phó Bí thư thường trực, 6 tháng tù giam và Nguyễn Quốc Hưng - nguyên Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự 4 tháng tù giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

    Đối với các bị cáo phạm tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên, mức án của bị cáo Dương Tấn Quốc, Giám đốc công ty TNHH Ngự Bình là 18 tháng tù, Phó Giám đốc Phan Thanh Dân 14 tháng tù; Lương Công Thành 14 tháng tù; Phạm Thanh Sơn 18 tháng tù; Nguyễn Văn Mương 15 tháng tù; Nguyễn Hoàng Hải 14 tháng tù và Nguyễn Minh Triết mức án 6 tháng tù. Riêng đối với bị cáo Dương Trung Kỉnh - nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Hồng Ngự bị tuyên phạt 6 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-9-ban-an-cong-minh-danh-cho-ke-ban-minh-cho-cat-tac-a83306.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan