(ĐSPL) - Trong các ca bệnh cận kề cái chết, khả năng tiên liệu về sự sống đều hết sức mong manh. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Mai, liên tục bị ngưng tim hay trường hợp của chị Tô Thị Hồng Sương chỉ còn 2\% sự sống, gia đình đã về lo hậu sự, mọi hy vọng gần như vụt tắt.
Bằng nỗ lực của các bác sỹ và nhờ áp dụng những kỹ thuật hiện đại, các bệnh nhân trên đã được cứu sống một cách thần kỳ. Cho đến thời điểm hiện tại, họ đều không thể ngờ mình lại thoát chết kỳ lạ đến thế…
Ngừng tim liên tục...
Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, đã có rất nhiều bệnh nhân trong thế thập tử nhất sinh hoặc được cho là đã chết lâm sàng được cứu sống thần kỳ bằng sự nỗ lực cứu chữa của các bác sỹ tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Một trong những người từng cứu chữa nhiều bệnh nhân thoát chết trong gang tấc tại bệnh viện này là thạc sỹ, bác sỹ Trương Dương Tiển, Phó khoa Hồi sức – Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy.
Trong lần gặp PV, bác sỹ Tiển cho biết ông cũng không thể nhớ hết những người ông đã cứu chữa, nhưng may thay ông vẫn còn lưu giữ được số điện thoại của một số bệnh nhân.
BS.Trương Dương Tiển, Phó khoa Hồi sức-Cấp cứu trao đổi với PV (ảnh: Hải Đăng). |
Người đầu tiên PV liên lạc hẹn gặp là chị Nguyễn Thị Mai Trân (SN 1992, ngụ TP. Vũng Tàu), một bệnh nhân bị viêm cơ tim nguy kịch được cứu sống hi hữu tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Mặc dù đã hơn một năm trôi qua từ khi được cứu sống nhưng chị Trân vẫn không khỏi bồi hồi mỗi khi nhắc lại giây phút sinh tử. Chị Trân chia sẻ: “Tôi là một chuyên viên IT (kỹ thuật viên Công nghệ thông tin - PV). Khoảng cuối tháng Ba, đầu tháng Tư năm 2014, trong lúc đang làm việc thì tôi bất ngờ bị sốt siêu vi.
Khi được chuyển đến bệnh viện Lê Lợi (TP. Vũng Tàu), tôi đã trong tình trạng lơ mơ không biết gì. Người nhà tôi kể lại rằng, các bác sỹ tại bệnh viện Lê Lợi sau khi thăm khám cho tôi thì kết luận tôi bị virus thâm nhập cơ thể. Trường hợp này hiếm gặp và ngoài khả năng cứu chữa của bệnh viện nên họ đề nghị chuyển tôi lên bệnh viện tuyến trên”.
“Ngay sau đó người nhà đã tức tốc chuyển tôi đi thẳng lên bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM. Sau khi thăm khám các bác sỹ ở đây nói tôi bị virus thâm nhập cơ thể dẫn đến viêm cơ tim, tình trạng đang rất nguy kịch. Gia đình tôi gần như tuyệt vọng, ai cũng nghĩ tôi sẽ không thể nào qua khỏi.
Vào thời điểm nguy kịch đó, các bác sỹ đã xin ý kiến gia đình cho áp dụng tất cả những kỹ thuật mới mà bệnh viện có được với hy vọng cứu được mạng sống của tôi. Sau này mọi người kể lại, lúc đưa vào phòng Cấp cứu đặc biệt, tôi đang trong tình trạng ngừng tim liên tục, ngay lúc đó cả gia đình cũng không tin rằng tôi có thể thoát khỏi án tử”, chị Trân bồi hồi kể lại.
Được biết, sau khi điều trị liên tục khoảng 5 ngày ở phòng cấp cứu chị Trân đã dần tỉnh lại và được chuyển sang phòng hồi sức. Sau hai tháng nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, chị Trân được xuất viện trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình... Hiện tại, chị đã có thể làm việc bình thường, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, điều đặc biệt là chưa hề có biến chứng.
Chia sẻ cảm nhận về việc mình được cứu sống thần kỳ, chị Trân vui vẻ nói: “Bệnh của tôi, gia đình cứ nghĩ là sẽ không có nơi nào cứu chữa được. May mắn thay, các bác sỹ ở bệnh viện Chợ Rẫy đã nỗ lực tìm ra nguyên nhân, cách điều trị hữu hiệu cho những căn bệnh đặc biệt nên tôi mới được sống tới giờ. Theo tôi biết, trước ca bệnh của tôi cũng đã có vài trường hợp tương tự được cứu sống tại bệnh viện này. Tôi hy vọng, những kỹ thuật mới sẽ được áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện ở Việt Nam, để những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như tôi có cơ hội được cứu sống”.
Suýt mất mạng vì sốc thuốc tây
Ngoài trường hợp của chị Trân, PV báo ĐS&PL còn tiếp cận với những ca bệnh khác được cứu sống hi hữu ở bệnh viện Chợ Rẫy. Họ cũng đã trải qua thời khắc sinh tử trong lằn ranh sống chết. Một trong những trường hợp chúng tôi đề cập là ca “cải tử hoàn sinh” của chị Tô Thị Hồng Sương (SN 1994, ngụ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Chị Sương lúc ở viện chỉ được tiên liệu sự sống còn có... 2\%. Đó là một trường hợp tương đối hiếm gặp do bị sốc thuốc tây. Trong khi thời điểm chị Sương được cứu chữa, bệnh viện cũng chưa tiếp nhận nhiều ca bệnh tương tự. Chị Sương kể lại: “Khoảng giữa năm 2013, tôi bắt đầu bị đau răng. Cơn đau ngày càng hoành hành, chịu không nổi nên tôi có ra ngoài nhà thuốc mua thuốc tây uống.
Nhưng không hiểu sao, sau khi uống thuốc vô, cơ thể tôi bị sốc dữ dội. Gia đình thấy vậy liền chuyển tôi đến bệnh viện Thánh Tâm ở dưới TP. Biên Hòa để điều trị. Sau khi truyền nước, cơ thể tôi trở nên mệt mỏi, suy nhược và gần như lâm vào trạng thái không biết gì. Thấy tình hình không ổn nên gia đình làm liều, chuyển tôi lên bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM, mặc dù lúc này bệnh viện Thánh Tâm không cho phép”.
“Tại bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi kiểm tra các bác sỹ cho biết, tôi bị tụt huyết áp, sốt cao đột ngột. Gia đình kể lại, lúc đó bác sỹ nói với tình trạng của tôi, 98\% là không qua nổi. Anh chị em của tôi lúc đó đã chạy về nhà chuẩn bị lo hậu sự.
Riêng ba mẹ tôi, họ không muốn chấp nhận sự thật phũ phàng như vậy, nên có hỏi thăm bác sỹ còn cách nào cứu chữa không, theo đúng nghĩa “còn nước, còn tát”. Và ngay trong thời điểm thập tử nhất sinh ấy, gia đình tôi được bác sỹ Tiển cho biết, sự sống của tôi vẫn còn được khoảng 2\%, các bác sỹ sẽ cố gắng dùng mọi cách để cứu chữa. Sau khoảng 3 ngày điều trị liên tục, tôi đã qua cơn nguy kịch”, chị Sương cho biết thêm.
Cũng theo chị Sương, nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy khoảng nửa tháng thì chị đã hoàn toàn bình phục. Chị Sương chia sẻ: “Sau khi xuất viện, tôi về nhà làm việc bình thường, mỗi tháng chỉ đến bệnh viện tái khám một lần. Khoảng bốn tháng sau, thấy tôi không còn bệnh nên bác sỹ kêu không cần đến tái khám.
Cũng may nhờ có bệnh viện Chợ Rẫy nỗ lực cứu chữa, nếu không, tôi đã chết từ năm ấy rồi. Bây giờ tôi vẫn sống rất khỏe mạnh và hiện tại đang làm công nhân cho một công ty may ở thị trấn Nhơn Trạch, Đồng Nai. Tôi và cả gia đình đều không thể ngờ, mình lại thoát chết một cách thần kỳ như vậy".
Thành công nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật
Bác sỹ Trương Dương Tiển cho biết: “Cho tới hiện tại, nhờ áp dụng những kỹ thuật mới, bệnh viện đã cứu sống khoảng 23 trường hợp cận kề cái chết. Tổng kết bước đầu tỉ lệ cứu sống cho bệnh nhân suy hô hấp cấp là 75\% và 67\% đối với bệnh nhân suy tim cấp do viêm cơ tim do virus.
So với các báo cáo tổng kết các nghiên cứu của các nước trên thế giới là tương đương. Như trong tổng kết của Hiệp hội hỗ trợ sự sống bằng tuần hoàn ngoài cơ thể (ELSO) lần lượt là: Đối với hỗ trợ tim V-A ECMO là 41-67\%, đối với hỗ trợ phổi là 46-62\%. Đây là kết quả tương đối khả quan, khích lệ đội ngũ y tế tiếp tục nghiên cứu ứng dụng những kỹ thuật mới”.
HOÀNG MINH – HẢI ĐĂNG
Xem thêm video:
[mecloud]XW5conEzJH[/mecloud]