(ĐSPL)- Bảy năm bền bỉ chiến đấu với bệnh ung thư máu, Hoàng Thị Diệu Thuần (SN 1987, Nghệ An) từng rơi vào cảnh khắc khoải chờ từng giọt máu vào mỗi dịp Tết đến.
Năm 2012, ở thời khắc “cận kề cái chết”, Diệu Thuần phải đưa ra lựa chọn “một mất một còn” là ghép tế bào gốc hoặc chờ đợi cái chết đến từ từ. Ngày 25/9/2012, ngày thực hiện ca ghép thành công trở thành ngày đánh dấu mốc hồi sinh của Diệu Thuần. Ba năm sau ca ghép thành công, gặp lại tác giả của cuốn tự truyện Như hoa hướng dương năm nào gieo vào tâm trí tôi những hy vọng vào “phép nhiệm màu” trong ngành y sẽ đến với nhiều, nhiều bệnh nhân ở hoàn cảnh “thập tử nhất sinh”.
Bảy năm bền bỉ chiến đấu với bệnh ung thư máu
Tôi đã đọc được những dòng sau trong cuốn Như hoa hướng dương của Diệu Thuần: “Quỳ Hợp, ngày 1 tháng 1 năm 2012, cái Tết thứ 26 trong cuộc đời của tôi. Đó quả thật là điều đáng ngạc nhiên, trước hết với chính tôi. Và, thật sự những gì đã trải qua khiến tôi tin vào thiên định. Đã nhiều lần thập tử nhất sinh, đã nhiều lần tôi buông xuôi tất cả.
Vậy mà, tôi vẫn sống, dù le lói, dù thoi thóp, đấng thiêng liêng nào đó vẫn giữ tôi ở lại, bằng cách thức nào đó mà khi nhớ lại, tôi càng thấy kỳ lạ”... Những dòng tâm sự của một cô gái 26 tuổi đang ở thời khắc khó khăn, chiến đấu với bệnh ung thư máu khiến nhiều người rơi lệ. Tôi nhớ khi đó, rất nhiều bạn bè của tôi đã chia sẻ cuốn tự truyện của Diệu Thuần như một lời nhắn nhủ rằng, hãy luôn trân trọng sự sống, hãy mạnh mẽ như cô gái trong cuốn tự truyện đầy xúc cảm trên.
Các nhân viên kỹ thuật đang thực hiện lấy tế bào gốc chuẩn bị ghép cho bệnh nhân. |
Và, tôi nhớ cuối năm 2012, tôi nhìn thấy Diệu Thuần sau ca ghép thành công với cơ thể tái xám, yếu ớt nhưng tất cả mọi người khi đó đều cùng nhau nuôi khát vọng mãnh liệt về sức khoẻ của Diệu Thuần. Và, điều kỳ diệu đã xảy ra!
Đúng 3 năm sau, tôi gặp lại tác giả cuốn tự truyện Như hoa hướng dương trong một sớm se lạnh của trời Thu Hà Nội. Nhanh nhẹn, tự tin và tràn đầy hy vọng là những gì tôi cảm nhận được về Diệu Thuần. Diệu Thuần chia sẻ, chị và các bạn tình nguyện viên đang tham dự Festival Nghĩa tình mùa Thu, vận động hiến máu nhân đạo tại viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Diệu Thuần bắt đầu câu chuyện với tôi bằng lý do khiến chị phát hiện ra mình mắc căn bệnh nan y ung thư máu (hay dân gian còn gọi là bệnh máu trắng). Chị tâm sự, từ năm học lớp 11, vào các tiết học thể dục chị hay bị ngất, bị sốt vào buổi tối: “Lúc đó, gia đình và những người xung quanh cứ nghĩ có lẽ do tôi học nhiều quá (cười). Tôi có tham gia đội tuyển học sinh giỏi tiếng Nga của trường, nhưng thực lòng tôi thấy so với bạn bè thì tôi cũng không học quá nhiều.
Từ cấp 3, tôi đã đi học ở trường chuyên của tỉnh cách nhà hàng trăm km, khi có vấn đề về sức khoẻ, các thầy cô giáo lo lắng, đưa đi khám bệnh. Đến lớp 12, những cơn sốt liên tục đến, xuất hiện các đám xuất huyết dưới da, cân nặng bị sút, tôi phải xin ra khỏi đội tuyển vì không đủ sức khoẻ. Năm đó, cô giáo chủ nhiệm thấy tôi hay bị ngất nên đã dẫn tôi đi khám tim, huyết áp. Tuy nhiên, bác sỹ không thấy có vấn đề về bệnh tim”.
Sau đó, Diệu Thuần bị cuốn vào kỳ thi đại học quyết định với tất cả học sinh. “Vừa đi học được 3 tuần, tôi có đi cùng một người bạn đến thăm người nhà của bạn bị bệnh về máu đang nằm điều trị tại tầng 1 viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (khi đó viện còn đang nằm trong khuôn viên của bệnh viện Bạch Mai). Tôi có hỏi cô của bạn về các biểu hiện của bệnh thì thấy mình cũng có các dấu hiệu như vậy. Ngay hôm sau, tôi đi kiểm tra và kết quả là tôi bị bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt, một dạng ung thư máu. Lúc đó, tôi thấy mọi thứ xung quanh như sụp đổ hoàn toàn. Năm đầu tiên đại học, tôi đã phải bảo lưu kết quả vì không đủ sức khoẻ theo học”, Diệu Thuần nhớ lại.
Sau đó, những kỷ niệm còn lại với Thuần về căn bệnh quái ác này là những cơn đau chân hành hạ, đau đến không đi lại được và những cơn sốt liên tục, sức khỏe giảm sút. Những việc đơn giản nhất như: Tắm, gội cũng phải nhờ mẹ, đi lại phải có người cõng... Có những lúc vừa chịu cơn đau, vừa thấp thỏm chờ máu để truyền. Từ năm 2010, bệnh trở nên nặng hơn, Thuần mới viết nhiều vì sợ cái chết, cô đơn và nỗi đau. Cuốn tự truyện Như hoa hướng dương của Thuần ra đời trong những cơn đau như vậy.
Thắp hy vọng sống cho hàng vạn người ung thư
Cơ hội duy nhất của chị lúc đó là ghép tế bào gốc tạo máu. Tuy nhiên, thường chỉ có khoảng 10\% bệnh nhân có khả năng ghép được. Thuần may mắn có người anh trai sẵn sàng hiến tế bào gốc, nhưng khó khăn là chỉ số hòa hợp giữa người cho (anh trai) và người nhận (Thuần) chỉ đạt 5/6, chưa phải là chỉ số lý tưởng cho việc ghép.
Không những thế, thời gian mắc bệnh của chị quá lâu (7 năm - PV), trong khi để đạt tỉ lệ thành công cao nhất thì cần tiến hành ghép càng sớm càng tốt, trong 1 năm sau khi được chỉ định. Một khó khăn nữa nảy sinh là chị bị virus viêm gan C. Với bệnh nhân ung thư máu, miễn dịch giảm, đặc biệt khi điều trị ghép thì lại dùng hóa chất cao, mạnh nên sức đề kháng giảm, gần như bằng không. Virus viêm gan C chỉ chờ cơ hội khi cơ thể yếu thì phát triển, hoạt động trở lại.
Hoàng Thị Diệu Thuần trò chuyện về những thay đổi trong cuộc sống của chị sau thành công của ca ghép điều trị ung thư máu. |
Đầu tháng 9/2012, anh ruột Thuần nhập viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cùng với em gái để lấy tủy. Trong khi tủy của anh trai được chuyển xuống phòng bảo quản, Thuần được truyền hóa chất cực mạnh do bạch cầu và tiểu cầu xuống quá thấp. "Thời gian đó, tóc tôi rụng hết, động vào là rụng. Thể trạng yếu nên lúc truyền tủy, nhịp tim tăng khiến tôi không thở được. Có những ngày, tôi quá mệt và nằm li bì.
Các vết loét như nhiệt phá ra từ cổ họng lên đến miệng khiến tôi không thể nuốt được thức ăn, hay nói chuyện”, Diệu Thuần tâm sự. Rất may, sau 15 ngày ghép, kết quả ghép khả quan, các chỉ số máu bắt đầu ổn định. Kết quả đó như “một phép màu” không chỉ với Diệu Thuần, mà còn mang lại niềm tin điều trị bệnh cho nhiều người bệnh không may mắc bệnh về máu, trong đó có những bệnh nhân nhóm bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt.
Diệu Thuần chia sẻ: “Hiện giờ, thi thoảng tôi vẫn bị đau xương, đau chân bên phải. Đều đặn một tháng, tôi đến viện kiểm tra một lần. Cân nặng lúc ghép tế bào gốc của tôi là 34kg đến giờ đã được 40kg rồi! (cười). Dù thi thoảng, tôi vẫn bị những cơn đau chân nhưng bản thân có thể tự làm những điều mình muốn với tôi đã là một điều vô cùng may mắn”.
Diệu Thuần say sưa kể với tôi về những buổi gặp gỡ các bệnh nhân ung thư trong chương trình của quỹ Ngày mai tươi sáng. Dù công việc của chị chỉ đơn giản là tham gia hoạt động văn nghệ, nói chuyện, chia sẻ và tặng quà cho các bệnh nhân ung thư nhưng chị thấy ở họ niềm tin vào cuộc sống hơn.
Diệu Thuần tâm sự: “Thực sự, từ đáy lòng, tôi muốn nói lời cảm ơn tới các bác sỹ tại viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đặc biệt là tới bác sỹ Khánh, bác sỹ Bình, những người trực tiếp thực hiện ca ghép cho tôi và cả những người bạn, những Mạnh Thường Quân mà tôi chưa có dịp gặp mặt trực tiếp. Họ đã động viên tôi trong cuộc sống cũng như trong quá trình chữa bệnh. Tôi đang viết tiếp một cuốn sách như lời cảm ơn tới các y, bác sỹ và những trải nghiệm của bản thân trong quá trình điều trị ghép tế bào gốc. Tôi hy vọng có thể giúp các bệnh nhân cùng hoàn cảnh như mình có thêm niềm tin, nỗ lực, sự mạnh mẽ chiến đấu với bệnh tật”.
Ghép tế bào gốc –mở cánh cửa sống
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng viện Huyết học -Truyền máu Trung ương cho biết: “Chúng tôi coi phương pháp ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu ác tính là một phương pháp “mũi nhọn” hiện nay. Để bệnh nhân có thể điều trị bằng biện pháp hiện đại với chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Trong thời gian tới, Viện sẽ triển khai tích cực phương pháp này, đồng thời triển khai ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn cộng đồng để các bà mẹ tình nguyện gửi máu cuống rốn của mình tạo kho dự trữ tế bào gốc điều trị trong tương lai”.
Đỗ Thơm
Xem thêm video:
[mecloud]GnPyZuU0rC[/mecloud]