(ĐSPL) - Hơn một thế kỷ trôi qua, vị thủ lĩnh áo vải Hoàng Hoa Thám đã trở thành một huyền thoại lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tên tuổi của ông đã được tạc vào sử sách.
Ít người biết được, trong những ngày tháng hội quân ở vùng đất Yên Thế, Hoàng Hoa Thám đã sáng tác ra tuyệt kỹ võ sáo có tên “Bóng trăng Phồn Xương”. Bài võ huyền ảo này từng khiến quân Pháp kinh sợ.
Tuyệt kỹ khiến quân Pháp khiếp đảm
Người có công khôi phục võ sáo là võ sư võ sáo Trịnh Như Quân (61 tuổi). Lần theo sự chỉ dẫn, chúng tôi đến TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang diện kiến vị võ sư nổi danh này. Từ lâu, võ sư Quân đã quá nổi tiếng khi đưa nét văn hóa truyền thống của người dân Bắc Giang bay theo những tiếng sáo vi vu, đi khắp mọi miền Tổ quốc. Và hơn hết, ông là người cuối cùng nắm được những tuyệt chiêu thượng thừa của võ sáo Yên Thế.
Nói chuyện với chúng tôi, võ sư Quân cho biết, Yên Thế, vào giữa thế kỷ XIX trước khi Hoàng Hoa Thám dấy binh khởi nghĩa vốn là vùng đất hoang vu chưa được khai phá. Đây là nơi tá túc của bọn thổ phỉ thường xuyên cướp phá dân lành và vùng đất ẩn nấp của nông dân bị truy đuổi.
Khi Hoàng Hoa Thám dấy binh khởi nghĩa chống Pháp, anh hùng tứ phương hội tụ về đây. Chính vì thế, ngoài những môn võ cổ truyền của vùng, Yên Thế còn du nhập thêm nhiều môn phái võ lâm của anh hùng tứ xứ.
Hàng ngày, võ sư Quân đều thổi sáo và luyện võ. |
Theo ông Quân, các cụ ngày xưa có kể lại, sở dĩ nghĩa quân Đề Thám khiến giặc Pháp khiếp sợ vì ngoài việc chọn được căn cứ địa hiểm yếu còn được vũ trang nhiều vũ khí. Ngoài súng ống, thuốc nổ, cung tên, giáo mác, nghĩa quân còn có nhiều vũ khí tưởng chừng như vô hại nhưng gây sát thương cao như quân cờ tướng, đàn, bút, dải lụa, quạt nan sắt, trâm cài đầu... Chúng được sử dụng như những ám khí.
Trong dân gian vẫn còn truyền miệng câu chuyện về đôi đũa cả nấu vạc cơm lớn của bà Ba Cẩn, vợ Đề Thám như một đôi song kiếm dũng mãnh, biến ảo khôn lường khi xung trận. Và hơn hết, nơi đây, quân sỹ của Hoàng Hoa Thám nắm trong tay tuyệt kỹ võ sáo lừng danh.
Tương truyền, bài võ sáo là ngón võ sở trường, là sự tâm huyết của vị thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám. Ông và các nghĩa quân đã dùng cây sáo, vừa để tâm giao với đất trời, vừa dùng làm tín hiệu truyền tin thám báo, vừa là vũ khí để ngụy trang tuyệt vời.
Thực tế, sáo sắt dài tương đương một cây đoản côn. Với thế đánh, đỡ, đâm từ sát thương đến hạ thủ địch, đầu sáo bao giờ cũng buộc tua vải màu, trang trí như thể hiện ở phần đuôi đao. Khi hội hè, lúc thư giãn, người sử dụng có thể tấu lên những bản nhạc tâm tình, tự sự. Và, khi xung trận, nhạc cụ đó bỗng biến thành thứ binh khí có thế đánh vô cùng uyển chuyển, cương, nhu nhịp nhàng.
Võ sư Quân tâm sự: “Bài sáo võ có 6 thế tấn, 13 đặc dị kiếm pháp và 51 chiêu thức cụ thể. Từ những chiêu thức của bài võ, cây sáo được bay bổng như thế đánh của đao kiếm và loáng thoáng hình bóng của đoản côn.
Để có thể luyện nhuần nhuyễn bài võ sáo, người luyện phải đạt đến trình độ nhất định về võ thuật, am tường về kiếm pháp, đồng thời phải biết sử dụng thành thạo cây sáo như một nghệ sỹ. Qua đó, chất tráng sỹ với kiếm pháp và chất nghệ sỹ với cây sáo được kết hợp đan xen. Mặt khác, nghe tiếng sáo phát ra, những người luyện võ công đều có thể đánh giá được nội công, bản lĩnh của người thổi”.
Người lưu giữ hồn cốt của võ sáo
Được biết, võ sư Quân đến với các tuyệt kỹ võ sáo một cách rất tình cờ. Trong một lần, ông đi sưu tầm các bài võ trên quê hương Yên Thế ở bản Rừng Phe (xã Tam Tiến), võ sư Quân đã được “thỉnh giáo” võ sáo của một cao nhân võ thuật.
Đó là cụ Triệu Quốc Uy đã 90 tuổi. Võ sư Quân bộc bạch: “Cụ Uy là cháu đích tôn của một nghĩa quân cận vệ dưới thời Hoàng Hoa Thám. Thấy tôi thật thà, ham mê học võ, cụ Uy đã nhận tôi làm học trò duy nhất. Ba năm xa vợ con “cắm trại” khổ luyện trong rừng sâu, tôi đã tường tận bài võ sáo mang tên “Bóng trăng Phồn Xương” mà sư phụ truyền dạy. Sau này, qua những tháng ngày tu luyện, tôi đã lĩnh hội được 53 thế võ, 13 bí kíp của kỹ năng sử dụng kiếm (thập tam kiếm pháp)”.
Võ sư Trịnh Như Quân đang phiêu du với cây sáo sắt. |
Đến nhà võ sư Trịnh Như Quân, PV ngỡ ngàng khi ngay giữa gian nhà sang trọng, ông dành một góc bày 6 cây sáo sắt. Đó là những cây Thiên long đệ nhất sáo; Thiên thai; Tiêu tương; Giọt mưa thu; Thiết địch thần phong và Hòn vọng phu. Bên cạnh đó, trên bức tường là những giải thưởng, bằng khen của ông và các đệ tử khi tham gia những cuộc tỉ thí lớn.
Ông Quân cho biết, trước khi làm sáo, ông đã đi tham khảo rất nhiều ý kiến của các chuyên gia sản xuất nhạc cụ và những người thợ rèn có tiếng ở Bắc Ninh. Được biết, người võ sư này đã từng thử làm sáo trên nhiều chất liệu như innox, thép... Tuy nhiên, âm thanh của cây sáo làm từ những chất liệu trên vẫn chưa đạt “chuẩn” tuyệt đối.
Và một ngày nọ, võ sư Trịnh Như Quân vô tình tìm thấy trong nhà một ống sắt cứng nhỏ. Ông đưa lên miệng thổi, thấy âm thanh phát ra từ chiếc ống sắt này có cái hồn mà ông đang đi tìm kiếm. Lập tức, ông tay nải lên Bắc Ninh, tìm về ngôi làng có nghệ nhân rèn kiếm nổi tiếng đất Kinh Bắc xưa kia.
Tại đây, ông đã nhờ những người này rèn cho chiếc sáo lớn, bằng chất liệu giống cây sắt ông tìm được. Được biết, những cây sáo đó đều được rèn theo chế độ đặc biệt, nung ở mức trên 1.0000C nên sau này dù có lửa đốt, ngâm nước hàng tháng cũng không ảnh hưởng đến âm thanh và độ bền. Ngoài những tên riêng cho từng cây sáo, ông Quân đặt chung cho chúng là “cây xà beng giọng người” hay “cây xà beng biết khóc”.
Nhìn vào những “cây xà beng giọng người”, chúng tôi hỏi, tại sao nó lại được làm từ sắt mà không phải là từ tre, trúc... như chất liệu thông thường để làm loại nhạc cụ này, võ sư Trịnh Như Quân cười phân tích: “Sáo của những người bình thường làm từ chất liệu trúc, tre, nhựa... thổi lên chỉ để giải trí, để tiêu dao với đất trời. Nhưng cây sáo của tôi, của nghĩa quân Đề Thám thì lại khác. Nó vừa là tín hiệu của nghĩa quân, vừa là thứ vũ khí ngụy trang dưới một nhạc cụ. Khi xung trận, cây sáo biến thành một thanh kiếm, một đoản côn có sức sát thương kinh khủng”.
Ông Quân chia sẻ, đã có nhiều khách Nhật Bản và Trung Quốc ghé qua “tệ xá” để chiêm ngưỡng những cây “xà beng” của ông. Họ cầm lên, thổi thử nhưng chỉ thổi được một đoạn đã hụt hơi. Khi nghe ông thổi sáo, họ vô cùng thán phục về nội lực phi thường của truyền nhân võ Việt.
Nỗi lo thất truyền
Nói chuyện với PV, võ sư Trịnh Như Quân buồn rầu: “Trong các đệ tử của tôi, nhiều người giỏi võ nhưng tiếng sáo còn “non” lắm. Tiếng sáo của họ chưa đạt được đến độ siêu đẳng. Khi biểu diễn một bài võ sáo, tiếng sáo và những thế võ phải hòa làm một. Nói gở chứ nếu sau này tôi “hai năm mươi” thì không biết môn võ này sẽ đi đến đâu nữa”.
Vị võ sư này tiết lộ, học võ khó một nhưng học để biểu diễn được sáo khó gấp mười lần. Bởi vì, học sáo còn liên quan đến nghệ thuật, chỉ cần sai một âm thì có thể hỏng cả bài. Do sức nặng của cây sáo quá lớn nên để biểu diễn được một bài hoàn chỉnh thì phải cần sức bền. Chỉ những người có nội công thâm hậu mới có thể lấy hơi và giữ hơi khi thực hiện cả bài. Chính vì thế, tìm được mười người học võ để đào tạo thành võ sư thì dễ chứ kiếm được một người học sáo thì khó ngang lên trời.
Văn Chương – Mai Hằng
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]lBNxseVtln[/mecloud]