(ĐSPL) - Tiếp xúc với các bệnh nhân tim không phải là ít nhưng câu chuyện về hai bệnh nhân tim tại bệnh viện Tim Hà Nội thực sự khiến tôi phải nhớ.
Nhớ vì họ, một là bệnh nhân nước ngoài, một là bệnh nhi nghèo nhưng đều rơi vào tình cảnh nguy cơ tử vong đến bất cứ lúc nào.
Đặc biệt là bệnh nhân nhi Chẻo Phàn Mẩy, người Dao (tỉnh Lai Châu) đang được điều trị tại đây. Cháu may mắn hơn hàng nghìn trẻ em tim bẩm sinh khác vì được phát hiện và phẫu thuật mặc dù bố mẹ con chưa có bất cứ một đồng viện phí nào lúc nhập viện.
Và trường hợp người Lào được cứu sống thần kỳ mà chúng tôi đề cập trong bài viết này cũng rất ly kỳ...
Một ca phẫu thuật tim (Ảnh minh họa) |
Tình huống ngàn cân treo sợi tóc của bệnh nhân đến từ Lào
May mắn, tôi được PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội giới thiệu cho gặp trực tiếp bác sỹ thực hiện hai ca bệnh trên. Cởi mở và thân thiện là cảm giác đầu tiên tôi cảm nhận được khi gặp TS. Nguyễn Sinh Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội.
Ông kể về hai ca bệnh trên đầy đủ, chi tiết, rành mạch bởi đó là hai ca khó và nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân cực cao, nếu không được phẫu thuật ngay.
Bác sỹ Hiền bắt đầu câu chuyện với tôi về trường hợp bệnh nhân nam người Lào, 58 tuổi. Lúc vào viện, bệnh nhân này chỉ nói được một vài câu tiếng Việt bập bõm. Theo như chia sẻ của bệnh nhân, hiện bệnh nhân đang là Phó Giám đốc sở Nông nghiệp tại một tỉnh của Lào.
Vị này cũng đã có thời gian học tập tại đại học Thuỷ lợi. Bệnh nhân được một nhóm sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam đưa đến viện trong tình trạng hơi thở rất khó khăn, liên tục đau ngực.
Bệnh nhân cho biết, ông đã đến một viện và chụp phim với kết quả toàn bộ động mạch chủ ngực giãn to chiếm hết lồng ngực bên trái. Động mạch bị phồng to hơn bình thường hàng chục lần.
Đặc biệt, động mạch bị phồng to có thể vỡ bất kỳ lúc nào, nếu vỡ, người bệnh sẽ bị tử vong ngay lập tức. Bệnh nhân muốn sống phải mổ thay toàn bộ động mạch chủ đó bằng mạch nhân tạo.
Bác sỹ Hiền cho biết: “Bệnh cần phải phẫu thuật gấp. Tuy nhiên, trường hợp này đặt ra hai vấn đề khó khăn đó là đường mổ và biến chứng tổn thương thần kinh. Thông thường, để phẫu thuật động mạch chủ ngực, người ta đi một đường, hoặc ở phía trước ngực dọc xương ức hoặc là đường ngực bên.
Nhưng ở đây, do khối phồng của bệnh nhân quá to và quá dài, kéo dài từ quai động mạch chủ đến hết đoạn xuống chỗ tiếp giáp cơ hoành nên có thể phải phối hợp cả hai đường mổ trên, như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng hô hấp.
Đi được một đường là tốt nhất nhưng như vậy rất khó cho thao tác phẫu thuật vì trường mổ sẽ rất hẹp. Khó khăn thứ hai là khi thay toàn bộ đoạn động mạch chủ này sẽ có nguy cơ cao liệt tuỷ vì nó làm tổn thương các nhánh động mạch nuôi tuỷ sống, khi đó nửa dưới cơ thể sẽ liệt.
Mặc dù chúng tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm phẫu thuật động mạch chủ nhưng trường hợp phồng với kích cỡ khổng lồ như vậy thì đây là trường hợp đầu tiên. Một số nguy cơ khác như chảy máu, nhiễm trùng, thiếu mãu lên não khi phẫu thuật là cực kỳ cao”.
Được biết, sau đó, bệnh nhân được thay một đoạn mạch nhân tạo đường kính 2,6cm, dài 30cm. Sau mổ một ngày, bệnh nhân tỉnh dậy và rất may là không bị liệt bởi các nhánh mạch nuôi tuỷ sống đã được bảo tồn, ngoài ra cũng không có bất cứ biến chứng nào khác.
“Khi bệnh nhân ra viện, tôi có hỏi bệnh nhân là tại sao không sang Thái Lan mổ, ông nói là biết đến bệnh viện Tim Hà Nội thông qua các sinh viên Lào đang học tập ở Việt Nam khiến bản thân chúng tôi thực sự bất ngờ”, bác sỹ Hiền tâm sự.
Kỳ diệu em bé thoát chết sau 4 ngày mổ mới đóng được xương ức
Bác sỹ Hiền tiếp tục chia sẻ về một trường hợp trẻ sơ sinh đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức Nhi của bệnh viện. Ấn tượng mạnh với tôi đầu tiên là hoàn cảnh các y bác sỹ phát hiện ra tình trạng nguy kịch của em bé này.
Bác sỹ Hiền kể lại: “Bệnh viện thường tổ chức các chuyến khám bệnh từ thiện, đi tới vùng sâu vùng xa sàng lọc bệnh nhân tim mạch. Ngoài ra còn hướng dẫn các nhân viên y tế ở đây cách phát hiện người mắc bệnh tim, đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ.
Trong chuyến đi khám vào giữa tháng Tám, các y, bác sỹ đã phát hiện cháu Chẻo Phàn Mẩy, 20 ngày tuổi, người dân tộc Dao (tỉnh Lai Châu) đang trong tình trạng bệnh cực kỳ nặng, khó thở và tím tái toàn thân.
Ngay lập tức, cháu được chuyển về bệnh viện Tim Hà Nội và sau đó phát hiện cháu bị chuyển vị đại động mạch với vách liên thất kín”. Theo đó, các động mạch đi ra từ tim của bé đảo lộn vị trí hoàn toàn so với bình thường, hay động mạch bị “cắm” nhầm chỗ.
Với những trẻ như vậy thường sẽ bị tử vong vài ngày đầu sau sinh do cơ thể thiếu ôxy. Không những vậy, khi siêu âm và chụp cắt lớp, các bác sỹ còn phát hiện có những nhánh động mạch lớn bất thường đi từ động mạch chủ tới cấp máu cho phổi (MAPCAs), tổn thương này khiến cho tình trạng bệnh nhân thêm trầm trọng và quá trình điều trị càng thêm phức tạp.
Đến giờ, bác sỹ Hiền vẫn còn nhớ ca mổ kéo dài 4 tiếng đồng hồ với kính lúp để chuyển lại vị trí các đại động mạch, mạch vành và xử lý các MAPCAs cho bé gái này. Lúc phẫu thuật em mới 28 ngày tuổi.
Bác sỹ Hiền tâm sự: “Kỹ thuật mổ với bệnh này đã khó mà gây mê, hồi sức với trẻ sơ sinh nhẹ cân, ít ngày tuổi như vậy cũng vô cùng khó khăn. Các hệ cơ quan cũng chưa hoàn thiện, khi sửa chữa lại toàn bộ như vậy, chức năng các buồng tim bị thay đổi đột ngột có thể dẫn đến suy tim và tử vong.”.
“Thường những bệnh nhân này phải được mổ ngay trong hai tuần đầu sau sinh nhưng cháu bé này lại được phát hiện và phẫu thuật muộn. Đó cũng là một yếu tố tiên lượng nặng. Cũng rất may là ca mổ đã diễn ra suôn sẻ. Sau khi mổ, xương ức của cháu không được đóng ngay mà phải để mở 3 ngày cho tim có thể thích nghi. Đến ngày thứ 4, xương ức mới được khép lại”.
Để mục sở thị PV đã đến khoa Hồi sức Nhi để tìm hiểu. Sau một loạt hướng dẫn về các biện pháp cần thiết để đảm bảo tuyệt đối vô trùng, an toàn của thạc sỹ, bác sỹ Vương Hoàng Dung, Phụ trách khoa Hồi sức Nhi, tôi hiểu rõ hơn sự hồi sinh kỳ diệu của bé gái người Dao.
Đôi mắt lim dim, mái tóc đen nhánh và làn da đã trở nên hồng hào hơn, Chẻo Phàn Mẩy (hiện 32 ngày tuổi) đã được rút ống nội khí quản để tự thở. Bác sỹ Vương Hoàng Dung khẽ khàng chạm vào người bé gọi nhẹ “con tỉnh dậy ngó cô chút nào”. Tất cả chúng tôi đều đi thật khẽ để quan sát em bé. Đôi mắt của Mẩy từ từ mở ra, đen láy.
Các y, bác sỹ nhớ như in ngày bé nhập viện, ngày 20/8 với cân nặng chỉ 3kg và toàn thân tím tái. Sau cuộc phẫu thuật, các y, bác sỹ tại khoa Hồi sức Nhi phải “chạy đua” từng ngày theo từng diễn biến các chỉ số sinh tồn của bé.
Đều đặn một tiếng một lần, điều dưỡng phải giúp bé trở mình, 2 tiếng một lần con được thay bỉm. Liều lượng thức ăn, thức uống hàng ngày được tính bằng mililit.
Theo tìm hiểu của PV, không những thực hiện phẫu thuật kịp thời cho Chẻo Phàn Mẩy mà các y, bác sỹ bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã nỗ lực tìm kiếm các Mạnh Thường Quân hỗ trợ kinh phí phẫu thuật, điều trị cho em.
Lưu ý của bác sỹ và cách phát hiện trẻ bị tim bẩm sinh sớm Theo các bác sỹ tại bệnh viện Tim Hà Nội, phát hiện và điều trị sớm các dị tật tim bẩm sinh là yếu tố quyết định để chữa khỏi bệnh lý này ở trẻ nhỏ, giúp các cháu có cơ hội phát triển bình thường như những trẻ nhỏ khác. Hiện nay với kỹ thuật hiện đại, việc sàng lọc trong thời kỳ bào thai và sơ sinh đã giúp phát hiện được rất nhiều các dị tật bẩm sinh trong đó có dị tật tim mạch. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, vẫn có nhiều cháu được phát hiện muộn bệnh tim bẩm sinh, ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị và tiên lượng. Các bà mẹ cần chú ý đưa con đi khám nếu thấy trẻ tím tái, khóc khi bú, hay bị viêm phổi, tím môi, tím các đầu chi. Thời điểm tốt nhất là 5-7 ngày đầu tiên sau sinh. |
ĐỖ THƠM
Xem thêm video:
[mecloud]sSA3zys0Hs[/mecloud]