(ĐSPL) - Hoạt động "bảo kê đường sông" đang trở thành miếng mồi béo bở của đám "cô hồn" núp bóng "hà bá" nhăm nhe "cướp cơm" của những người lao động lương thiện trên sông.
Ngoài những mánh khóe để "móc ruột" lòng sông, "giành máu, chiếm địa bàn", xử nhau bằng luật rừng khi tranh giành lãnh địa khiến lòng sông khắp miền Bắc trở thành nơi thanh trừng tàn khốc của các nhóm cát tặc thì "bảo kê đường sông" cũng nhức nhối không kém.
Hoạt động này đang trở thành miếng mồi béo bở của đám "cô hồn" núp bóng "hà bá" nhăm nhe "cướp cơm" của những người lao động lương thiện trên sông.
Dọc tuyến sông Hồng có tầm 70km nhưng có đến cả chục công ty cứu hộ án ngữ để "trấn" các phương tiện qua lại. |
"Cô hồn" đi... "cứu nạn, cứu hộ"
Món lợi của cát đối với cát tặc thì ai cũng rõ nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng đưa được về đến bến bãi. Bởi, đường sông không như những con đường đến cạn. Đi được đường sông, kể cả cát tặc cũng cần phải có kinh nghiệm và hiểu được "con nước" khác nhau.
Vào mùa khô, nước xuống thấp, lòng sông Hồng để lộ cồn bãi và nhiều chướng ngại vật đe dọa an toàn đường thủy nội địa. Các tàu thuyền di chuyển, gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các tàu thuyền có trọng tải lớn. Vì thế, nhiều lúc, lái tàu phải đi sai luồng, dẫn đến mắc cạn.
Và, những tàu thuyền mắc cạn này chính là những con mồi "ngon" để "cô hồn" thực hiện các dịch vụ "cứu hộ, cứu nạn". Nó "mọc" lên như nấm sau mưa.
Video: Dân khốn khổ vì 'cát tặc' hoành hành:
Chung "Bảy", Sơn "điếu" và đám đàn em của Thịnh "đen" là những cư dân của sông nước nên không tránh khỏi việc trở thành mồi ngon của đám "cô hồn", giang hồ bảo kê sông nước.
Theo "thống kê" của Sơn "điếu", dọc tuyến sông Hồng từ Phú Thọ về Hà Nội, khoảng 70 - 75km nhưng có đến gần chục công ty cứu hộ, cứu nạn và nhiều dịch vụ hoa tiêu khác hoạt động. Tất nhiên, trong số này, cũng có công ty làm ăn chân chính, song nhiều công ty không cạnh tranh nổi, nên đã chọn cách làm ăn không lành mạnh, hành xử theo luật rừng để giành quyền cứu hộ.
Sơn "điếu" vẫn nhớ, vào mùa khô năm 2007, thuyền mắc cạn tại khu vực Chèm (Hà Nội), chuyến hàng về Hải Dương có nguy cơ bị phạt hợp đồng. Gọi được cứu hộ kịp thời, thời gian muộn không ít, có thể đàm phán với đối tác được, thiệt hại ít hơn.
Thế nhưng, khi Sơn "điếu" chưa kịp gọi cứu nạn, ngay lập tức có đến 5 - 6 công ty cứu hộ đến đề nghị giúp đỡ. Chưa biết chọn bên nào, các "đội cứu nạn" đã "tích cực" vác dao kiếm, thậm chí là dọa đốt tàu nếu không chịu thuê họ.
Lúc đó, thế lực của công ty TNHH cứu nạn cứu hộ T.Đ. do Báu "Cửu" "chỉ huy" là lớn nhất. Chẳng nói, chẳng rằng, Báu "Cửu" trực tiếp "cầm quân" sẵn sàng "chiến", buộc Sơn "điếu" phải thuê. Muốn an toàn, Sơn "điếu" buộc phải ký hợp đồng cứu hộ, cứu nạn dài hạn với công ty này.
Ngoài ra, hàng tháng, Sơn còn phải nộp thêm phí "dọn đường". Tranh giành thuyền gặp nạn bằng vũ lực, "làm luật" với các phương tiện giao thông đường thủy,... kiểu "cứu hộ, cứu nạn" của đám "cô hồn" trên sông Hồng, đang hoạt động khá sôi động.
Một chiếc thuyền nhỏ (khoanh tròn)của lực lượng cứu hộ ra “thu tô” theo định kỳ. |
Đối với nhiều chủ thuyền, tàu, việc chọn các công ty cứu hộ cứu nạn tư nhân kiểu giang hồ này, nhiều lúc còn "an toàn" hơn. Bởi cứu hộ bình thường rất chậm, lại thiếu kinh nghiệm sông nước.
Trong khi đó, các công ty tư nhân, ngoài việc "bảo kê" ra, việc cứu hộ, cứu nạn của họ cũng rất chuyên nghiệp và nhanh chóng.
Suốt hành trình, dọc tuyến sông Hồng, một trong những tuyến sông có mật độ tàu thuyền lớn nhất miền Bắc, các chủ tàu thường phải cắn răng để "được" ký hợp đồng "cứu hộ" dài hạn và... đóng tiền trước với đám "cô hồn" để tìm sự an toàn.
Sơn "điếu" cũng như các chủ tàu, thuyền khác, biết là vô lý nhưng vẫn phải nộp tiền, vì nếu không có hợp đồng, không may gặp nạn, chi phí cứu hộ có thể lên đến vài chục triệu đồng.
Không chỉ vậy, nhiều lúc, gọi không đúng công ty "bảo kê đường sông", các nhân viên cứu hộ sẵn sàng "đao búa" ngay trên tàu của mình, cũng chẳng khác nào tự rước nạn lên thuyền. Đối với sông nước mênh mông, lúc đó, gọi được lực lượng chức năng đến giải quyết thì tàu cũng tan nát... lâu rồi.
"Lá cờ ma" và nỗi khiếp sợ với cuộc chiến sông nước
Đối với các "cô hồn" chuyên về cứu hộ cứu nạn đường sông, đều có trụ sở ở trên bờ với đầy đủ các chức danh như: Giám đốc, phó giám đốc, kế toán... thậm chí là chủ tịch HĐQT. Thế nhưng, đa số trụ sở các công ty này là "trụ sở ma". Khi cơ quan chức năng có việc cần liên hệ, chỉ có nước... xuống sông mà tìm.
Nhiều công ty, giám đốc cũng chỉ là danh nghĩa, không báo cáo tài chính, không thực hiện nghĩa vụ thuế. Để khẳng định "chủ quyền" của mình, mỗi công ty tự đặt ra một loại cờ có màu sắc riêng, cắm trên các phương tiện vận tải.
Tàu thuyền đi qua địa bàn hoạt động của công ty nào, công ty đó thực hiện cứu hộ, cứu nạn, nếu đóng phí theo tháng rồi, không phải trả thêm tiền, hoặc chỉ phải bồi dưỡng chút ít. Chủ tàu thuyền nào không đóng phí theo tháng, chẳng may bị mắc cạn, chi phí trục cạn có khi lên tới vài chục triệu đồng.
Một số tên tuổi đã in hằn trong đầu Sơn "điếu" là công ty TNHH cứu hộ, cứu nạn Th.Ph.; công ty H.N.; công ty đầu tư thương mại B.Đ.; công ty Th.L.; công ty H.H. và công ty S.H.... Việc quá nhiều đơn vị làm ăn dẫn đến sự cạnh tranh lớn, không lành mạnh, nghĩa là sẵn sàng cãi cọ, đánh nhau để giành quyền cứu hộ.
Giá cứu hộ cũng cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài thu tiền theo hợp đồng lớn, các chủ thuyền phải đóng "lượt nhỏ" (tức lượt tàu thuyền qua lại), hiện nay trung bình từ 100.000 - 200.000 đồng/lượt qua. Mỗi công ty chọn một khúc sông để ngồi "trấn ải".
Tính nhanh, từ Phú Thọ về đến bãi của mình, mỗi chuyến Sơn "điếu" đều mất khoảng gần 1 triệu đồng tiền "đi đường". Đó là chưa nói đến các khoản "bịt miệng" các "thầy".
Những "trận chiến" trên dòng sông Hồng của các công ty cứu hộ cứu nạn nhiều đến mức, có thời kỳ như cơm bữa. Đám "cô hồn" theo chân các đại ca thực hiện cuộc chiến tàn khốc, giành lãnh địa để "cứu hộ".
Trong các nhóm "chiến" nhau trên sông, ám ảnh nhất đối với Sơn "điếu" và Chung "Bảy" vẫn là cuộc chiến của nhóm Toàn "cụt" (công ty B.Đ. và H.N.) với nhóm của Xuyên "râu" (công ty Th.Ph.). Hai nhóm này đánh, chém nhau không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn không phân thắng bại, không phân định được ranh giới địa bàn.
"Hăng tiết", nhóm của Xuyên "râu" quyết định "chiến" một trận sinh tử trên sông. Hai đám "cô hồn" đem hàng loạt các loại "súng ống" thi thố nhau. Xuyên "râu" quyết định chơi bài "độc", khi tuyên bố, nếu Toàn "cụt" không nhường địa bàn, Xuyên sẽ mua cả "thuyền lựu đạn" ra "ốp" nhóm của Toàn "cụt".
Tiếp đó, Xuyên "râu" tổ chức đánh nhau với nhóm Toàn "cụt" làm 2 người bị thương. Đến cuối năm 2014, nhóm của Toàn "cụt" bị cơ quan chức năng triệt phá, khu vực sông Lô lại nổi lên nhóm của Tuấn "Hùng" (tức Vũ Xuân Tuấn, SN 1979, trú tại Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ). Cũng với thủ đoạn núp bóng bảo kê, Tuấn "Hùng" lại tiếp tục tác oai tác quái. Sơn "điếu" và Chung "Bảy" cũng coi Tuấn "Hùng" như một nỗi khiếp sợ không của riêng ai vùng sông nước.
Ngoài những "cuộc chiến" công khai, các công ty "bảo kê đường sông" sẵn sàng chơi đủ "bài bẩn" để tranh giành "khách". Thậm chí, theo Sơn "điếu", đám "cô hồn" không từ thủ đoạn nào.
Họ dùng cả tàu không số để đâm, va vào tàu "lạ" khi đang "lởn vởn" quanh khu vực mà các chúng "bảo kê", không đóng tiền "phế". Khắp các đoạn sông, đều có các "ông trùm" trấn giữ, băng này vừa bị triệt phá, nhóm khác lại nổi lên.
Triệt phá nhóm cưỡng đoạt tài sản trên sông Hồng Thông tin từ phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP.Hà Nội, đơn vị này đã nhiều lần điều tra, khám phá ổ nhóm tội phạm núp bóng công ty cứu hộ, cứu nạn để ép thuyền, cưỡng đoạt tài sản của các tàu thuyền qua lại. Trong số đó có công ty TNHH cứu nạn, cứu hộ T.Đ. do Đỗ Mạnh Báu, tức Báu "Cửu" (SN 1963, trú tại xóm 6, xã Đông Ngạc, Từ Liêm) cầm đầu. Đây là đối tượng lưu manh, chuyên ép các tàu thuyền qua lại phải đóng tiền "cứu hộ, cứu nạn". Nếu không đóng, bọn chúng sẽ sử dụng vũ lực để uy hiếp các chủ phương tiện. Cơ quan công an đã thu giữ 11 quyển hóa đơn thu tiền các tàu thuyền qua lại trên sông Hồng, địa phận Chèm, Từ Liêm và các loại giấy tờ liên quan đến hoạt động cưỡng đoạt tài sản của công ty này. |
Kỳ tới: Những thủ đoạn bịt mắt chính quyền