+Aa-
    Zalo

    Kỳ 23: Viêm tụy hoại tử, thủng đại tràng, hai lão bà thoát chết kỳ lạ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hai bệnh nhân đều lớn tuổi, và tiền sử có rất nhiều bệnh tật chưa được chữa khỏi. Khi được chuyển tới bệnh viện, cả hai trường hợp đều rất nguy kịch.

    (ĐSPL) - Hai bệnh nhân đều lớn tuổi, và tiền sử có rất nhiều bệnh tật chưa được chữa khỏi. Khi được chuyển tới bệnh viện, cả hai trường hợp đều rất nguy kịch, mạng sống chỉ còn tính bằng phút. Trong đó một bệnh nhân bị nhiễm trùng do thủng đại tràng, một bệnh nhân khác được xác định bị viêm tụy hoại tử. Căn bệnh viêm tụy được xem là cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng…

    Suýt chết vì viêm tụy hoại tử

    Trường hợp của bà Đặng Thị C. (SN 1946, ngụ thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), có lẽ là ca bệnh khó quên nhất với đội ngũ y bác sỹ bệnh viện Bình Dân TP.HCM. Bởi ca bệnh có nhiều triệu chứng bất thường, kèm theo việc viêm tụy hoại tử rất nguy hiểm. Tuy vậy, các bác sỹ cũng đã cứu chữa thành công, sau nhiều ngày bà C. nhập viện thở máy.

    Theo người nhà bà C., sau khi được cứu chữa ở bệnh viện Bình Dân, TP.HCM đến nay bà vẫn sống tốt và không còn biến chứng nữa. Trao đổi với PV, anh Nguyễn Tấn Đ. (SN 1982, con trai của bà C.) cho biết: “Trước khi phát bệnh, mẹ tôi có triệu chứng mệt mỏi và đau nhức trong người. Thấy tình trạng bệnh tình của bà ngày càng nặng nên chúng tôi đưa đến trạm y tế khám và lấy thuốc uống. Tuy nhiên, uống biết bao nhiêu liều thuốc vẫn không khỏi. Sợ chần chừ sẽ nguy hiểm nên chúng tôi đưa bà đi cấp cứu ở bệnh viện Bình Dân, TP.HCM vào ngày 26/5/2014”. “Mấy ngày đầu các bác sỹ cho biết, tình trạng của mẹ tôi rất nguy kịch, nhưng họ chưa thể kết luận chính xác là bà mắc bệnh gì. Chờ mãi đến 3-4 ngày sau, khi có kết quả kiểm tra xét nghiệm các bác sỹ bất ngờ nói mẹ tôi bị viêm tụy hoại tử, sự sống chỉ còn lại khoảng 20\%.

    Ảnh minh họa.

    Mọi người bàn tán bệnh tình của mẹ tôi đã vô phương cứu chữa, nên anh em chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý... Nói như vậy, không phải là bỏ cuộc, vì thương mẹ nên chúng tôi nghĩ “còn nước, còn tát”, đặt niềm tin vào 20\% sự sống còn lại của mẹ cho các bác sỹ bệnh viện.

    Sau mấy ngày nỗ lực cứu chữa của các bác sỹ, sức khoẻ mẹ tôi đã có dấu hiệu khôi phục. Lúc đó, các bác sỹ nói, họ cũng không ngờ ca điều trị lại đạt được thành công như vậy”, anh Đ. cho biết thêm.

     Chia sẻ về cuộc sống của bà C. sau xuất viện, anh Đ. nói tiếp: “Gia đình chúng tôi biết ơn các bác sỹ bệnh viện Bình Dân lắm. Cũng may nhờ sự cứu chữa tận tâm của họ, nếu không mẹ tôi đã không qua khỏi trong lần ấy rồi.

    Thời gian sau khi xuất viện, sức khỏe mẹ tôi có yếu hơn trước, nhưng không còn bị chứng viêm tụy hoành hành nữa. Gia đình chúng tôi có bốn anh em, tôi là con út trong gia đình nên được phân công chăm sóc mẹ.

    Thời gian gần đây, do tuổi già nên tiêu hóa không được tốt, thi thoảng bà lại bị đau bụng, ăn khó tiêu. Chắc khoảng vài tuần tới tôi sẽ đưa bà đến bệnh viện Bình Dân kiểm tra sức khỏe”.

    Các bác sỹ bệnh viện Bình Dân cho biết, bệnh nhân C. được chẩn đoán viêm tụy hoại tử, sỏi túi mật. Ngay sau khi thăm khám kỹ, bệnh nhân được đưa đến khoa hồi sức cấp cứu để cứu chữa qua nguy kịch.

    Ngày 27/5 bệnh nhân vẫn đau dữ dội, bụng trướng, mạch tăng. Đến ngày 29/5 bệnh nhân sốt cao 39,50C, mạch 160 lần/phút, nước tiểu ít, khó thở và sốc nhiễm trùng máu, suy thận, suy đa cơ quan. Bệnh nhân được đổi kháng sinh mạnh liên tục trong vòng 14 ngày, mỗi ngày 3 lọ mới qua nguy kịch.

     Từ ngày 29/5 đến ngày 9/6, bệnh nhân được chụp CT lại thì thấy bị viêm tụy hoại tử rải rác, dịch hố tụy lượng vừa, mức độ hoại tử 30\%, tràn dịch màng phổi hai bên lượng vừa, sỏi túi mật. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy.

     Sau khi hội chẩn tham vấn tổng quát, cho bệnh nhân điều trị nội khoa, hồi sức tích cực, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, lọc máu liên tục cho bệnh nhân thì tình trạng bệnh tật mới qua khỏi.

    Bác sỹ Nguyễn Thanh Phương, khoa Hồi sức cấp cứu II bệnh viện Bình Dân cho biết: “Ngày 31/5, bệnh nhân được ngưng lọc máu, điều chỉnh rối loạn đông máu, truyền plasma tươi, hồng cầu lắng. Đến ngày 5/6 chụp CT lại cho bệnh nhân thì viêm tụy hoại tử còn rải rác, mức độ hoại tử 20\%, dịch ổ bụng lượng vừa, dịch màng phổi hai bên lượng vừa.

     Một ngày sau bệnh nhân bắt đầu ăn đường tiêu hóa lượng nhỏ tăng dần, chức năng thận được cải thiện rất tốt. Đến ngày 20/6 thì bệnh nhân khỏe lại, được xuất viện về nhà”.

    Ca “sốc” nhiễm trùng hi hữu

    Cho đến bây giờ, người thân gia đình cụ Phạm Thị P. (SN 1932, ngụ huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) vẫn chưa quên được giây phút sinh tử của cụ. Cụ P. bị mắc chứng sốc nhiễm trùng do thủng đại tràng, một ca bệnh hết sức nguy kịch. Các bác sỹ bệnh viện Bình Dân, TP.HCM cho biết, trường hợp của cụ P. tương đối phức tạp và nguy kịch.

     Ngày 30/6/2014, đột nhiên cụ P. thấy mệt, khó thở, mặt mày tím tái nên được người nhà chuyển đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) điều trị ba tuần. Sau đó bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện Bình Dân. Tại đây, bác sỹ hỏi căn nguyên, thì được biết trước đây cụ P. từng bị suy hô hấp, viêm phổi, phải thở bằng máy tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

    Khi bệnh tình chuyển nặng, người nhà đã xin chuyển qua bệnh viện Bình Dân để điều trị tiếp. Khi hỏi kỹ hơn thì mới biết ngoài các triệu chứng trên cụ P. còn bị thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp.

    Khi nhập viện, cụ P. bị sốt lên đến 390C, phù toàn thân, suy hô hấp phải bóp bóng qua nội khí quản. Tình trạng của cụ P. khi mới chuyển tới bệnh viện Bình Dân rất nguy kịch, nếu không kịp thời cứu chữa sẽ không qua khỏi. Sau khi thăm khám, các bác sỹ xác định, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng do thủng đại tràng sigma, hoại tử hồng tràng, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim, tăng huyết áp, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

    Tình trạng của cụ P. lúc ấy chỉ như ngàn cân treo sợi chỉ. Ngay sau đó bệnh nhân P. đã được hồi sức tích cực, cho kháng sinh mạnh liệu pháp xuống thang và theo kháng sinh đồ.

    Cụ P. được chăm sóc đặc biệt với việc thở máy kéo dài, khai khí đạo, vật lý trị liệu, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và khi tình trạng bụng ổn định được nuôi dưỡng nhỏ giọt qua ống thông. Sau khi tiến hành các bước điều trị, đến khi bệnh nhân tự thở được dễ dàng, tự ăn được bằng miệng thì được xem là đã ổn. Ngày 6/9/2014, sau khoảng thời gian hơn hai tháng, cụ P. đã được xuất viện. H.M – H.Đ (

    Viêm tụy cấp có thể gây tử vong

    Bác sỹ Nguyễn Thanh Phương, khoa Hồi sức cấp cứu II, bệnh viện Bình Dân TP.HCM, cho biết: “Tụy là một tạng nằm vắt ngang trên ổ bụng ngay sau dạ dày và có vai trò quan trọng trong tiêu hóa.

    Tụy là một tuyến tiết ra dịch tiêu hóa và hormone tiêu hóa. Viêm tụy cấp nếu không được phát hiện điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Có nhiều nguyên nhân gây viêm tụy cấp như sỏi mật làm tắc ống tụy; do quá trình uống rượu lâu dài; có thể gặp phải sau phẫu thuật ổ bụng, đặc biệt ở đường mật và dạ dày; hoặc viêm tụy cấp cũng có thể xảy ra sau bữa ăn thịnh soạn hay bị ngộ độc rượu cấp”.

    Hoàng Minh- Hải Đăng

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]k4g7ZVtJNn[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-23-viem-tuy-hoai-tu-thung-dai-trang-hai-lao-ba-thoat-chet-ky-la-a116657.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.