(ĐSPL) - Đều nhập viện trong tình trạng thở yếu, huyết áp thấp, cả hai trẻ một 1 tháng tuổi, một 13 tuổi đều có thể đối mặt với nguy cơ mất mạng. Tuy nhiên, với sự can thiệp, cấp cứu kịp thời của đội ngũ y bác sỹ trung tâm Nhi bệnh viện TW Huế, cả hai đều đã vượt qua cơn hiểm nghèo trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình các em.
Lọ thuốc suýt làm mất mạng em nhỏ
Trong các ca ngộ độc của trẻ em có lẽ trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ của em Lê Thị Th. (13 tuổi) nhà ở Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế là nặng nhất và được cứu sống hi hữu. Cho đến bây giờ, những người biết chuyện của em Th. vẫn chưa thể quên được giây phút mà em phải đối mặt với “thần chết” và vượt qua “kiếp nạn” này.
Một bác sỹ của BV đang đặt máy tạo nhịp tim cho trẻ sơ sinh. |
Người nhà của em tâm sự rằng: “Gia đình tôi vẫn nhớ như in cái ngày hôm đó, khi cả hai vợ chồng trở về nhà thì thấy cháu đang nằm giữa nhà có dấu hiệu tím tái mặt, nôn nhiều nên đã tức tốc đưa cháu lên bệnh viện cấp cứu. Nhà chúng tôi làm nghề nông nên có sử dụng thuốc diệt cỏ đựng trong chai nước nhỏ. Hôm đó vô tình để quên ở nhà, nào ngờ cháu Th. uống nhầm. Thấy chai thuốc diệt cỏ vơi đi một nửa, chúng tôi mới tá hỏa bởi vì loại thuốc hóa học này có độc tố cực kỳ mạnh”.
Kể lại cảm giác lúc nhập viện, cháu Th. cũng cho biết: “Lúc đó đầu cháu đau nhức, bụng đau quằn quại, mê man chỉ biết ba mẹ đưa vào viện và loáng thoáng nghe các bác sỹ nói chuyện rồi cháu cũng mê man, không biết gì. Đến bây giờ nhìn thấy chai nước đựng thuốc diệt cỏ cháu vẫn còn ám ảnh. Rất may nhờ có các bác sỹ cứu chữa kịp thời mà nay sức khỏe cháu đã trở lại bình thường, có thể tiếp tục được đi học”.
Cả ê-kíp bác sỹ, y tá khoa Cấp cứu hồi sức nhi bệnh viện TW Huế vẫn không thể quên trường hợp thoát chết có thể nói là may mắn của em Th..
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bác sỹ Lê Thị Công Hoa, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nhi – sơ sinh, trung tâm Nhi cho biết: “Em Th. nhập viện trong tình trạng ngộ độc rất nặng. Có dấu hiệu suy thận nặng, huyết áp giảm nhanh, hiện tượng co giật. Được gia đình cho biết, em vừa uống nhầm thuốc diệt cỏ, cả ê-kíp đều nhận thấy nếu không xử lý kịp thời, bệnh nhân khó có thể giữ được mạng sống. Đặt máy thở xong, chúng tôi tiến hành súc dạ dày, rửa ruột cho em Th., đồng thời tiến hành lọc máu để loại bỏ chất độc. Bằng mọi nỗ lực của tập thể y bác sỹ, em Th. đã qua cơn nguy kịch, dần dần hồi tỉnh. Sau đó chúng tôi chuyển em sang phòng Hồi sức để tiếp tục điều trị. Sau một tuần, sức khỏe em đã hồi phục”.
Nhắc đến những ca ngộ độc trẻ em ở đây, bác sỹ Hoa cho biết thêm: “Những ca ngộ độc của trẻ em khoa tiếp nhận đa phần đều là ngộ độc thực phẩm, song như trường hợp của em Th. nếu không nhanh chóng phát hiện, đưa em đi cấp cứu kịp thời thì tình hình sẽ trở nên khó kiểm soát hơn, tỉ lệ sống sót rất thấp”.
Điều đáng nói chính là tinh thần làm việc nhiệt tình, có trách nhiệm của đội ngũ y bác sỹ ở đây, khi mà mật độ công việc nói chung và những ca cấp cứu nói riêng của khoa khá dày đặc.
Ngoài khoa Cấp cứu đa khoa can thiệp ra thì trung tâm Nhi khoa của bệnh viện TW Huế là nơi tiếp nhận lượng bệnh nhân đông nhất cả khu vực miền Trung. Trao đổi với PV báo ĐS&PL về tình trạng quá tải này, bác sỹ Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc trung tâm Nhi bệnh viện TW Huế cho biết: “Hiện tại, số lượng bệnh nhân của trung tâm có khoảng 350 bệnh nhân, trong đó có 70 trường hợp là phải điều trị ở khoa Hồi sức cấp cứu, 50 ca là trẻ sơ sinh trong khi tổng số cán bộ, y bác sỹ của trung tâm là 130 người. Có thể nói sức ép công việc khá lớn bởi cấp cứu cho 50 ca trẻ sơ sinh tương đương với công việc cấp cứu cho 150 ca ở các khoa khác do đặc thù của trẻ sơ sinh rất yếu, sức khỏe diễn biến khó lường. Tuy nhiên, các y bác sỹ trung tâm Nhi luôn phấn đấu làm việc với trách nhiệm cao, để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người bệnh”.
Bé trai 1 tháng tuổi thoát chết trong gang tấc
Đó là trường hợp của bé trai Nguyễn Minh Q. (hiện đang ở với cha mẹ tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mới được sinh ra vào cuối tháng 8/2015, nhập viện vào ngày 17/9 do sặc sữa.
Nhắc lại sự việc này, gia đình bé Q. vẫn chưa hết hoảng sợ vì bé được chuyển vào cấp cứu trong tình trạng tím tái và ngừng thở. Nhớ lại giây phút kinh hoàng đó, chị Phạm Thị My (mẹ bé Q.) không giấu nổi sự xúc động: “Sự việc hôm đó em vẫn nhớ từng chi tiết như nó vừa xảy ra, Q. là con đầu của gia đình em nên ai cũng thương yêu hết mực, nghe cháu xảy ra chuyện cả nhà chạy đôn chạy đáo, em thì như người mất hồn. Cháu nó bị sặc sữa cũng là lỗi của em một phần do còn thiếu kinh nghiệm... May mắn, nhờ có các bác sỹ đã cứu sống con em”.
Tường thuật lại ca cấp cứu “nghẹt thở” này, các bác sỹ ở đây cho biết: “Khi được gia đình đưa đến bệnh viện, cháu Q. đã ngừng thở, mặt tím tái. Nhận thấy đây là một ca phải nhanh chóng cấp cứu để giữ lấy mạng sống của bé, chúng tôi đã chẩn đoán ngay là cháu bị sặc sữa cho nên đã nhanh chóng thông đường thở của cháu bằng cách hút sữa ở mũi, hút dịch miệng, hầu họng rồi đặt ống thở cho cháu. Tiếp đó chúng tôi tiếp tục hô hấp nhân tạo. Điều kỳ diệu là sau đó cháu bé tiếp tục thở lại. Cũng may nhờ gia đình đưa cháu đến kịp thời vì việc ngừng thở một thời gian ngắn cũng đã khiến sự việc trở nên trầm trọng hơn và dễ để lại những di chứng sau này. Tiếp tục cho thở máy trong vòng một ngày và điều trị với kháng sinh, sức khỏe của Q. đã ổn định và ngày 28/9 cháu xuất viện”.
Theo tìm hiểu, việc sặc sữa ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh là do nhiều nguyên nhân như phương pháp cho con bú của các bà mẹ sai, cho con bú quá no hoặc do trẻ có dị tật bẩm sinh, trẻ bị đẻ non. Bị sặc sữa rất nguy hiểm, vì nếu không can thiệp cấp cứu kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong hoặc có cứu được cũng sẽ bị di chứng ở não, sống thực vật.
Nhằm tránh hậu quả xấu xảy ra khi trẻ dưới 2 tuổi bị sặc sữa, thức ăn, các bà mẹ trẻ có thể sơ cứu ở nhà bằng phương pháp vỗ lưng và ấn ngực. Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ bằng bàn tay trái.
Dùng tay phải vỗ năm cái thật mạnh vào lưng trẻ ở giữa khoảng hai bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu thấy trẻ còn khó thở, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh năm cái ở vùng nửa dưới xương ức hoặc dưới đường nối hai vú một đốt ngón tay. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực (khoảng 5 - 6 lần) cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.
Cập nhật phương pháp điều trị tiên tiến Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bác sỹ Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc trung tâm Nhi bệnh viện TW Huế cho biết: “Tại trung tâm Nhi khoa các ca trẻ bị tim bẩm sinh, nhiễm trùng, suy hô hấp sơ sinh luôn chiếm hơn nửa tổng số ca cấp cứu. Do đó, chúng tôi vẫn luôn cập nhật nhiều phương pháp chữa trị, trang bị máy móc hiện đại từ các nước Mỹ, Pháp và Nhật. Nhiều trường hợp trẻ sinh non thiếu chất, tim bẩm sinh chúng tôi quyết định kết hợp điều trị bệnh nhân cùng sự phối hợp của các bác sỹ Nhật Bản thông qua mạng Internet”. |
ĐINH TIẾN
Xem thêm video Tin tức:
[mecloud]zz5B6slJwZ[/mecloud]