(ĐSPL) - Sau khi đàm phán, thương lượng để tổ hợp nhà thầu Trung Quốc rút lui khỏi công trường, CTCP thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) đã chỉ định liên danh nhà thầu Việt – Mỹ thi công gói thầutuyến năng lượng đoạn 2.
Tuy những rắc rối với nhà thầu Trung Quốc khiến tổng vốn đầu tư dự án bị đội lên hơn 1.300 tỷ đồng nhưng tiến độ thi công đang rất khả quan. Dự kiến năm 2018, thủy điện Thượng Kon Tum sẽ hoàn thiện và đi vào vận hành.
Tiến độ thi công nhanh gấp 5 lần
Như đã đề cập ở bài trước, gói thầu tuyến năng lượng đoạn 2 (gồm việc đào đường hầm dẫn nước, xây dựng nhà máy, hầm xả, trạm phân phối điện …) là gói thầu trọng yếu của dự án thủy điện Thượng Kon Tum. Tuy nhiên do gói thầu bị chậm tiến độ nghiêm trọng và tổ hợp nhà thầu Trung Quốc dừng thi công toàn bộ các hạng mục nên VSH đã có nghị quyết chấm dứt hợp đồng với tổ hợp nhà thầu này. Bên cạnh đó, đại hội cổ đông thường niên năm 2015 của VSH cũng thống nhất chọn nhà thầu thay thế bằng phương thức chỉ định thầu.
Hệ thống máy TBM hoạt động liên tục và đạt được đúng tiến độ đề ra |
Ba nhà thầu được VSH chỉ định bao gồm: Công ty cổ phần xây dựng 47 (sau đây sẽ gọi là C47); Công ty cổ phần sông Đà 10 và Liên danh nhà thầu C47 và Robbins (Mỹ). Và, sau rất nhiều khó khăn, buổi kí kết hợp đồng thi công gói thầu tuyến năng lượng đoạn 2 với liên danh nhà thầu mới đã diễn ra vào ngày 25/5/2016. Theo đó, C47 sẽ tiếp tục thi công hạng mục đào 5 km đường hầm dẫn nước từ thượng lưu về hạ lưu. Liên danh nhà thầu C47 - Robbins sẽ thi công hạng mục đào hầm dẫn nước từ hạ lưu lên thượng lưu (đoạn dài hơn 12km) bằng máy TBM. Công ty cổ phần sông Đà 10 sẽ thi công các hạng mục hầm áp lực, buồng điều áp, hầm giao thông và hầm xả của thủy điện.
Theo báo cáo của ban lãnh đạo công ty VSH, liên danh nhà thầu Việt – Mỹ đã có nhiều thiện chí trong công tác chuẩn bị để có thể triển khai thi công gói thầu trong thời gian sớm nhất. Cụ thể C47 đã ứng tiền cho Robbins và Robbins đã trực tiếp mua lại máy TBM của tổ hợp nhà thầu cũ. C47 cũng mua lại của tổ hợp nhà thầu cũ toàn bộ vật tư, thiết bị phục vụ cho việc thi công TBM với số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Khi nhận bàn giao máy TBM từ tổ hợp nhà thầu Trung Quốc, máy đã bị hỏng hóc và hoen gỉ rất nhiều do bị vứt xó trong hầm. Sau 5 tháng sửa chữa, máy TBM đã hoạt động và chạy thử nghiệm.
Có mặt tại đoạn hầm xả (nằm trên địa bàn xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), phóng viên ghi nhận không khí làm việc khẩn trương của đội ngũ kĩ sư, công nhân. Sâu bên trong đường hầm, máy TBM hoạt động liên tục và từng khối đất đá được băng chuyền đẩy ra bên ngoài thành từng đống lớn. Tiếp tục di chuyển lên cửa hầm nhận nước (nằm trên địa bàn xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông), toàn bộ biển nước mênh mông trước kia đã được xử lý triệt để, các thiết bị đào hầm đang hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ.
Cửa hầm nhận nước trước đây là một biển nước mênh mông |
Ông Huỳnh An, Phó ban Quản lý dự án công trình thủy điện Thượng Kon Tum cho PV biết: “Cùng là máy TBM này nhưng khi tổ hợp nhà thầu Trung Quốc thi công, trung bình họ đào được 91m/tháng. Trong khi đó tổ hợp nhà thầu mới đào trung bình 500m/tháng, tức gấp 5 lần tiến độ trước đây. Riêng hạng mục hầm nhận nước từ thượng lưu về hạ lưu, trước đây khâu xử lý nước ngầm gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhà thầu mới khi tiếp nhận đã có biện pháp khắc phục triệt để. Quá trình thi công đang rất khẩn trương để hoàn thành kế hoạch, thậm chí vượt kế hoạch đề ra”.
Tiếp tục gặp rắc rối với nhà thầu Trung Quốc
Cũng theo thông tin từ phía VSH, trong quá trình thi công trước đó, thay vì tập trung xử lý vấn đề phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thi công thì tổ hợp nhà thầu Trung Quốc đã lợi dụng một số khó khăn xảy ra trên công trường như: Sự cố mất điện, tắc đường trong mùa mưa bão, vấn đề nước ngầm trong đường hầm … để nâng khống giá trị khối lượng bổ sung, phát sinh (nhà thầu Trung Quốc gọi là bồi thường) lên đến hơn 800 tỷ đồng.
Ấy thế nhưng, tất cả chưa dừng lại ở đó. Ông Huỳnh An cho hay: “Do những rủi ro trong quá trình xây dựng như: Việc thi công đường hầm dẫn nước gặp nhiều khó khăn; trạm phân phối điện bị sụp đổ và hư hỏng toàn bộ vào cuối năm 2013 … khiến cho dự án chậm tiến độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, thay vì làm việc với VSH để giải quyết những vấn đề này, tổ hợp nhà thầu đã lựa chọn viện dẫn một loạt vấn đề khác để tố VSH vi phạm hợp đồng nhằm tiến tới việc chấm dứt hợp đồng. Ngày 2/7/2014, tổ hợp nhà thầu Trung Quốc chủ động tuyên bố chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư”.
Sau khi ra tuyên bố chấm dứt hợp đồng, tới cuối tháng 7/2014, tổ hợp nhà thầu đã dừng thi công ở tất cả các hạng mục và sau đó không chịu hợp tác với chủ đầu tư trong vấn đề bàn giao hồ sơ tài liệu, vật tư thiết bị và công trình. Ngay cả khi VSH đã tìm được nhà thầu mới là liên danh Việt – Mỹ nhưng do tổ hợp nhà thầu Trung Quốc vẫn không chịu bàn giao công trường nên tiến độ thi công một lần nữa bị ảnh hưởng. Cuối cùng liên danh nhà thầu mới đã chủ động mua lại toàn bộ máy móc, thiết bị, vật tư cũng như những phần mà tổ hợp nhà thầu Trung Quốc đã làm được. Đến ngày 17/9/2015, tổ hợp nhà thầu Trung Quốc mới chịu bàn giao toàn bộ mặt bằng cho VSH và rút nhân lực ra khỏi dự án. Tuy nhiên, những tranh chấp về tài chính giữa VSH và nhà thầu Trung Quốc đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Bởi lẽ, ngay sau khi nhà thầu Trung Quốc tuyên bố chấm dứt hợp đồng khoảng 10 ngày, VSH đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng với tổ hợp nhà thầu do thi công chậm trễ và tự ý bỏ mặc công trình. Ngày 17/7/2014, VSH đã gửi 2 công văn đến Ngân hàng Trung Quốc, chi nhánh TP.HCM để thu lại tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng với số tiền hơn 8,6 triệu USD và tiền bảo lãnh tạm ứng với số tiền hơn 10,6 triệu USD (theo quy định khi kí kết hợp đồng giữa 2 bên, tổ hợp nhà thầu và chủ đầu tư cùng bỏ một số tiền vào ngân hàng gọi là tiền bảo lãnh hợp đồng và tiền bảo lãnh tạm ứng để đảm bảo cho cả hai bên thực hiện hợp đồng đúng cam kết. Khi có vấn đề gì liên quan tới vấn đề vi phạm hợp đồng, chủ đầu tư có quyền thu lại hai số tiền trên ).
Ngày 23/8/2014, tổ hợp nhà thầu Trung Quốc đã nộp đơn khởi kiện VSH trước trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) tại Hà Nội. Tổ hợp nhà thầu đã tố VSH vi phạm hợp đồng và yêu cầu được bồi thường số tiền khoảng 1.700 tỷ đồng. Hội đồng trọng tài sau đó được thành lập gồm có 3 trọng tài viên là: ông Peter H J. Chapman, luật sư người Anh do tổ hợp nhà thầu chỉ định, ông Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao do VSH chỉ định và ông Yasunobu Sato, giáo sư luật và là Chủ tịch hội Đồng trọng tài cho VIAC chỉ định.
Như vậy, ngoài việc phải chịu thiệt đơn thiệt kép bởi quá trình thi công chậm trễ do tổ hợp nhà thầu Trung Quốc gây ra, VSH còn bị lôi vào một vụ tranh chấp tài chính và tranh chấp pháp lý tốn nhiều thời gian và công sức.
Mừng vì dự án đã được tái khởi động Ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vui mừng khi trao đổi với PV: “Dự án thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên địa bàn huyện chúng tôi. Trước đây, việc nhà thầu Trung Quốc thi công chậm trễ không chỉ ảnh hưởng tới chủ đầu tư mà còn ảnh hưởng tới nguồn thu của tỉnh, do đó ảnh hưởng trực tiếp tới huyện. Khi được biết, dự án tái khởi động, lãnh đạo huyện rất vui mừng và tạo mọi điều kiện trong thẩm quyền để hỗ trợ chủ dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch”. |
(Còn nữa)
PHẠM VĂN