+Aa-
    Zalo

    Kỳ 2: Nơi tu luyện võ học của Lý Công Uẩn cùng những điều thần bí khó lý giải

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Tiêu Sơn tự (ở núi Tiêu, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là nơi vua Lý Công Uẩn sinh sống và học tập dưới sự giáo dục của thiền sư Vạn Hạnh.

    (ĐSPL)- Tiêu Sơn tự (ở núi Tiêu, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là nơi vua Lý Công Uẩn sinh sống và học tập dưới sự giáo dục của thiền sư Vạn Hạnh - đệ tử đời thứ 12 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

    Vị vua khởi nghiệp của triều Lý được giáo dục nổi danh thiên hạ về võ công và đức độ. Cho đến nay, một bài quyền pháp biến ảo, do đích thân Lý Thái Tổ sáng tạo vẫn còn được bảo lưu trong dân gian.

    Ngôi chùa chứa đựng nhiều bí ẩn

    Với lòng mong mỏi tìm về nơi sinh sống và học tập của vua Lý Thái Tổ, chúng tôi đến chùa Tiêu Sơn, một trung tâm Phật giáo cổ xưa của người Việt. Được biết, chùa Tiêu Sơn xưa còn có tên gọi là chùa Thiện Tâm, ngôi chùa có lịch sử ngàn năm tuổi nằm trên núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang. Đứng từ ngôi chùa này nhìn ra phía trước là những cánh đồng ruộng xanh ngút ngàn.

    Cảnh chùa thanh tịnh, rợp bóng cây xanh, nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm. Theo lời kể của các sư thầy ở chùa này thì trước đây, cánh đồng xanh ngút ngàn trước chùa Tiêu là dòng sông Tiêu Tương thơ mộng đầy chất thi ca. Dòng sông nay đã bị bồi lấp thành những cánh đồng màu mỡ, những xóm làng trù phú.

    Tiêu Sơn tự, nơi thiền sư Vạn Hạnh tu luyện.

    Trải qua hàng nghìn năm, Tiêu Sơn cổ kính vẫn giữ vị trí là trung tâm của Phật giáo cả nước. Nơi đây được nhiều thế hệ Phật tử tìm về tu học. Được biết, ngôi chùa này không chỉ là nơi tu thiền của thiền sư Vạn Hạnh nổi danh, nơi tu học của vua Lý Thái Tổ lúc thiếu thời mà hiện còn lưu giữ nhiều bí ẩn khó lý giải nhất về sự huyền bí của đạo Phật – đó là hiện tượng xá lợi toàn thân.

    Đến ngôi chùa này, nhiều người lặng người khi đứng trước bức tượng toàn thân của thiền sư Như Trí trong tư thế ngồi kiết già. Bức tượng này là một trong bốn bức tượng toàn thân của các thiền sư còn lại ở Việt Nam. Theo lịch sử Phật giáo, thiền sư Như Trí là người đã có công khắc in Thiền Uyển Anh vào năm 1715.

    Đây là bộ sử Thiền có giá trị trong kho tàng văn hoá Phật giáo nước nhà. Theo võ sư Nguyễn Văn Thắng – Chưởng môn phái Thăng Long Võ Đạo thì để đạt đến ngưỡng giới ngồi kiết già, đòi hỏi những bậc thiền sư phải luyện được khí công thượng thừa. Chỉ khi đó, các thiền sư mới làm chủ được linh hồn, năng lượng và thể xác để có thể viên tịch trong tư thế tọa thiền vững chãi.

    Cũng tại ngôi chùa cổ này, hiện còn lưu lại nhiều câu chuyện liên quan đến thiền sư Vạn Hạnh, người thầy của vua Lý Công Uẩn thuở thiếu thời. Văn bia của chùa cũng ghi công trạng của thiền sư nổi danh này. Thông thường, đối với các bậc thiền sư, ngay cả như thiền sư Vạn Hạnh thì cuộc đời luôn chứa đựng nhiều bí mật.

    Họ xuất thế đi tu và tìm đến chốn thâm sơn cùng cốc sống ẩn dật tu luyện. Vì thế, cuộc đời các thiền sư luôn tàng ảnh, không phô trương, người bình thường ít khi biết hết tài năng của họ. Những người nghiên cứu về võ học đều cho rằng, các bậc thiền sư trước đây rất giỏi về võ học và thiền sư Vạn Hạnh không phải là ngoại lệ. Bởi thông thường với các thiền sư, khí công cũng là phương tiện để đi đến cảnh giới cao nhất của thiền định.

    Thăm thú cảnh chùa, chúng tôi bất giác nhớ lại kỷ niệm một lần trao đổi với Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, Phó trưởng ban liên lạc dòng họ Lý Việt Nam, ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh về tài năng võ học của thiền sư Vạn Hạnh.

    Ông Thìn cho rằng: "Thiền sư Vạn Hạnh là một bậc thầy về võ học, người nắm giữ bí quyết luyện võ. Chùa Tiêu Sơn, nơi thiền sư Vạn Hạnh tu thiền cũng chính là nơi vị thiền sư này truyền bá kiến thức võ học và dạy võ cho vua Lý Công Uẩn lúc niên thiếu. Vua Lý Nhân Tông từng ca ngợi tài năng của thiền sư Vạn Hạnh rằng: "Học thông tam giới ghê thay/ Rằng thầy Vạn Hạnh thi tài rất cao/ Cửa làng Cổ pháp tiếng reo/ Gậy tăng đủng đỉnh bay vào Đế đô". Điều này cho thấy, thiền sư Vạn Hạnh là một người có tài năng toàn diện”.

    Bài pháp U linh thương độc nhất vô nhị

    Tài năng võ học của thiền sư Vạn Hạnh cũng được lịch sử ghi nhận và ông cũng là người có kiến thức uyên thâm về võ học. Hẳn tài năng và đức độ của ông đạt ngưỡng như thế nào mới được làm quân sư của vua Lê Đại Hành. Theo đó, năm 980 tướng Hầu Nhân Bảo kéo quân Tống sang đánh nước ta, vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) cho người đến mời sư Vạn Hạnh vào hỏi kế sách dùng binh thì được sư đáp: "Việc này không phải lo, chỉ cần 3 đến 7 ngày giặc phải lui".

    Tượng thiền sư Vạn Hạnh trên đỉnh Tiêu Sơn tự.

    Đến khi vua Lê Đại Hành muốn cất binh đánh Chiêm Thành khi mọi việc đang lưỡng lự thì sư Vạn Hạnh khuyên "nên cất quân đánh nhanh kẻo mất cơ hội". Thầy giỏi ắt có trò giỏi, người đời sau ca tụng Tiêu Sơn tự là một trung tâm võ học cổ xưa của người Việt là có lý bởi một con người vĩ đại trong lịch sử dân tộc từng lớn lên tại ngôi chùa này sau đó trở thành bậc minh quân - đó là vua Lý Công Uẩn. Thuở còn là một võ tướng, ông được ca tụng là người có tài năng bách chiến bách thắng, cầm quân trấn áp nhiều thế lực phản loạn dưới thời Tiền Lê, thậm chí khi đã làm vua ông vẫn đích thân ra trận.

    Tài năng võ thuật của vua Lý Công Uẩn càng được khẳng định khi một bài quyền pháp có tên là U linh thương sau ngàn năm ẩn dật, đã bất ngờ xuất hiện trở lại tại đại hội võ thuật cổ truyền Bình Định vào năm 2010 do võ sư Trần Duy Linh biểu diễn. Thời đó, khi võ sư Trần Duy Linh biểu diễn bài quyền này thì nhanh chóng gây sự chú ý cho giới võ thuật Việt Nam. Tất cả đều bất ngờ bởi những thế võ vô cùng ảo diệu và cho thấy người sáng tạo ra nó là một bậc thầy về võ công. Điều đặc biệt, bài quyền pháp U linh thương khác biệt so với các quyền pháp về thương từng được biết đến.

    Thời đó, võ sư Trần Duy Linh, người trực tiếp biểu diễn bài quyền cho biết,  bài võ ngàn năm này là của vị vua đầu tiên nhà Lý, người khởi sự dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) vào năm 1010, sáng tạo ra. Câu chuyện từ võ sư Trần Duy Linh đã thu hút sự chú ý của những người về tham dự đại hội võ thuật năm đó.

    Cũng theo lời võ sư Trần Duy Linh, bài võ U linh thương được Tổ Hư Minh sáng lập hệ phái Long Hổ Không Hồng vào thời Hậu Lê biên soạn trong cuốn sách Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp (tạm dịch: Sao lục binh thư võ thuật của các vị tướng qua nhiều đời khác nhau). Bài quyền U linh thương này chỉ được truyền qua trí nhớ của các đời đệ tử môn phái này.

    Nhắc đến câu chuyện về bài quyền pháp U linh thương, PV muốn minh chứng cho tài năng võ học hiếm có của Lý Công Uẩn và những bí ẩn của Tiêu Sơn tự. Rời chùa vào buổi chiều muộn, trong lòng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được lý giải, bất giác chúng tôi hiểu, có lẽ chính sự bình dị mà sâu kín từ những ngôi chùa như Tiêu Sơn đã góp phần làm nên những điều phi thường trong lịch sử võ học dân tộc.    

    Thiền sư đắc đạo cũng là võ lâm cao thủ

    Võ sư Nguyễn Văn Thắng - Chưởng môn phái Thăng Long Võ Đạo cho biết: "Võ học chính là phương tiện để tiếp cận tâm linh, hỗ trợ cho tâm linh. Do đó, các thiền sư giỏi về võ thuật không có gì bất ngờ. Bởi theo quan niệm của phương Đông, con người gồm ba thể, thể vật lý, thể năng lượng và thể tâm linh. Quan trọng nhất luyện võ để mở thể vật lý mạnh cơ bắp tức là lực.

    Lực phải có kình. Kình là khí, tức phải có qua khí công. Cơ thể con người, ngoài thể vật lý, trong thể năng lượng thì thể tâm linh làm chủ. Vì vậy, muốn giỏi võ, đa số tất cả các thầy võ có danh tiếng đều ngồi thiền (để làm chủ được thể tâm linh). Ngược lại, phải dùng đến khí công hoặc yoga luyện võ học nhằm tiếp cận và làm chủ thể tâm linh”.

    Trinh Phúc – Vũ Phương

    Xem thêm video:

    [mecloud] fb1scIStIQ[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-2-noi-tu-luyen-vo-hoc-cua-ly-cong-uan-cung-nhung-dieu-than-bi-kho-ly-giai-a111045.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.