+Aa-
    Zalo

    Kỳ 2: Kỳ diệu ca cứu sống bệnh nhân đạn nằm trong tim và em bé chào đời

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trường hợp bệnh nhân bị đạn xuyên tim và sản phụ bị tai nạn giao thông được cứu sống cho thấy, các BV tuyến tỉnh hoàn toàn có thể làm nên những điều kỳ diệu.

    (ĐSPL) - Tai nạn giao thông, sự bất cẩn trong lao động sản xuất có thể khiến một người từ khoẻ mạnh đối mặt với nguy cơ tử vong vì tai ương ập đến bất ngờ.

    Đặc biệt, với các bệnh nhân ở các tỉnh thành xa, nếu chuyển về bệnh viện tuyến Trung ương, thời gian chưa chắc đã chờ họ và cơ hội sống sẽ trôi qua. Trường hợp bệnh nhân bị đạn xuyên tim và sản phụ bị tai nạn giao thông được cứu sống tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An (HNĐK) mà chúng tôi được các y, bác sỹ tại đây chia sẻ cho thấy, các bệnh viện tuyến tỉnh hoàn toàn có thể làm nên những điều kỳ diệu.

    Khi mảnh đạn nằm... trong tim

    Theo thông tin cập nhật mới nhất từ bệnh viện HNĐK Nghệ An, bệnh nhân Vi Văn Hải, người được nhắc đến nhiều thời gian qua vì bị đạn bắn xuyên tim khi vào rừng bắt ong đã được xuất viện vào ngày 1/9. Bác sỹ Nguyễn Hữu Nam, phụ trách khoa Ngoại lồng ngực vui mừng chia sẻ: “Sau một thời gian điều trị tại viện, ngày 1/9, chúng tôi đã cho anh Vi Văn Hải xuất viện sau khi kết quả các chỉ số nhịp tim, phổi bình thường và sức khoẻ của bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục”.

    Bệnh nhân Vi Văn Hải trải qua 4 giờ phẫu thuật giành giật sự sống. Ảnh: Hoàng Yến.

    Trước đó, vào lúc 2h15’ sáng 15/8, bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Vi Văn Hải (SN 1981, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông), nhập viện trong tình trạng có vết thương do bị đạn bắn từ sau lưng, thấu tim, gây tổn thương tim nặng nề, niêm mạc nhợt nhạt, khó thở, thở nhanh nông, trụy tim mạch, tiên lượng tử vong cực cao. Ngay lập tức, buổi hội chẩn liên khoa Ngoại - Tim mạch- Lồng ngực, Cấp cứu đã tiến hành chụp cắt lớp vi tính 64 dãy cho bệnh nhân, phát hiện có hình ảnh mẩu kim khí (đầu đạn) nằm giắt trong tim, giữa hai tâm thất trái và phải (vách liên thất). Bệnh nhân bị chảy máu liên tục, gây tràn máu khoang màng phổi trái số lượng nhiều.

    Theo tìm hiểu của PV, chiều 14/8, anh Hải cùng hai người bạn vào rừng Pù Mát (Nghệ An) để lấy mật ong. Khi anh Hải đang ngồi nghỉ dưới tán cây thì nghe tiếng súng nổ rồi bị trúng đạn ở lưng. Hai người bạn đi cùng đã đưa anh vào bệnh viện Đa khoa huyện Con Cuông (Nghệ An) cấp cứu. Do vết thương quá nặng, rạng sáng 15/8, anh Hải được chuyển lên bệnh viện HNĐK tỉnh Nghệ An trong tình trạng bị đạn bắn từ sau lưng, thấu tim, gây tổn thương tim nặng nề, khó thở, trụy tim mạch...

    Theo đánh giá của các bác sỹ, đây là ca bệnh đặc biệt nguy hiểm. Sau hội chẩn, bệnh viện quyết định tiến hành phẫu thuật cấp cứu do nguy cơ tử vong tăng theo từng giờ. Để đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân, ngay lập tức các bác sỹ của bệnh viện đã hội chẩn và quyết định mổ tim hở sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Ê-kíp mổ được thành lập, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật. Sau ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ, một mẩu kim khí kích thước 0,5 x 0,6cm được lấy ra. Bệnh nhân được khâu cầm máu vết rách, phục hồi các buồng tim. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đã phải truyền tới 1.250ml máu.

    Sau ca mổ, các y, bác sỹ tại bệnh viện còn phải liên tục theo dõi từng diễn biến sức khoẻ, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân từng phút, từng giờ. “Bệnh nhân Vi Văn Hải được thở máy sau mổ khoảng 15 tiếng. Trong quá trình hồi sức sau mổ, bệnh nhân có xuất hiện một đợt suy tim cấp, nên bác sỹ cho bệnh nhân dùng thuốc trợ tim. Đến sáng 16/8, bệnh nhân đã ổn định nên chúng tôi rút máy thở, bệnh nhân tự thở tốt, các thông số huyết động khối tốt. Các kết quả xét nghiệm huyết học, sinh hóa trong giới hạn bình thường cho thấy việc duy trì bảo vệ chức năng gan thận trong mổ được tiến hành hiệu quả với hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể”, Thạc sỹ, bác sỹ Trần Minh Long - Trưởng khoa Hồi sức Ngoại kể lại.

    Chấn thương sọ não vẫn vượt cạn thần kỳ

    Trường hợp bệnh nhân bị bắn xuyên tim không phải là trường hợp duy nhất để lại ấn tượng cho tôi về các nỗ lực của y, bác sỹ tại bệnh viện HNĐK Nghệ An. Câu chuyện về ca cứu sống sản phụ Nguyễn Thị Tuyết (33 tuổi, Hương Sơn, Hà Tĩnh) bị hôn mê sâu do tai nạn giao thông cách đây khoảng hơn 2 tháng thúc giục tôi phải liên lạc với gia đình chị. Thời điểm diễn ra ca mổ cấp cứu hai mẹ con chị, tôi cũng chờ đợi từng phút, từng giây, từng dòng cập nhật trạng thái của người bạn đang công tác tại bệnh viện này về diễn biến của ca cấp cứu.

    Nhân viên y tế chăm sóc cho bé Phan Nguyễn Việt Cường ở bệnh viện HNĐK Nghệ An. Ảnh. Hoàng Yến.

     

    “Cháu vừa được về nhà sau 10 ngày nằm viện Nhi em ạ! Sức khoẻ cháu giờ đã tốt lên nhiều rồi! Vợ anh cũng dần ổn định sau vụ tai nạn kinh hoàng đó”, anh Phan Văn Lan, chồng chị Tuyết thông báo với chúng tôi tình trạng sức khoẻ hiện tại của vợ và con trai anh.

    Hơn 2 tháng đã qua, nhớ lại về ngày định mệnh khiến vợ con anh rơi vào tình cảnh nguy hiểm, anh Phan Văn Lan, chồng chị Tuyết kể, hôm đó, sáng sớm ngày 21/6, anh Lan chở vợ từ nhà (Hương Sơn, Hà Tĩnh) về quê ngoại (Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An) để làm giỗ ông.

    Đến địa phận huyện Diễn Châu, khi cách quê ngoại khoảng 20km, do tránh xe tải đi cùng chiều, vợ chồng anh va quệt vào lan can vệ đường. Chị Tuyết bị văng ra khỏi xe 2m, đập đầu xuống mặt đường, hôn mê sâu ngay tại chỗ.

    Các y, bác sỹ tại khoa Sản, bệnh viện HNĐK Nghệ An vẫn nhớ như in hình ảnh chị Nguyễn Thị Tuyết (33 tuổi) thời điểm nhập viện. Cơ thể chị bị đa chấn thương, xây xát vùng mặt, sưng nề vùng trán, đặc biệt bị chấn thương sọ não, xuất huyết dưới nhện lan tỏa, tiên lượng rất xấu.

    Ngay sau đó, các bác sỹ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, cho bệnh nhân thở máy liên tục để cố gắng cứu sản phụ và thai nhi. Sau 2 ngày nỗ lực duy trì, đến tối 22/6, bệnh nhân xuất hiện những cơn co tử cung, dọa sinh non. Lập tức, ê-kíp cấp cứu liên khoa Sản - Hồi sức Ngoại khoa tiến hành hội chẩn mổ cứu thai nhi 33 tuần tuổi và chuyển sản phụ Tuyết về khoa Hồi sức Ngoại khoa để tiếp tục hồi sức cấp cứu.

    Trong tâm trí nữ điều dưỡng tên Trang, khoa Sản, khi vừa chào đời, bé trai - con của sản phụ Tuyết nặng 2kg, không khóc, tím tái toàn thân, phổi thông khí kém do ngạt thở, phản xạ sơ sinh yếu, trương lực cơ nhão. Bác sỹ khoa Sản nhanh chóng đặt nội khí quản, bóp bóng O2, đặt Catheter tĩnh mạch rốn, ống sonde dạ dày, nỗ lực chạy đua với thời gian giành giật sự sống cho bé.

    Sau 1 tuần phải nằm thở máy tại phòng chăm sóc đặc biệt bé đã cai máy thở, tự thở và bú tốt. “Lúc con có thể tự thở, không biết diễn tả cảm giác của toàn bộ y, bác sỹ chăm sóc cho hai mẹ con chị thế nào. Nó giống như việc cứu sống chính đứa con của mình vậy. Từng ngày, từng ngày, chúng tôi theo dõi và mong mỏi, mong nỗ lực của chúng tôi sẽ được đáp lại”, điều dưỡng Trang tâm sự.

    Anh Lan chia sẻ, bé được đặt tên là Phan Nguyễn Việt Cường. “Đây là con đầu của hai vợ chồng tôi. Từ lúc mang bầu, chúng tôi đã dự định sẽ đặt con tên Việt Cường với hy vọng con sẽ luôn mạnh mẽ, kiên cường. Thực sự, lúc được bác sỹ thông báo hai mẹ con bình an sau ca phẫu thuật, tôi cảm thấy như vừa trút khỏi được khối đá đè ở ngực. Từ trong thâm tâm, tôi muốn nói lời cảm ơn một lần nữa với các y, bác sỹ đã hết lòng cứu sống người thân của tôi”, anh Lan tâm sự.          

     Hoàng Yến - Đỗ Thơm

    Xem thêm video:

    [mecloud]fCKn00JRts[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-2-ky-dieu-ca-cuu-song-benh-nhan-dan-nam-trong-tim-va-em-be-chao-doi-a109608.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.