(ĐSPL) - Các bệnh nhân được đưa đến cấp cứu khi đang cận kề cái chết, khả năng tiên liệu về sự sống hết sức mong manh.
Như trường hợp chị L. trong lúc đi vệ sinh, bất ngờ đẻ rơi con lọt vào hố bồn cầu. Hoảng loạn vì tình huống oái oăm độc nhất vô nhị, chị nhấc vội con ra khỏi bồn rồi lao đến bệnh viện để được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, chấn thương mặt, cổ, ngực, rách hãm lưỡi… Hay trường hợp của bệnh nhân N. bị suy đa tạng chỉ còn 2\% sự sống. Bằng sự nỗ lực của các bác sỹ, các bệnh nhân đã thoát khỏi “cửa tử thần”.
Tình huống oái oăm
Theo tìm hiểu của PV tại một số bệnh viện ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có rất nhiều bệnh nhân trong thế thập tử nhất sinh được các bác sỹ cứu sống kỳ diệu. Nhắc đến trường hợp “vượt cạn” hi hữu của chị Bùi Thị L. (22 tuổi, ở xã Thành Công, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) bác sỹ Hoàng Thị Đức, chuyên khoa II, Phó khoa Sơ sinh, bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, đây là một trường hợp hi hữu chưa từng xảy ra tại bệnh viện.
Theo lời kể của bác sỹ Đức, ngày 28/11/2014, phía bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân 1 ngày tuổi là bé gái Bùi Thị H., con của chị Bùi Thị L. (công nhân làm việc cho một công ty đóng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn) chuyển từ bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hoá) lên BV nhi Thanh Hóa. Trước đó, bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn chẩn đoán, cháu bé sơ sinh bị đẻ rơi, ngạt nặng. Khi bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận, bé khóc không thành tiếng, miệng chảy nhiều máu đỏ, rách hãm lưỡi, môi nhợt tím, có chấn thương mặt - cổ - ngực... Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sỹ đã nỗ lực cứu chữa, cầm máu, giảm đau, cho bé thở oxy, dùng kháng sinh.
Cháu H. đang được chăm sóc, theo dõi đặc biệt tại BV Nhi Thanh Hóa (ảnh BV cung cấp). |
“Khi bệnh viện tiếp nhận, bé H. nặng 3kg, được xác định là không thiếu tháng. Với nhiều vết thương nặng nếu không cấp cứu kịp thời thì khả năng tử vong rất cao. Sau thời gian 6 ngày điều trị, bé H. vẫn phải thở oxy, dùng kháng sinh, truyền dịch, chiếu đèn và nằm trong lồng kính ở khu chăm sóc đặc biệt. Sau khoảng một tuần điều trị, bé đã ăn được sữa qua xông dạ dày.
Trong khoảng thời gian đó, các bác sỹ vẫn túc trực thường xuyên để chăm lo cho bé”, bác sỹ Đức nhớ lại. Dù vẫn ở trong tình trạng chăm sóc đặc biệt nhưng sự sống sót kỳ diệu của bé H. đã làm cho cả đại gia đình hạnh phúc như được tái sinh. Từ thông tin của bệnh viện cung cấp, chúng tôi đã trực tiếp liên hệ được với gia đình bé H. để tìm hiểu rõ hơn về tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc với em bé sơ sinh trong tình huống oái oăm, hi hữu.
Anh Hoàng Văn S. (24 tuổi, chồng chị L.) kể lại sự việc: “Như thường lệ, sáng 28/11, vợ tôi đến công ty may (đóng tại thị xã Bỉm Sơn) làm việc như mọi ngày, không có biểu hiện của vỡ ối, đau bụng. Cứ nghĩ đang trong thời gian mang bầu chưa đủ tháng nên chưa nghỉ sinh. Nào ngờ...”.
Anh S. cho biết thêm, trong lúc đi vệ sinh tại công ty, vợ anh chuyển dạ “đẻ rơi” con gái xuống bồn cầu. Khi đó, chị L. hoảng loạn tri hô giúp đỡ, đồng thời đưa con gái lên rồi lấy khăn lau máu. Sau đó không lâu, chị Hoàng Thị Ng. (20 tuổi, cô ruột bé H., làm cùng công ty với chị L.) đã đến đưa cháu bé đi cấp cứu. Nhưng, bé H. ở trong tình trạng nguy kịch, được chuyển lên tuyến trên cấp cứu.
Nhắc đến chuyện cũ, chị L. phấn khởi nói: “Giây phút đó tôi vô cùng hoảng loạn, chỉ biết nhanh chóng lôi em bé lên rồi hét toáng lên để cầu cứu mọi người. Cũng may các bác sỹ tại bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã cấp cứu kịp thời để cứu sống cháu H.. Giờ sức khỏe cháu bình thường và đang chập chững những bước đi đầu đời”.
Ông lão tiên lượng chỉ còn 2\%, đã sống khỏe
Mỗi năm đều có rất nhiều người chết do hệ lụy từ việc hút thuốc, uống rượu. Tại tỉnh Thanh Hóa nhiều bệnh viện như Đa khoa Thanh Hóa, bệnh viện Hợp Lực, bệnh viện Ung Bướu... mỗi năm đều tiếp nhận rất nhiều ca bệnh nguyên do từ thuốc lá, rượu bia. Giới thiệu cho chúng tôi về những trường hợp “thập tử nhất sinh” được bệnh viện cứu sống, bác sỹ My Huy Hoàng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BVĐK Thanh Hóa cho biết, có một trường hợp, ông và đội ngũ bác sỹ tại bệnh viện hết sức ấn tượng mỗi khi nhắc lại. Đó là bệnh nhân Tạ Trọng N. (70 tuổi, ở xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).
Ông N. vốn là người nghiện rượu, nghiện thuốc lá dẫn đến bị viêm phổi. Sau đó, bệnh nhân bị vi trùng xâm nhập vào máu, gây tình trạng nhiễm trùng máu nặng. Đó là loại vi khuẩn tụ cầu tan máu nên bệnh nhân được cấy máu rất nhiều lần. Đó cũng là một trường hợp hiếm gặp khi toàn bộ nội tạng đã bị vi-rút tấn công làm tê liệt hoàn toàn.
Ông Tạ Trọng K. đã được các bác sỹ BVĐK Thanh Hóa cứu sống (ảnh BV). |
“Ngày 13/4/2015, ông N. được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Sau đó, triệu chứng bệnh của ông N. nặng dần, dẫn đến suy đa tạng. Do nội tạng đã bị tê liệt, cộng với tuổi cao nên sức khỏe của ông N. yếu dần, tỉ lệ cứu sống chỉ còn khoảng 2\%. Phía gia đình ông N. cũng đã xác định khó qua và đã chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất, xin được đưa ông N. về nhà chăm sóc. Tuy nhiên, chúng tôi xác định còn nước còn tát, qua đó áp dụng hàng loạt các biện pháp hồi sức như: Đặt nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch để điều chỉnh huyết áp. Đồng thời dùng kháng sinh liều cao kết hợp điều trị... sau đó thật kỳ diệu, bệnh nhân dần hồi phục”, bác sỹ Hoàng cho biết.
Nhớ lại sau lần thoát chết kỳ diệu, ông N. kể lại: “Khoảng đầu tháng 4/2015, tôi bắt đầu thấy sức khỏe của mình xuống cấp trầm trọng. Đi khám ở bệnh viện tuyến huyện, bác sỹ cho biết, tôi bị viêm phổi. Cơn đau ngày càng hoành hành, chịu không nổi nên tôi có ra ngoài nhà thuốc mua thuốc tây uống. Sau đó kết hợp uống cả thuốc đông y nhưng bệnh tình không khỏi. Đến lúc nặng dần và nằm liệt một chỗ thì được gia đình đưa lên bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa chữa trị”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Tạ Trọng K. (30 tuổi, con trai ông N.) bày tỏ: “Trước đây, sức khỏe bố tôi bình thường, không bệnh tật gì đáng kể. Tuy nhiên thi thoảng cụ cũng uống rượu. Sáng ngày 13/4, bố tôi cảm thấy khó thở, đau ngực, người cứng đơ lại, mặt mày tím tái rồi ngất xỉu. Sau khi cấp cứu tại bệnh viện, bác sỹ cho biết, bố tôi bị nhiễm trùng máu, dẫn đến suy đa tạng, khó qua khỏi. Nghe bác sỹ nói vậy nên mấy anh em xin bệnh viện được đưa bố về chăm sóc những ngày cuối cùng. Tuy nhiên, bác sỹ bảo, để ông cụ điều trị thêm một thời gian nữa, biết đâu cứu được. Sau 5 ngày lọc máu thì sức khỏe của bố tôi có dấu hiệu hồi phục”.
Ông N. tâm sự: “Tôi cứ tưởng mình đã chết sau lần ấy, thực sự không nghĩ mình lại may mắn đến vậy. Với tôi, đó như một phép màu kỳ lạ. Ở nông thôn, những người ở lứa tuổi trung niên ai cũng hút thuốc, uống rượu bia. Tôi vừa nghiện rượu, vừa nghiện cả thuốc lá. Khi khỏi bệnh, các bác sỹ bảo nguyên nhân tôi bị suy nội tạng, vi khuẩn xâm nhập vào máu là do hút thuốc, uống rượu quá nhiều. Cũng may nhờ các bác sỹ nỗ lực cứu chữa nên tôi mới khỏe lại. Giờ tôi mới hiểu thuốc lá và rượu tác hại đến cỡ nào. Từ sau lần ra viện đến nay, tôi thấy mình đã khỏe hơn và cũng đã từ bỏ rượu bia, thuốc lá”.
NHÓM PVMT
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]Hd28WAYBQ1[/mecloud]