(ĐS&PL) - Các huyện miền núi Tây Nghệ An vốn là những điểm nóng ma túy. Có những nơi được mệnh danh là “thánh địa” của loại hàng quốc cấm này, Quế Phong là một trong những địa danh đó. Với địa hình 2/3 đồi núi, đặc biệt là sự có mặt của những hang đá tầng tầng, lớp lớp nằm sâu trong những cánh rừng già, Quế Phong là sự lựa chọn hàng đầu của những “ông trùm” trong giới “hàng trắng” này. “Chợ ma túy” được dựng lên ngay trong những hang đá để trở thành nơi giao lưu, trao đổi mua bán “hàng”.
Điểm dừng chân lý tưởng
Huyện Quế Phong (Nghệ An) quay mặt bốn phương tám hướng đều là núi rừng hoang vu thăm thẳm. Nơi đây là “đất sống” chủ yếu của bà con dân tộc Thái và Mông, lại rất gần với “tam giác vàng” ma tuý Lào - Thái Lan - Myanma. Với “địa lợi” đó, Quế Phong đã trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về tệ nạn và tội phạm ma túy của tỉnh Nghệ An từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước.
Nơi rừng núi âm u hiểm trở này, huyện Quế Phong là căn cứ lý tưởng của nhiều ông trùm ma túy. |
Với địa thế những hang đá có cấu tạo phức tạp nằm heo hút trong những cánh rừng già heo hút, địa danh này đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho những bọn buôn ma túy có trang bị vũ khí chuyên dụng. Từ đây, những cuộc đấu súng rúng động cả đại ngàn giữa những kẻ chuyên gieo rắc “cái chết trắng” với lực lượng truy bắt đã xảy ra nhiều lần.
Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, Quế Phong có đường biên giới với nước bạn Lào dài 67km. Từ các xã như Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải và Tri Lễ đều đã có đường mòn qua biên giới. Cư dân sống ở đây đa số là người dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh, nhìn chung đời sống bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mối quan hệ dân tộc giữa đồng bào hai bên đã có từ lâu đời. Họ thường xuyên qua lại thăm hỏi, mua bán trao đổi hàng hoá với nhau. Người dân ở đây có tập quán trồng cây thuốc phiện và hút thuốc phiện từ lâu đời nên đối tượng nghiện truyền thống nhiều.
Mặc dù Đảng và Chính phủ đã kêu gọi xóa bỏ trồng cây thuốc phiện từ rất lâu thế nhưng mấy năm lại đây, người dân bản địa vẫn lén lút trồng loại cây “ma mị” này. Cây thuốc phiện được gieo rải rác trên nương rẫy, thậm chí ngay bên cạnh nhà, trồng xen với các loại câu hoa màu khác. Các lực lượng chức năng đã phối hợp và phát hiện, nhổ bỏ nhiều diện tích trồng loại hoa này. Thế nhưng, người dân nơi đây vẫn âm thầm cất các bó cây thuốc phiện sau khi thu hoạch để chuẩn bị cho vụ mùa năm khác. Đây là một thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An, nhưng với giới anh chị “hàng trắng”, đó còn là môi trường bảo bọc khá an toàn cho sự nghiệp gieo rắc “cái chết” đến đồng loại.
Cán bộ chiến sỹ Đồn 517 trong một buổi tuần tra biên giới. Ảnh: L.T |
Do nguồn “cơm đen” đang dần cạn kiệt nên sự có mặt của những loại ma túy tổng hợp như heroin, thuốc lắc, ma túy đá…đang trở thành nguồn hàng thay thế phong phú, đa dạng. Phần lớn, chúng có xuất xứ từ nước ngoài, được vận chuyển về nước bằng các đường khác nhau, nhưng chủ yếu thông qua các đường biên giới. Thêm vào đó, đội ngũ những con nghiện ở đây rất đông, là nguồn nhân lực vận chuyển, mua – bán ma túy dồi dào. Địa hình khu vực biên giới Quế Phong cực kỳ phức tạp, hiểm trở với một hệ thống hang hốc nằm ẩn mình trong những khu rừng già chằng chịt. Với những đặc thù của địa phương như vậy, thực sự là một bài toán khó trong quản lý đối với các cơ quan chức năng.
Theo lối đặc thù di canh, di cư từ bao đời của người Mông, một số bộ phận không nhỏ sau khi định cư trái phép bên Lào đã tìm cách móc nối với các đối tượng nội biên để vận chuyển ma túy trái phép về Việt Nam tiêu thụ. Một số địa điểm biên giới hai nước như các cụm bản Nậm Bống, Phà Đánh, Phăn Thoong, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) hiện đang là địa bàn tập kết, trung chuyển các chất ma túy vào nước ta.
Từ năm 2006 đến nay, theo cơ quan điều tra cho biết, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn biên giới huyện Quế Phong diễn ra rất phức tạp. Nhiều đường dây ma túy lớn nhỏ đã được “khai sinh” từ đây.
Tại đây, chúng lợi dụng các hang đá, chòi rẫy hoặc dựng lều, lán làm nơi trao đổi ma túy, hình thành nên một loại “chợ” đặc biệt, mà ở đó chỉ có duy nhất một mặt hàng buôn bán: Ma túy.
“Chợ” ma túy trong…hang đá
Tận dụng đặc thù của huyện miền núi Tây Nghệ An này làm một lợi thế để hoạt động, các trùm ma túy đã “xây dựng” nên những cái chợ đặc biệt. Mỗi hang đá, góc rừng, thậm chí là mỏm đá đều được chúng chọn làm nơi “gầy nghiệp”. Chúng bố trí một hệ thống phòng thủ rất cẩn mật với nhiều vòng bảo vệ, canh gác chặt chẽ. Sau khi chia nhỏ số ma túy bán cho các con nghiện tại chỗ, số còn lại chúng bán sỉ cho các “con buôn” khác đem đến các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ.
Tang vật của một vụ án. |
Điều đáng nói là hầu hết những tên tội phạm ma túy nơi đây, dù bán hay đến mua đều luôn thủ sẵn bên người cùng lúc nhiều loại “hàng nóng” như AK, lựu đạn, súng ngắn, mác, dao bấm…để phòng thân. Đối với “ngành nghề” hoạt động mang đậm tính chất xã hội đen này, việc những kẻ sẵn sàng vì lợi nhuận mà thanh toán nhau, nhất là ở đây rùng núi âm u, toàn hang hốc. Ngoài ra, việc trang bị vũ khí còn phục vụ cho việc chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Thế cho nên, những đối tượng hoạt động ở đây luôn được người cùng giới buôn đánh giá là rất ma mãnh, tinh vi và cực kỳ manh động.
Bên cạnh đó, có người sinh sống ắt hẳn sẽ kéo theo nhiều dịch vụ khác để phục vụ sinh hoạt ăn chơi của đa số lớp đại gia lắm tiền này. Rất nhiều người dân bản địa đã đem lương thực, thực phẩm, hàng hóa vào đây để bán, đổi, không ít quán ăn uống đã được mở tận nơi. Thậm chí, nhiều gái mai dâm còn xem đây là miếng đất “làm ăn” của mình, lặn lội trèo đèo, lội suối hội tụ về đây.
Các đối tượng “cắm chốt” ở đây còn trang bị cả máy phát điện dạng mini, rồi tận dụng luôn những dòng suối trong rừng để phát điện phục vụ sinh hoạt. Hoạt động của chúng không cố định. “Chợ” được lập theo đợt, mỗi phiên tụ tập khoảng một tuần, có khi kéo dài cả tháng, tùy thuộc vào số lượng “hàng” mang theo giao dịch nhiều hay ít. 6, 7 ngày sau lại tổ chức một “phiên chợ” khác. Thế nên, hình ảnh những toán người mông, người Lào xách súng ống, súng AK, vai vác ba lô…vượt biên trái phép đi lại đã trở nên quen thuộc đối với họ.
Tình hình trật tự ở đây rất phức tạp, không ít vụ bắn chém nhau đã xảy ra ở đây. Từ lí do mâu thuẫn buôn bán, đến những vụ có nguyên nhân rất…vớ vẩn. Đôi khi, chỉ vì một tên ra ngoài hang đi mua gà của dân, khi về không trả lời tên đứng gác nên bị bắn gãy chân. Đó là vụ xảy ra ngày 26/8/2007, tại hang Pà Cù, xã Châu Thôn. Hay một đối tượng ném mín vào một lán trại bán ma túy để cướp tiền xảy ra vào ngày 9/2/2008, tại khu vực rừng thuộc bản Huồi Đô, xã Châu Kim…
Chúng ngang nhiên hoạt động công khai với số lượng nhân lương tương đối hùng mạnh. Có nhóm lên tới 100 đối tượng. Cậy đông, có vũ khí, chúng ngang nhiên sẵn sàng chống đối lại những người thi hành công vụ, khi bị “sờ gáy”. Đây đã trở thành một điểm nóng nhức nhối về ma túy mà các cơ quan chức năng luôn đau đầu để tìm phương án giải quyết. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân khu V và Ban chỉ huy Biên phòng tỉnh Nghệ An đã định đưa một lực lượng mạnh lên truy quét những tụ điểm ma túy này. Điều đáng nói là từ đây, cơ quan chức năng còn phát hiện có dấu hiệu nghi vấn hoạt động của tội phạm ma túy liên quan với hoạt động phỉ Lào, buôn bán ma túy để hỗ trợ tài chính cho các toán phỉ. “Ủ mần” cho những hoạt động chống phá lại Nhà nước.
Loan Nguyễn