(ĐSPL) - Theo kế hoạch ban đầu, dự án thủy điện Thượng Kon Tum sẽ phát điện tổ máy thứ nhất vào năm 2013 và đưa vào vận hành cả 2 tổ máy vào năm 2014. Thế nhưng cho tới thời điểm hiện tại, tất cả vẫn chỉ là “bãi chiến trường”, do dự án bị chậm tiến độ nghiêm trọng.
LTS: Sau khi dự án đầu tư xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum, thuộc địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được phê duyệt, chủ đầu tư dự án là công ty cổ phần (CTCP) thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Tổ hợp nhà thầu gồm: Viện Hoa Đông, tập đoàn thủy điện Trung Quốc và công ty TNHH cục Đường sắt Trung Quốc số 18 trúng thầu xây dựng đường hầm dẫn nước, xây dựng nhà máy, hầm xả, trạm phân phối điện … với giá hơn 1.614 tỷ đồng. Tuy nhiên, gói thầu bị chậm tiến độ nghiêm trọng khiến những rắc rối bắt đầu phát sinh.
Kính mời quý độc giả tìm hiểu thêm về sự việc này qua loạt bài viết "Gay cấn vụ kiện nhà thầu Trung Quốc của công ty thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh".
Kỳ 1: Dở dang dự án gần 6.000 tỷ đồng và nỗi đau mang tên nhà thầu Trung Quốc
Đắng chát với chiêu “bỏ thầu giá thấp”
Theo thông tin từ CTCP thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH), dự án thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được khởi công xây dựng vào cuối tháng 9/2009, có nhiệm vụ khai thác thủy năng sông Đăk Nghé. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 5.744 tỷ đồng và dự kiến, khi đi vào vận hành sẽ là một trong những công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cung cấp điện năng cho lưới điện quốc gia và bổ sung nguồn nước phục vụ dân sinh, nông nghiệp và công nghiệp vùng hạ lưu.
Hình ảnh lễ khởi công thủy điện Thượng Kon Tum năm 2009 |
Để đẩy nhanh tiến độ, VSH đã không tiến hành thiết kế kỹ thuật mà tiến hành đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công các gói thầu chính trên cơ sở thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư. Theo ông Huỳnh An, Phó ban Quản lý dự án công trình thủy điện Thượng Kon Tum thì dự án này có 3 gói thầu chính, một trong số đó là gói thầu tuyến năng lượng đoạn 2. Gói thầu này bao gồm việc xây dựng đường hầm dẫn nước (vừa bằng phương pháp khoan nổ, vừa bằng máy TBM, một loại máy khoan hầm – PV), xây dựng nhà máy, hầm xả, trạm phân phối điện …
Gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế và tổ hợp nhà thầu gồm: Viện Hoa Đông, tập đoàn thủy điện Trung Quốc và công ty TNHH cục Đường sắt Trung Quốc số 18 (sau đây sẽ gọi là tổ hợp nhà thầu) đã trúng thầu nhờ bỏ thầu thấp là hơn 1.600 tỷ đồng (so với mức giá hơn 3.600 tỷ đồng mà những đơn vị khác đưa ra). “Trước khi quyết định phê duyệt đấu thầu, lãnh đạo VSH đã thận trọng cử đoàn công tác sang Trung Quốc kiểm tra các dự án mà tổ hợp nhà thầu này đang thi công với kỹ thuật tương tự sẽ áp dụng ở thủy điện Thượng Kon Tum. Mọi chuyện đều tốt đẹp cả. Ấy nhưng, khi tiến hành xây dựng ở Việt Nam, tổ hợp nhà thầu lại viện hết lý do này đến lý do khác để tăng giá thành và khiến cho công trình bị chậm tiến độ”, ông Huỳnh An cho biết.
Lý giải nguyên nhân khiến cho dự án bị chậm tiến độ, ông Huỳnh An cho rằng, có nhiều nguyên nhân diễn ra ở nhiều hạng mục. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt nhất nằm ở hạng mục hầm dẫn nước. “Ở hạng mục đào 5 km đường hầm dẫn nước từ thượng lưu về hạ lưu (nằm trên địa bàn xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) bằng phương pháp khoan nổ, nhà thầu đã thi công không đúng với biện pháp thi công đề ra, không có biện pháp xử lý nước ngầm kịp thời nên dẫn tới tình trạng xử lý nước trong đường hầm khó khăn, mất nhiều thời gian. Chủ đầu tư phải thuê bên thứ ba để khảo sát, khoan xử lý nước ngầm. Kết quả là đơn vị này đã xử lý giảm được đến 95% lượng nước ngầm trong đường hầm. Ấy nhưng, trong quá trình đơn vị này xử lý, nhà thầu Trung Quốc liên tục gây khó, đòi chi phí phụ trợ phục vụ cho việc xử lý như: Điện, nước, thông gió … với giá quá cao, bất hợp lý”.
Sơ đồ minh họa các thành phần của dự án thủy điện Thượng Kon Tum |
Cũng theo vị đại diện này, đối với hạng mục đào hầm dẫn nước từ hạ lưu lên thượng lưu (dài hơn 12km, nằm trên địa bàn xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông) bằng máy TBM, do đội ngũ nhân sự quản lý, vận hành không có năng lực, thiếu kinh nghiệm nên máy TBM hoạt động không ổn định, thường xuyên xảy ra sự cố, hệ thống thiết bị phụ trợ thường bị hỏng, mất thời gian dừng máy để sửa chữa. Thiết bị vật tư dự phòng thiếu và thường không tương thích. Ngoài ra, dù chủ đầu tư nhiều lần có văn bản nhắc nhở về tiến độ thi công nhưng nhà thầu chưa bao giờ đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngược lại, họ chỉ đưa ra các kế hoạch thi công làm thời gian kéo dài thêm.
Thiệt nhiều hơn
Theo ước tính của ban lãnh đạo công ty VSH, nếu thủy điện Thượng Kon Tum đi vào hoạt động, mỗi năm nhà máy sẽ có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng và sẽ đóng góp một số tiền lớn vào ngân sách của tỉnh Kon Tum. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Bùi Văn Cư, Phó Giám đốc sở Công Thương tỉnh Kon Tum thông tin: “Tính trung bình hàng năm, 40% ngân sách tỉnh đến từ các công trình thủy điện trên địa bàn. Nếu thủy điện Thượng Kon Tum đi vào vận hành, chúng tôi ước tính mỗi năm thủy điện sẽ đóng góp vào ngân sách khoảng 150 tỷ đồng. Vì thế nếu chủ đầu tư sốt ruột 10 thì lãnh đạo tỉnh sốt ruột 9. Trong năm 2016 này, tỉnh cũng xác định thủy điện Thượng Kon Tum là công trình trọng điểm để tập trung chỉ đạo. Chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc vào tạo mọi điều kiện để chủ đầu tư lẫn nhà thầu thi công sớm đưa dự án vào vận hành”.
Hình ảnh công trường thủy điện Thượng Kon Tum hiện tại |
Nói vậy để thấy, việc dự án bị chậm tiến độ không chỉ gây thiệt hại tới chủ đầu tư mà còn ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của tỉnh Kon Tum. Ấy thế mà chính bản thân tổ hợp nhà thầu Trung Quốc lại là phía chủ động chấm dứt hợp đồng trước và yêu cầu VSH bồi thường 1.700 tỷ đồng vì đã … vi phạm hợp đồng. Cụ thể, ngày 23/8/2014, tổ hợp nhà thầu đã nộp đơn khởi kiện VSH trước trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) tại Hà Nội. Theo đó, tổ hợp nhà thầu đã “tố” VSH vi phạm hợp đồng ở 8 điểm và vin vào đó để giải thích cho việc tổ hợp nhà thầu đã không thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng dẫn đến việc dự án bị chậm tiến độ.
Không chấp nhận những cáo buộc từ phía nhà thầu, ngày 20/11/2014, VSH đã nộp lên VIAC bản tự bảo vệ và đơn phản tố, phản đối tất cả những cáo buộc và yêu cầu tổ hợp nhà thầu đưa ra những bằng chứng cụ thể để chứng minh. Bên cạnh đó, trong đơn phản tố của mình, VSH cho rằng, thủy điện Thượng Kon Tum bị chậm tiến độ 18 tháng đã gây cho công ty tổn thất lợi nhuận từ việc bán điện. Sau khi tính toán thiệt hại, VSH yêu cầu tổ hợp nhà thầu phải bồi thường số tiền hơn 1.300 tỷ đồng cùng các chi phí liên quan.
Trao đổi thêm với PV, ông Huỳnh An nói: “Sau khi tổ hợp nhà thầu chấm dứt hợp đồng, họ đã dừng thi công hoàn toàn trên tất cả các hạng mục của hợp đồng, lập rào chắn và không cho đơn vị nào vào công trường, kể cả chủ đầu tư. Trước sự thiếu thiện chí hợp tác của tổ hợp nhà thầu, HĐQT công ty VSH đã có nghị quyết chấm dứt hợp đồng với tổ hợp nhà thầu và thu hồi toàn bộ tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng và tiền bảo lãnh tạm ứng của nhà thầu, đồng thời tìm kiếm nhà thầu khác”.
Theo hợp đồng ký kết, gói thầu tuyến năng lượng đoạn 2 sẽ được thi công trong 42 tháng, ngày hợp đồng có hiệu lực là 15/3/2011 và ngày bắt đầu thi công là 30/3/2011. 40 tháng sau, tức là tới ngày 18/7/2014, tổ hợp nhà thầu dừng thi công hoàn toàn trên tất cả các hạng mục của hợp đồng. Thời điểm đó, tổ hợp nhà thầu mới thi công đạt được 24,3% giá trị hợp đồng. Phần đào hầm dẫn nước bằng TBM thi công được gần 2 km, đạt 15% khối lượng hợp đồng.
(Còn nữa)
PHẠM VĂN