(ĐSPL) - Ai cũng hiểu một điều rằng, cá độ là trò chơi của cầu thủ bóng đá đã sa ngã. Câu hỏi đặt ra, có phải, trong mớ bòng bong của bóng đá hiện tại, các cầu thủ sẽ ở tình trạng “bần cùng sinh đạo tặc” không?
Tôi không bất ngờ khi nghe tin Văn Quyến bị triệu tập trong vụ án các cầu thủ của câu lạc bộ Vissai Ninh Bình cá độ lần này để làm rõ có hay không việc liên quan đến vụ án. Thật ra, chúng ta phải nhìn nhận rằng, đó là hệ quả tất yếu của cái gọi là nghiệp dư trong chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà. Nghiệp dư ngay từ khâu quản lý cũng như cách điều hành của những người hoạch định chính sách, quản lý bóng đá. Nghiệp dư ngay cả việc không thể phát hiện ra sai phạm của những cầu thủ mà mình quản lý. Bão tố do thiên tai gây ra, con người có thể khắc phục được hậu quả (dù mất nhiều thời gian) nhưng bão tố do con người gây ra, hậu quả đau đớn và nỗi ám ảnh thì gấp bội.
Kỳ 1: Có chuyện “bần cùng sinh đạo tặc” trong làng cầu thủ?
Hào quang lấp lánh bên tai văng vẳng... chữ tiền
Khi vụ cá độ của cầu thủ V.Ninh Bình bị bung ra, cậu em làm chuyên án U23 (các cầu thủ đội tuyển Việt Nam U23, tham gia SEA Games 23, tại Philippines) cá độ nói với tôi rằng, đó là hệ quả tất yếu của hình thức chuyên nghiệp nhưng là nghiệp dư hoá bóng đá nước nhà. Một số cầu thủ và tư duy của một số người “ăn trên, ngồi trốc” của bóng đá chỉ nhìn thấy hào quang mà không biết rằng, đằng sau đó là mồ hôi, nước mắt và sự cạnh tranh khốc liệt đúng nghĩa. Họ chỉ thích thành tích. Họ bưng bít đến khi không thể giấu nổi thì mới thông báo nhỏ giọt với dư luận rằng, cầu thủ này, cầu thủ kia có dấu hiệu cá độ. Vụ U23 đầu tiên, họ bảo rằng, Quốc Vượng, Văn Quyến, Văn Trương, Bật Hiếu, Quốc Anh... không dính dáng đến cá độ, là cầu thủ tốt, giỏi. Thế nhưng, các điều tra viên đã chứng minh, các cầu thủ trên tham gia đường dây cá độ bóng đá chuyên nghiệp. Vậy, người quản lý kém về chuyên môn nghiệp vụ hay họ bưng bít để đỡ mang tiếng? “Với nhãn quan của người làm điều tra, nhiều khi, tôi đặt câu hỏi, liệu những người “ăn trên, ngồi trốc” đó có tiếp tay hoặc che giấu cho hành vi cá độ của cầu thủ không?”, cậu em bức xúc nói.
Quá trình thực hiện điều tra vụ U23, cậu em tôi bảo đã “rút ra” được hai vấn đề. Thứ nhất, các cầu thủ được cưng chiều quá mức, ánh hào quang quá lớn cộng với áp lực đồng tiền đã dẫn họ tới suy nghĩ phải đánh bạc. Thứ hai, phần lớn các cầu thủ sinh ra, lớn lên trong những gia đình bình thường, thậm chí khó khăn về kinh tế nên cứ nghĩ rằng, hào quang phải đi kèm với tiền bạc, càng nhiều tiền thì càng tốt. “Thế nên, họ không có sự lựa chọn nào khác là cũng tham gia đánh bạc – dưới hình thức cá độ - để có thêm thu nhập, để cho cái sự hào quang nó lấp lánh, “sánh vai” cùng đồng tiền”, điều tra viên U23 nói.
Cũng theo điều tra viên này, phần lớn các cầu thủ “dính chàm” ở U23 đều tâm sự rằng: “Em “dính” rồi, em chịu, em không muốn khai nhiều, các anh, các bác phải “mở rộng vụ án” thì mất thời gian. Các anh, các bác còn nhiều việc phải làm, phải đảm bảo yên bình cho đời sống nhân dân chứ chuyện cá độ của chúng em “nhỏ như con thỏ””. Rồi thì: “Trong số các cầu thủ “chơi bạc”, phần lớn đều khó khăn về kinh tế. áp lực phải kiếm thật nhiều tiền lo cho gia đình khiến cầu thủ chúng em mờ mắt”.
|
Những cầu thủ “dính chàm” của U23 Việt Nam ở Seagam 23. |
Chơi bạc ở mọi “trận địa”
Tôi gặp người “anh xã hội”, thuộc dạng có số trong giang hồ và chuyên về cá độ bóng đá trong và ngoài nước, tên Hoàng, với biệt danh Hoàng “công tử”. Thật ra, Hoàng “công tử” cũng chỉ là một trong nhiều đầu mối giang hồ chuyên cung cấp, tổ chức, môi giới các “dịch vụ” từ cá đến bán độ cho cầu thủ và nhiều đối tượng khác trong xã hội. Hoàng đã tiết lộ cho tôi những câu chuyện động trời về mối quan hệ giữa cầu thủ và giới giang hồ trong cá độ bóng đá bắt đầu được xây dựng theo từng lớp nang như thế nào? Hoàng “công tử” bảo rằng: “Cầu thủ bóng đá cá độ từ lâu rồi, bây giờ mới làm ầm lên. Chẳng qua, trước đây chưa bị lộ, dư luận chưa biết, chưa bức xúc nên cầu thủ và người quản lý cứ sống trong sự hào nhoáng của thành tích và tiền bạc. Bây giờ lộ ra, dư luận bức xúc, người ta lại “thí tốt” như U23 mà thôi. Dẫu sao, “thí tốt” cũng còn hơn không. Cầu thủ không cá độ, dân cá độ vẫn hoạt động thường xuyên mà. Nhưng cũng chẳng được bao lâu đâu. Cầu thủ giờ ham tiền lắm, không bán độ thì cá độ”.
Cũng theo Hoàng, vụ U23 Việt Nam “dính chàm” ầm ĩ như thế, vậy mà cầu thủ trẻ có sợ đâu? Với họ, bài học nhãn tiền chẳng quan trọng bằng tiền đút túi, bằng hào quang lấp lánh chỉ trên danh tiếng. Họ vừa muốn có tiếng thực sự lại muốn nhiều tiền. Thế nên, họ vấp ngã, sa đà theo “hơi đồng” cũng đúng thôi. Theo Hoàng “công tử” thì cầu thủ chơi bạc ở rất nhiều “trận địa”. Đầu tiên, họ cá độ, sau bán độ, rồi lại vừa bán, vừa cá. Cũng có cầu thủ “yêu tiền” nên chỉ bán độ lấy tiền chứ không dùng tiền có được để cá độ. Thế nên, phải phân ra hai loại, cầu thủ chơi bạc bằng hình thức cá độ bóng đá quốc tế, trong nước hay trực tiếp tham gia bán độ tại các trận đấu trong nước, các trận đấu mà mình tham dự.
Nghe qua có vẻ khó hiểu, tôi hỏi: “Thế có nghĩa là cầu thủ có rất nhiều kiểu chơi bạc. Kẻ nhiều tiền thì cá độ bóng đá quốc tế, kiếm được bao nhiêu, chi cho cá độ hết. Còn, loại cầu thủ bán độ tỉ số, cá cược các loại trong trận đấu có mình tham gia lại khác?”. Hoàng “công tử” gật đầu bảo: “ừ, “muội” đã hiểu được đôi chút rồi đấy! “Thế giới” này (tức cá, bán độ bóng đá – PV) phức tạp lắm. Cầu thủ cũng năm, bảy loại. Kẻ kiếm được nhiều tiền cũng đánh bạc với chính số phận của mình đấy mà. Mỗi sự thay đổi, với cầu thủ chính là một canh bạc, rất nhiều tiền nên bên cạnh sự hào nhoáng, họ “yêu tiền” cũng chẳng có gì là lạ”.
Nghe xong cuộc điện thoại, Hoàng “công tử” bô bô: “Đấy, tổng Cảng (tức giới cá độ bóng đá đất Hải Phòng – PV) vừa báo về, vẫn có cầu thủ tham gia cá độ bóng đá quốc tế. Ai bảo chúng nó (tức cầu thủ – PV) sợ? Nó sợ bị lộ bán độ, hết tiền cá độ, còn cá độ là thú chơi không thể thiếu của những kẻ mang trên mình mác hào nhoáng lấp lánh nhưng “yêu tiền” đến điên cuồng”. Tôi bất ngờ hỏi: “Sao biết đó là cầu thủ?”. Hoàng “công tử” cười chế giễu: ““Muội” hỏi thế không biết ngượng à? Chưa biết về giới này thì tìm hiểu đi, hỏi thế, người ta cười cho đấy”. Thực tế, tôi hỏi là có lý do, bởi, người cá độ được tổng nhỏ bán cho một mã số để vào đó cá độ. Mã số đó chỉ có nhà tổng và người chơi biết. Người chơi không khai là cầu thủ, sao “xác minh” được? Hoàng “công tử” giải thích: “Phải là con bạc quen thì mới có mã số để vào trang cá độ, đặt cược tỉ số. Con bạc đó có phải là đại gia, cầu thủ, công chức, doanh nhân, quan chức... hay không, nhà tổng biết ngay. Họ quản đầu vào và có đội quân giúp việc “biết tuốt”. Chính vì thế, nhà tổng mới quản được con bạc, tránh bị con bạc “bùng” chứ?!”.
Kỳ 2: “Bản đồ” bán độ bóng đá của cầu thủ và giang hồ Tiết lộ cực sốc Hoàng “công tử” tưng tửng kể: “Thằng thủ môn T. của câu lạc bộ CAHN ngày xưa ấy, lúc nó tự nhiên chết, người ta bảo rằng, nó chán chuyện nhà nên tự tử. Thông tin đó vừa đúng, lại vừa sai. Nhà nó khá về kinh tế, vợ là Việt kiều, nó chấp nhận cuộc hôn nhân đó, sao lại phải tự tử. Nó chán thế, sao không tự tử trước, lại đi tự tử vào sau mùa giải mà nó để cho đồng đội đá phản lưới nhà một cách ngớ ngẩn? Người ngoài không biết, giới cá độ, dân giang hồ chuyên về cá độ thì thừa hiểu. Nó “nợ độ, sợ độ” nên tự tử. Nó chết, một số cầu thủ thời đó đang trong dạng nghi án đã thoát tội. Dư luận đồn đoán rằng, nó “cứu đồng đội” nhưng cuối cùng, một số “đồng đội trả ơn” nó bằng việc, đám tang không có mặt. Tất nhiên, sau đó, số người này có đến nhà thắp nhang... Vậy là, cá độ được tiền nhưng cũng có thể mất mạng như chơi. Mà, mất mạng thì còn đâu cơ hội kiếm tiền nữa, cầu thủ ơi! |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-1-co-chuyen-ban-cung-sinh-dao-tac-trong-lang-cau-thu-a32280.html