(ĐSPL) - Theo luật sư Giang Hồng Thanh, với những người bị cưỡng hôn, nếu họ thấy hành động này xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của mình, họ có thể đề nghị cơ quan chức năng xử lý người đã cưỡng hôn họ.
Thời gian giần đây, giới trẻ Việt Nam bàn tán xôn xao về trào lưu mới mang tên Kiss Cam.
Kiss Cam là hành động bạn hôn một người lạ mặt mà không cần phải xin phép rồi sau đó chờ xem phản ứng của người đó ra sao. Trào lưu này bắt đầu xuất hiện năm 2014, mạng xã hội sốt sắng với bộ phim mang tên First Kiss diễn tả 10 cặp đôi không quen biết nhưng đã trao nhau những nụ hôn ngọt ngào.
Bộ phim mang đến thông điệp ý nghĩa về tình yêu là không biên giới. Sau đó, First Kiss trở thành trào lưu nở rộ và được nhiều người khắp nơi trên thế giới đón nhận.
Khi vừa xuất hiện tại Việt Nam, trào lưu này đã gây nên tranh cãi và nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Đặc biệt khi trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại hình ảnh các bạn trẻ tham gia trào lưu này, người thực hiện thì khoái chí, còn khổ chủ lại ngơ ngác, mắt tròn mắt dẹt vì bất ngờ có người lạ tới “cưỡng hôn” mình.
Liên quan tới trào lưu đang gây sốt trong cộng đồng giới trẻ, PV báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh để nhìn nhận vấn đề trên phương diện pháp luật.
Nói về trào lưu kiss cam, Luật sư Thanh cho biết, trong những năm trở lại đây, nhiều phong trào từ nước ngoài được du nhập vào Việt Nam. Điều này là sự tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế. Có thể kể ra đây hai phong trào gây sự chú ý của dư luận, là “Ôm miễn phí” (Free hugs) và “Cưỡng hôn” (Kiss Cam).
Tuy nhiên, trào lưu “Cưỡng hôn” khi du nhập vào Việt Nam lại gây ra sự khó chịu của đại bộ phận xã hội.
Thông thường, người ta chỉ dành nụ hôn cho người nào mình yêu thương, quý mến. Vậy mà nay bỗng dưng bị những đối tượng xa lạ từ đâu chạy đến, ghì đầu, ôm cổ mà hôn, thì làm sao tránh khỏi sự bực mình, tức giận. Đó là chưa kể đến việc người cưỡng hôn thiếu đi sự sạch sẽ.
““Trên quan điểm cá nhân, tôi không đồng tình với trào lưu này” – Luật sư nói.
Theo luật sư, với những người bị cưỡng hôn, nếu họ thấy hành động này xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của mình, họ có thể đề nghị cơ quan chức năng xử lý người đã cưỡng hôn họ.
Luật sư Thanh phân tích, dưới góc độ pháp lý thì hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền tự do về thân thể được hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ.
Tại Điều 20, Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".
Ðiều 37 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 cũng có quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ". Người bị người khác xâm hại danh dự nhân phẩm có thể căn cứ vào quy định tại Điều 25 Bộ luật Dân sự để: "...yêu cầu chấm dứt hành vi hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước buộc chấm dứt hành vi, yêu cầu xử lý và bồi thường thiệt hại…”.
“Hy vọng rằng các bạn trẻ đang thực hiện “trò chơi” này sớm nhận ra sự phản cảm của nó để chấm dứt, tránh những hậu quả pháp lý, hậu quả xã hội có thể sẽ xảy đến với họ” – luật sư Giang Hồng Thanh cho biết thêm.
Cùng quan điểm trên, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, có thể khẳng định là hành vi này không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Hành vi này thật phản cảm khi diễn ra trên đường phố.
“Hành vi ‘cưỡng hôn’ có thể mang lại nhiều hệ lụy cho xã hội như dịch bệnh, mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột, án mạng; hành vi này có thể cổ vũ cho tâm lý coi thường danh dự, nhân phẩm, thân thể của người khác... là những động cơ, nguyên nhân có thể làm phát sinh tội phạm xâm phạm tính mạng sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác” – luật sư nói.
Luật sư Cường cho rằng, hành vi này không mang lại thông điệp văn hóa nào mà ngược lại còn có thể nảy sinh nhiều hệ lụy cho xã hội, chính vì thế không nên khuyến khích trào lưu biến tướng này mà ngược lại cần xử lý những người vi phạm để tránh những hệ lụy cho xã hội có thể xảy ra trên cơ sở các quy định của pháp luật.
XUÂN TÙNG
[mecloud]eZ2p0mli03[/mecloud]