(ĐS&PL) Phân tích tình hình kinh tế trong những năm qua, giới nghiên cứu cho rằng, hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ và nhu cầu nội địa tăng cao là yếu tố làm cho tăng trưởng đạt mức cao liên tục trong nhiều thập kỷ. Mặc dù môi trường bên ngoài kém thuận lợi hơn trong thời gian tới, nhưng khả năng của nền kinh tế vẫn còn dư địa phát triển.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triền châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định “ Do xuất khẩu và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam đã đạt mức cao trong năm 2018. Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến và chế tạo định hướng xuất khẩu; đầu tư trực tiếp nước ngoài và cầu nội địa được duy trì. Động lực tăng trưởng dự kiến sẽ được tiếp tục nhờ những cải cách diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân”(ADB 2019).
Từ xu thế phát triển và thực trạng kinh tế nước nhà, bài viết tổng hợp một số vấn đề nổi bật trong trong quý I, thách thức đặt ra và triển vọng tăng trưởng cả năm, dưới góc nhìn nghiên cứuđể cùng trao đổi.
Tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm có dấu hiệu chậm lại |
Những tháng đầu, dấu hiệu tăng trưởng chậm lại
Trong xu thế suy giảm toàn cầu, đâu năm 2019 tăng trưởng ở Việt nam được duy trì nhưng có dấu hiệu chậm lại, đạt 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Phân tích cơ cấu tăng trưởng Quý I/2019 theo ngành kinh tế cho thấy:
Khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 6,5%., bán buôn và bán lẻ tăng 7,82%, tiếp tục là khu vực đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế (0,95%). Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,22%. Lượng khách du lịch quốc tế đạt trên 4,5 triệu lượt người, tăng 7% .
Ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng khá ảm đạm, chỉ đạt 2,68%. Lượng cung trên thị trường khá dồi dào làm giá gạo giảm sút, dịch tả lợn châu Phi xảy ra đã ảnh hưởng bất lợi đến ngành chăn nuôi. Thuỷ sản tiếp tục là điểm sáng của khu vựcvới mức tăng trưởng 5,1%, là mức cao nhất trong 9 năm gần đây.
Khu vực công nghiệp và xây dựngtăng trưởng 8,63%, tiếp tục là lĩnh vực đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo gia tăng cao nhất (12,35%), là động lực tăng trưởng chính của khu vực này. Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cho thấy, tốc độ tăng trưởng bị chững lại. Mặc dù, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 9,2%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8% nhưng đều thấp hơn so với mức tăng của Quý 1/2018. Tính từ đầu năm đến hết Quý 1/2019, các chỉ số sản xuất, tiêu thụ đều có dấu hiệu suy giảm, trong đó, chỉ số tồn kho tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ đình trệ sản xuất tạm thời.
Lạm phát có xu hướng gia tăng trở lại. So với cùng kỳ năm 2018, lạm phát toàn phần tăng nhẹ và tăng liên tục trong ba tháng đầu năm, lần lượt là 2,56%, 2,64% và 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lạm phát lõi Quý 1/2019 vẫn kiểm soát được ở mức tăng 1,83% .
CPI bình quân Quý 1/2019 có mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm gần đây. Nhìn chung, CPI ba tháng đầu năm giữ ổn định ở mức 2,6% - 2,7% Tuy nhiên, trong Quý 2/2019 nền kinh tế còn tiềm ẩn những rủi ro. Với giá điện tăng 8,36% có thể làm CPI tăng khoảng 3,3%
Cán cân thương mại thể hiện những bất ổn. Mặc dù thương mại hàng hóa Quý I có xuất siêu 536 triệu USD; nhưng, khu vực kinh tế trong nước phải nhập siêu tới 7,04 tỷ USD; còn khu vực FDI lại xuất siêu 7,57 tỷ USD. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm đạt 57,51 tỷ USD, nhóm doanh nghiệp FDI chiếm 70,9%, khu vực trong nước chỉ chiếm 29,1%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; .....Đáng quan ngại là, các mặt hàng nông sản giảm sâu. Kim ngạch xuất khẩurau quả giảm 8,6%, cà phê giảm 23,8%, hạt điều giảm 17,2%, hồ tiêu giảm 14,7%, gạo giảm 23,6%,...
Tổng kim ngạch nhập khẩuQuý I/2019ước đạt 57,98 tỷ USD. Trong đó, khu vực FDI chiếm 58,5% và khu vực trong nước 41,5%. Phân tích thị trường nhập khẩu cho thấy Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 15 tỷ USD. Tiếp theo là Hàn Quốc 11,8 tỷ USD,ASEAN 8,2 tỷ USD, Nhật Bản 4,7 tỷ USD và thị trường EU 3,6 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư thực hiện của toàn bộ nền kinh tế Quý 1 ước đạt 359,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4%. So với Quý 4năm 2018, tăng trưởng vốn đầu tư ở các khu vực đều chậm lại, thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ những năm trước.
Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, lượng vốn mới đăng kí đạt mức 3,82 tỷ USD. Vốn bổ sung tăng 1,3 tỷ USD, chỉ bằng 72,5% so với cùng kỳ năm trước.Trong Quý 1 có 785 dự án cấp mới. Theo đó, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là nơi thu hút FDI lớn nhất với 75,3% tổng vốn đăng ký, giữ vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Xét theo đối tác đầu tư, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn 723,2 triệu USD. Các vị trí tiếp theo là Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, .... Sự vươn lên của FDI từ Trung Quốc thể hiện việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nhằm né tránh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đón đầu hiệp định CPTPP.
Tỷ giá được duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng. Tỷ giá danh nghĩa trong Quý 1/2019 khá ổn định. Tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng nhẹ từ đầu Quý 4/2018 cho đến hết Quý 1/2019. Vào ngày cuối tháng 3/2019, tỷ giá đạt 22.976 VND/USD, tăng gần 1%, thấp hơn mức 1,8% của Quý 4 năm 2018. Tỷ giá giao dịch VND/USD của các Ngân hàng Thương mại (NHTM) trong Quý 1/2019 neo sát mức trần 3% NHNN quy định.
Sau những gián đoạn của năm 2018, đầu năm 2019, NHNN bắt đầu mua ròng ngoại hối, giải quyết được nhu cầu tiền đồng và gia tăng dự trữ ngoại hối. Vào cuối Quý I/2019, quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đã vượt ngưỡng 65 tỷ USD.
Lãi suất liên ngân hàng dưới áp lực thay đổi chính sách: So với cùng kỳ năm 2018, lãi suất liên ngân hàng Quý 1/2019 có xu hướng cao hơn với biên độ dao động hẹp trong khoảng từ 3,38% đến 5,6%. Sau mùa cao điểm, cuối Quý 1/2019, lãi suất chỉ còn 3,32%. Trong năm 2019, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm đảm bảo kiểm soát rủi ro và hỗ trợ tăng trưởng. Hết quý 1/2019 tăng trưởng tín dụng ở mức 2,28% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (2,78%). Tín dụng chảy vào ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh nhất đạt 2,57%; nông nghiệp–nông thôn 2%, còn thương mại và dịch vụ là 1,97%.
Tăng trưởng Việt Nam so với các nước |
Những vấn đề cần đặt ra
Việt Nam đã mở cửa hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngach xuất nhập khẩu cao gấp hơn 2 lần GDP và luồng vốn đầu tư FDI đổ vào chiếm trên 8% GDP cả nước trong năm 2018. Với 12 hiệp định thương mại tự do được ký kết, nền kinh tế đang đà hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu (CGTTC).
Phân tích tình hình hoạt động doanh nghiệp cho thấy: Việc tham gia vào CGTTC chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). DNNVV trong nước đóng góp gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng tiềm lưc kinh tế kỹ thuật lại rất hạn chế, sản phẩm và chất lượng dịch vụ thấp, không đồng đều, rất ít doanh nghiệp có thể tham gia được vào CGTTC. Đây là rào cản nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và của nền kinh tế trong hội nhập kinh tế toàn cầu.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nhưng tiềm năng tăng trưởng và xuất, nhập khẩu lại phụ thuộc chủ yếu vào những doanh nghiệp FDI. Khả năng tăng trưởng dựa trên nền tảng của công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, nhưng hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Trong bối cảnh biến động của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế chịu những tác động lớn từ các yếu tố bên ngoài; tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích đâu tư tư nhân khi tiềm lực nội tại còn yếu là những thách thức không nhỏ.
Các doanh nghiệp tư nhân ở Việt nam hầu hết là DNNVV, năng lực mua sắm và ững dụng công nghệ mới còn nhiều hạn chế. Mặt khác, khó tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý và thị trường vốn còn nghèo nàn; trong khi kỷ nguyên phát triển dựa trên “ tài nguyên và lao động rẻ” đã trôi qua. Vấn đề đặt ra là cần trở thành một nền kinh tế dựa trên kỹ năng cao. Đây là thách thức đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực đầu tư lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lương nguồn lực con người.
Thế giới có nhiều biến động trong những tháng đầu năm 2019. Nhiều nền kinh tế lớn trở nên bấp bênh hơn trước những vấn đề nội tại và căng thẳng thương mại quốc tế. Những chia rẽ nội khối của nền kinh tế châu Âu hoặc những rạn nứt trong quan hệ của nhiều quốc gia gây không ít hệ lụy, tạo những bất ổn tác động trực tiếp đến nhiều nền kinh tế mà Việt Nam không là ngoại lệ.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý I/2019 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng những ngành kinh tế chủ yếu có dấu hiệu chậm lại. Đáng quan ngại là tăng trưởng của nền kinh tế vẫn tiếp tục phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là tiềm năng xuất khẩu của khu vực kinh tế này.
Việc chuyển dịch cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài với vai trò Trung Quốc nổi lên, trở thành nhà đầu tư lớn nhất, ngoài những nhân tố tích cực mang lại, còn hàm chứa những rủi ro khó lường cả về môi trường và quản lý lao động. Các nhà phân tích cho rằng, đã đến lúc cần phải rà soát lại những chính sách ưu đãi về đất đai và thuế đối với khu vực FDI, nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn đối với doanh nghiệp trong nước (VEPR 2019)
Triển vọng tăng trưởng kinh tế
Phân tích tình hình khu vực và ở nước ta, Yasuyuki Sawada, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á(ADB) cho rằng “Tăng trưởng nhìn chung vẫn được giữ vững nhờ tiêu dùng nội địa mạnh hoặc gia tăng tại hầu hết các nền kinh tế trong khu vực. Điều này giúp giảm bớt tác động do xuất khẩu sụt giảm. Tuy nhiên, những nguy cơ bất lợi ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng vẫn còn cao”(ADB 2019-1).
Trong báo cáo Phát triển châu Á(ADO) 2019, về triển vọng kinh tế Việt Nam, ADB nhận định “ Với dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao đạt 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020. Tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực dựa trên nền tảng vững như công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn FDI và nhu cầu nội địa gia tăng” (ADO 2019).
Xét theo ngành kinh tế, ADB nhìn nhận, tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tao và xây dựng sẽ chậm lại, song vẫn được duy trì khá mạnh do luồng vốn FDI đáng kể đổ vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu. Khu vực dịch vụ sẽ được hưởng lợi nhờ thương mại bán buôn,bán lẻ cũng như ngân hàng và tài chính tiếp tục tăng trưởng tốt. Số lượt khách du lịch dự báo sẽ tăng 16%/năm trong 2 năm tới, sẽ là nguồn hỗ trợ cho các hoạt động liên quan như khách sạn, nhà hàng và giao thông vận tải. Ngành nông nghiệp sẽ tăng trưởng sát với mục tiêu chính phủ đề ra là 3%/năm,
Trong bối cảnh tăng trưởng và thương mại toàn cầu châm lại, ADB dự báo tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ thu hẹp xướng mức tương đương 2,5% GDP và tình hình kiều hối có thể bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng yếu đi của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam có thể được hưởng lợi khi hoạt động thương mại và sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước láng giềng trong khu vực, có thể làm tăng thêm đến 2%GDP trong trung và dài hạn (ADO 2019. Page 129).
Các nhà nghiên cứu thuộc viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đại học Quốc gia Hà nội cho rằng: Với mức tăng trưởng đạt 6,79% trong Quý I, mục tiêu tăng trưởng 6,6%-6,8% của năm 2019 Quốc hội đề ra là khả thi. Tuy nhiên, trước những biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu, tương lai của nền kinh tế cũng trở nên bất định hơn do chịu ảnh hưởng từ các cú sốc bên ngoài của thị trường thế giới (VEPR 2019,Tr 25).
Theo phân tích của ADB, yếu tố rủi ro bên ngoài đối với triển vọng kinh tế Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của những nền kinh tế lớn, bao gồm Liên Minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, có thể giảm mạnh hơn. Rủi ro trong nước với quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm chạp, đã bộc lộ mâu thuẫn nhà nước vừa là chủ sở hữu vừa là cơ quan quản lý doanh nghiêp (ODA 2019. Pag 130).
Từ bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng cả nước năm 2019 sẽ đạt 6,8%, năm 2020 ở mức 6,7% và tỷ lệ lạm phát lần lượt là 3,5% và 3,8% trong cùng thời gian (Nguyễn Minh Cường 2019).
Với những cân nhắc thận trọng xuất phát từ thực tiễn việt Nam, nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra dự báo tăng trưởng và lam phát năm 2019, được thể hiện trong dưới đây:
| Tăng trưởng kinh tế | Lạm phát bình quân |
Quý I | 6,79 | 2,63 |
Quý II | 6,32 | 2,78 |
Quý III | 6,94 | 3,26 |
Quý IV | 7,16 | 4,20 |
Cả năm | 6,8 |
|
Nguồn VEPR 2019, Đơn vị %
2019 là năm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020. Mặc dù môi trường bên ngoài suy giảm tác động tiêu cực tới triển vọng phát triển, song kinh tế Việt Nam trong năm 2018 đã tăng trưởng mạnh mẽ tạo đà phát triển cho năm 2019, được các định chế tài chính thế giới dự báo là năm Việt nam có mức tăng trưởng cao hơn các nước trong khu vực.
Cho dù có những nhận xét lạc quan, song nền kinh tế nướ ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước tác động tiêu cực từ biến động của nền kinh tế toàn cầu; tăng trưởng và xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa vào lợi thế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi năng lực nội tại của nền kinh tế chưa cao; số đông doanh nghiệp trong nước và khu vực tư nhân chưa đủ sức để thamm gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hy vọng, một số vấn đề gợi ra trong bài viết sẽ được các nhà xây dựng chính sách quan tâm trong nghiên cứu hoạch định kế hoạch phát triển bền vững trong thời gian tới./.
ThS. Vương Xuân Nguyên
TS. Lê Thành Ý
----
Tài liệu tham khảo
ADB (2019) Kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng mạnh, dù có giảm nhẹ trong bối cảnh triển vọng
toàn cầu suy giảm Thông cáo báo chí; Hà Nội ngày 03 tháng 4
ADB (2019-1) Nhu cầu giảm sút toàn cầu kéo lùi triển vọng tăng trưởng của châu Á đang phát triển
https://www.adb.org/vi/news/slower-global-demand-pulls-down-developing-asias-growth-prospects-
News Release Hồng Kông ngày03 tháng 4
ADO (2019). Economic trends and prospects in developing Asia Southeast Asia Viet Nam page 129
VEPR (2019) Báo cáo kinh té vĩ mô Việt Nam Quý I.2019; Hà Nội tháng 4 năm 2019
Nguyễn Minh Cường (2019). Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019-2020; Hà Nội 03 tháng 4