Trào lưu khởi nghiệp (startup) theo mô hình kinh tế chia sẻ không chỉ đe dọa tới mô hình kinh doanh truyền thống trong ngành taxi, mà còn đang tạo ra sự thay đổi ở cả những lĩnh vực khác như kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ và văn phòng cho thuê.
Tìm khác biệt từ kinh tế chia sẻ
Năm 2016, Steven Nguyen, một doanh nhân trẻ người Việt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin quyết định tìm cho mình một hướng đi riêng để khởi nghiệp. Sau nhiều tháng tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và cả khả năng thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp trước đó, anh đúc kết lại một điều rằng, ở Việt Nam muốn khởi nghiệp thành công trước hết phải tạo ra sự khác biệt, tạo ra một sản phẩm hoặc một dịch vụ gì đó mới mẻ ít người làm nhưng lại đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người.
“Tôi nhận thấy rằng ở Việt Nam có hai lĩnh vực đang rất phát triển và có liên quan tới nhau, đó là bất động sản và du lịch, nhưng lại thiếu một bên trung gian đủ mạnh để làm cây cầu kết nối hai lĩnh vực này lại với nhau,” anh Steven kể lại điều anh nhận ra sau nhiều tháng nghiên cứu thị trường.
Từ suy nghĩ đó, anh Steven đã quyết định cùng với một số nhà đầu tư khác lập ra một doanh nghiệp startup là Luxstay, chuyên cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến nhằm kết nối các căn hộ hoặc ngôi nhà cho thuê với du khách giống như mô hình của công ty Airbnb tại Mỹ.
Theo anh Steven, dù Airbnb cũng có cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, nhưng thị trường này vẫn chưa phải là thị trường lớn mà công ty khởi nghiệp nổi tiếng của Mỹ chú ý đến. Chính vì thế, số lượng khách hàng của Airbnb tại Việt Nam dù có nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các thị trường khác. Trong khi đó, sự bùng nổ của thị trường bất động sản đã mang đến một nguồn cung căn hộ rất lớn trên thị trường, đặc biệt ở các thành phố lớn.
“Rất nhiều chủ nhà mua các căn hộ rồi bỏ đó do chưa có nhu cầu sử dụng. Nhiều người trong số họ muốn cho thuê lại nhưng lại gặp khó trong việc tìm khách cho thuê,” anh Steven nói, đồng thời cho biết thêm rằng trong khi đó sẽ có hơn 10 triệu lượt du khách nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay và đều có nhu cầu thuê chỗ ở với giá cả hợp lý và chất lượng dịch vụ tốt.
“Tôi quyết định khởi nghiệp theo hướng tạo ra một sản phẩm để kết nối các nhu cầu đó lại theo mô hình kinh tế chia sẻ, đó chính là sự khác biệt tôi mang lại cho thị trường,” anh Steven nói tiếp. Có thể vẫn còn sớm để biết rằng Luxstay có trở thành một Airbnb tại Việt Nam hay không, nhưng sự khác biệt mà anh Steven mang lại khi khởi nghiệp ít nhiều cũng đã có kết quả tích cực. Chỉ sau vài tháng ra đời, Luxstay đã nhận ngay được một khoản đầu tư từ quỹ Genesia Ventures của Nhật Bản, còn số lượng chủ nhà tham gia hệ thống Luxstay cũng đang tăng nhanh chóng và tới nay đã đạt gần 200. Luxstay còn tự tin đặt mục tiêu 3 năm tới sẽ thu hút 1 triệu giao dịch đặt phòng và từ 20.000 – 30.000 chủ hộ đăng ký tham gia dịch vụ chia sẻ phòng.
Số lượng khách hàng của Airbnb tại Việt Nam dù có nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các thị trường khác. |
Ông Đỗ Hoài Nam, một trong những nhà đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiếng ở Việt Nam, cho rằng tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp khác biệt mới mong thành công và thuyết phục được các nhà đầu tư tham gia. Và xu hướng các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, hiện nay đang đi theo là đưa ra một nền tảng, dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ. Thực tế đã chứng minh chả phải tự nhiên các công ty khởi nghiệp nổi danh trên thế giới như Uber, Airbnb hay WeWork đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới. Tất cả đều là nhờ những ý tưởng khác biệt nhưng lại đáp ứng đúng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng nhất.
Thay đổi thị trường
Có thể nói rằng chính các doanh nghiệp startup chứ không phải ai khác đang là những người làm thay đổi mô hình kinh doanhh truyền thống và tạo lập lên những thị trường mới, thông qua mô hình kinh tế chia sẻ. Không chỉ là sự thay đổi ở thị trường taxi với sự tham gia của Uber hay Grab, Toong hay UP cũng là những doanh nghiệp startup đang góp phần đáng kể làm thay đổi thị trường văn phòng cho thuê, bằng cách cho ra đời mô hình văn phòng làm việc chia sẻ (co-working space).
Mô hình này bắt đầu thu hút sự chú ý từ năm 2015 với sự ra mắt của các chuỗi không gian làm việc chung trong nước như Dreamplex và Toong. Đến tháng 6 năm 2017, đã có tổng cộng 17 đơn vị vận hành tại 22 địa điểm. Theo công ty tư vấn và nghiên cứu bất động sản CBRE, tại Việt Nam nguồn cung không gian làm việc chung tăng trung bình 58% hàng năm. Cũng giống như thị trường taxi, sự ra đời của mô hình co-working space cũng đang thách thức mô hình văn phòng cho thuê truyền thống.
Ở trong lĩnh vực khách sạn, khi các trang đặt phòng trực tuyến như Agoda hay Tripadvisor xuất hiện và hỗ trợ tích cực cho thị trường khách sạn, sự tham gia của Airbnb và mới đây nhất là Luxstay lại đang tạo ra một thị trường mới hoàn toàn kết nối giữa các “homestay” và du khách. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, cho rằng các dịch vụ chia sẻ phòng lưu trú như Luxstay nếu vận dụng thành công sẽ huy động nguồn lực lớn nhà ở trong dân phục vụ lưu trú, tạo ra một phân khúc mới mà không lo ngại giẫm chân lên các phân khúc khác, góp phần tạo nên bộ mặt đa dạng của ngành du lịch.
Rõ ràng các doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời sau đã biết vận dụng công nghệ để khởi tạo thị trường và kết nối các nguồn lực cũng như nhu cầu với nhau và cùng chia sẻ. Và chính sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đang tạo ra một định nghĩa mới về kinh tế chia sẻ và làm thay đổi nhiều thị trường.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp