Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khó lường, giá vàng liên tục lập đỉnh mới rồi lao dốc, đồng USD mất giá, bất động sản đóng băng, chứng khoán phân hoá mạnh, lãi suất ngân hàng giảm…, nhiều người đau đầu với bài toán đầu tư tiền vào đâu vừa an toàn vừa sinh lời cao.
Tiền "chảy" sang đầu tư tài chính
Được xem là đồng tiền chung của thế giới, vàng có giá trị tại mọi quốc gia. Sở hữu vàng đồng nghĩa với việc bạn đang sở hữu "đồng tiền" có thể lưu hành, mua bán tại các nước mà không phải lệ thuộc vào bất kì giá trị tiền tệ nào.
Từ trước đến nay, vàng cũng được coi là hình thức đầu tư trú ấn an toàn nhất mỗi khi xảy ra biến động xã hội bởi giá trị của nó không bị thay đổi quá nhiều theo thời gian và tính chất "gọn nhẹ" dễ cất trữ và mang theo.
Hơn hết, thị trường vàng được nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán vẫn có xu hướng tăng trước việc thế giới chưa kiểm soát được dịch bệnh. Kèm theo đó, lạm phát là môi trường thuận lợi nhất cho vàng "thăng hoa".
Trở thành nhà đầu tư (NĐT) bất đắc dĩ trong thời điểm công việc bị gián đoạn vì COVID-19, chị Nguyễn Thu Giang (31 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) xoay hướng đầu tư sang lĩnh vực tài chính.
Trước đó, chị đầu tư dài hạn vào vài mã cổ phiếu để cuối năm lấy về một khoản cổ tức vì cổ tức cao hơn lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5/2021, sau khi thị trường chứng khoán có nhiều biến động, chị Giang rút tiền từ cổ phiếu để dần xoay sang tập trung vào thị trường vàng.
"Những năm trước, tôi cũng kiếm được một khoản từ đầu tư chứng khoán, nhưng đến giữa năm nay, khi thị trường bắt đầu giảm điểm, nhiều mã đang 'nuôi' giảm đến 10%, tôi quyết định bán hết cổ phiếu để cắt lỗ và chuyển hướng sang vàng. Với 4 cây vàng ban đầu mua từ lúc giá trong khoảng từ 40- 42 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức giá 57 triệu/lượng, kiếm được khoảng hơn 60 triệu đồng", chị Giang chia sẻ.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá vàng trong nước thời gian này cao hơn giá vàng thế giới vì thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng thế giới (hiện nhập khẩu vàng duy nhất là Ngân hàng Nhà nước).
Bên cạnh đó, thị trường vàng Việt Nam lại mang tính đầu cơ rất mạnh, chỉ cần có thông tin, lời đồn thổi là hàng nghìn người đổ xô đi mua bán vàng, nên giá vàng lên cao là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu- chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, về lâu dài giá vàng trong nước sẽ đi theo quy luật giá vàng thế giới, người kinh doanh vàng biết vậy nên luôn mua vào giá thấp bán ra giá cao để đẩy rủi ro về phía khách hàng.
"Mua vàng như một loại tài sản để tích trữ thì nên vì về lâu dài giá vàng sẽ lên nhưng nếu 'lướt sóng' đầu tư theo thời điểm thì bây giờ là thời điểm khá rủi ro", TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Đồng quan điểm, ông Đinh Thế Hiển- Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng chia sẻ với báo chí, vàng là công cụ phòng ngừa rủi ro, kinh tế bất ổn đẩy giá vàng lên còn khi ổn định thì giá vàng sẽ quay đầu giảm. Cho dù dịch bệnh COVID-19 còn, kinh tế vẫn phải tự đứng dậy đi lên.
Do đó, theo ông Hiển, việc mua vàng lúc này không phải để tìm kiếm sự an toàn mà là mua trong bất ổn, bởi vàng có khả năng tăng hoặc giảm giá mạnh.
Ngoài ra, chính bởi tính an toàn của nó mà lợi nhuận của đầu tư vàng không quá cao. Nhà đầu tư chỉ thu về nhiều lợi nhuận khi đầu tư nhiều vàng và ngược lại.
Một hạn chế khác của đầu tư vàng là giá vàng trên thị trường thường lên xuống bất thường và không có quy luật rõ ràng nào về sự thay đổi đó.
Biến động của thị trường vàng khá phức tạp, bởi giá có thể thay đổi ngay trong ngày, thậm chí trong vài giờ, chính vì vậy việc mua bán cũng đòi hỏi người đầu tư cân nhắc và luôn nắm bắt được xu hướng.
Mặc dù xu hướng tăng giá của vàng vẫn đang được dự đoán theo chiều tăng, nhưng nếu việc giá tăng lướt sóng, nhà đầu tư dễ gặp rủi ro.
Ngoài thị trường vàng, chứng khoán đang là kênh đầu tư bùng nổ nhất khi liên tục tăng "nóng" trong hơn 1 năm qua, bất chấp dịch bệnh tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế.
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết cuối tháng 8/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức vốn hóa 8.100.667 tỷ đồng, tương đương 138,6% GDP, tăng 21,27% so với cuối năm 2020.
Trong 9 tháng năm 2021, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đạt 957.215 tài khoản, trong khi tổng số tài khoản mở mới 3 năm liên tiếp 2018, 2019 và 2020 cộng lại chỉ đạt 837.345 tài khoản. Chứng khoán Việt Nam thậm chí còn lọt TOP tăng trưởng tốt nhất khu vực và thế giới.
Theo chuyên gia phân tích, chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn, có thể giúp người chơi kiếm lời nhanh tuy nhiên, đây cũng là kênh mạo hiểm và dành cho những người trường vốn, có kiến thức, kinh nghiệm, đòi hỏi phải theo dõi thị trường, chặt chẽ, phải động não suy nghĩ và đôi khi phải chấp nhận "tất tay". Những nhà đầu tư F0 nếu không đáp ứng đủ các điều kiện trên thường dễ nhận thất bại.
"Do ảnh hưởng bởi dịch nên nguồn thu từ công việc hiện tại của tôi cũng có nhiều bất ổn. Nghe theo lời tư vấn của đồng nghiệp, tôi tập tành chơi chứng khoán với khoản đầu tư ban đầu nhỏ lẻ, sau lớn dần. Là người mới, lại không có chuyên môn về kinh tế nên giai đoạn mở đầu của tôi cũng gặp nhiều khó khăn, phải học cách theo dõi thị trường, đọc báo cáo tài chính, thường xuyên rơi vào trạng thái lựa chọn 'thoát hàng' hay 'ôm tiếp' chờ thời. Thấy giảm điểm là nhanh chóng bán tháo cắt lỗ kịp thời", anh Nguyễn Hải Quân (26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Cũng là một NĐT chứng khoán ngắn hạn nhưng chiến lược của chị Mai Anh (32 tuổi) lại hoàn toàn khác: "Tôi chỉ nghiên cứu hồ sơ một doanh nghiệp duy nhất, chờ thời điểm 'bắt đáy' là xuống tiền 'ôm' cổ phiếu, 'được giá' là bán. Tuy giá lên không nhiều nhưng vì 'ôm' số lượng lớn nên lợi nhuận thu về vẫn tạm ổn".
Tuy kiếm lời nhanh nhưng đầu tư chứng khoán cũng khá mạo hiểm khi mà thị trường thường có nhiều biến động khó lường trong ngắn hạn và dễ dàng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như biến động kinh tế, tình hình hoạt động doanh nghiệp, tâm lý nhà đầu tư, các sự kiện kinh tế chính trị khác…
Hơn nữa, những nhà đầu tư cá nhân, người mới rẽ ngang vào thị trường này thường dễ bị chi phối bởi yếu tố tâm lý đám đông khi thị trường biến động nên khó kiên định với chiến lược đầu tư mình đã đề ra, dẫn đến khó đạt được kết quả đầu tư như kỳ vọng, thậm chí là thua lỗ.
Vì vậy, muốn kiếm lời từ kênh đầu tư này đòi hỏi người chơi cần học hỏi và tích lũy nhiều kiến thức, trau dồi các kỹ năng về phân tích kinh tế, đọc báo cáo tài chính.
Bên cạnh đó, việc xác định rõ khả năng tài chính của mình dành cho việc đầu tư chứng khoán là bao nhiêu để phân bổ danh mục đầu tư một cách cẩn thận và hợp lý nhất là việc làm vô cùng cần thiết.
Nhà đầu tư cũng cần xác định thời điểm chốt lãi cũng như cắt lỗ phù hợp, nhằm tránh nguy cơ tổn thất lớn.
"Buôn vàng thì lỗ, buôn thổ thì lãi"
Với quan điểm "Buôn vàng thì lỗ, buôn thổ thì lãi", khi có một khoản tiền nhàn rỗi mà không thể sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh do các yếu tố bên ngoài, nhiều người thường có tâm lý đầu tư vào bất động sản.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, biểu đồ giá nhà đất tại Việt Nam đi theo chiều hướng tăng dần đều, dù có gãy sóng ở một số giai đoạn nhưng thị trường nhanh chóng lấy lại phong độ và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Mức độ tăng theo số liệu nghiên cứu trong nhiều năm, dao động từ 5-7%/năm, cao hơn so với gửi tiền tiết kiệm
Đầu tư bất động sản đã nhiều năm, ngay trong thời điểm dịch bệnh, đây vẫn là kênh mà anh Huân Nguyễn (36 tuổi, trú tại Nam Định) lựa chọn. "Tôi lựa chọn đầu tư đất nền tại một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế mạnh nhưng giá đang nằm ngưỡng thấp chứ chưa phải giá đô thị hóa. Kỳ vọng sinh lời khi địa phương đó hoàn thành hạ tầng, giá đất nền trở thành giá đô thị hóa sẽ đẩy giá trị bất động sản mà tôi sở hữu lên cao", anh Huân Nguyễn cho hay.
Không chỉ có anh Huân mà nhiều nhà đầu tư bất động sản cá nhân khác cũng cùng có suy nghĩ như vậy. Bởi ngay trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, bất động sản chỉ chững lại trong ngắn hạn còn dài hạn vẫn mang lại kỳ vọng đầu tư tốt hơn các kênh khác.
Điều này càng thuyết phục hơn khi nhìn nhận lại sự phát triển của thị trường trong thời gian vừa qua. Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản chứng kiến cảnh giao dịch trầm lắng, không ít công ty tạm ngừng hoạt động, các sàn giao dịch đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, những tác động này là tất yếu và không đáng kể nếu so với các lĩnh vực, ngành nghề khác, do đó sức hút của bất động sản vẫn lớn. Bằng chứng là ở nhiều địa phương vẫn xảy ra sốt đất cục bộ, nhà đầu tư kéo về không ngớt như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc,..
Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam quý II/2021 và 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, mức độ hấp thụ trên thị trường rất thấp nên dù lượng cung mới hạn chế nhưng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng cao so với cùng kỳ các năm 2019, 2020 (các sản phẩm chào bán hiện đa phần là hàng tồn từ trước).
Cũng theo ông Đính, tổng tiền vào thị trường có nhu cầu đầu tư bất động sản đang cho thấy có dấu hiệu mạnh lên. Nguyên nhân bởi một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác (chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác) đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản tìm cơ hội đầu tư mua sắm.
Theo các chuyên gia, lúc thị trường khó khăn cũng là cơ hội cho người mua được hưởng những chính sách tốt từ người bán.
Tuy nhiên, dù được nhiều nhà đầu tư quan tâm và là kênh trú ẩn an toàn nhưng kênh đầu tư này lại đòi hỏi năng lực tài chính dồi dào, đặc biệt là những nhà đầu tư ngắn hạn.
Đương nhiên, cũng giống như nhiều kênh đầu tư khác, BĐS cũng có rủi ro, cái gì có lợi nhuận tốt hơn cũng có rủi ro cao hơn.
Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhà đầu tư cũng phải cân nhắc kỳ việc đầu tư vào phân khúc nào, đầu tư ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn cũng như nhu cầu để ở hay ở hay để kinh doanh,..sao cho phù hợp với năng lực tài chính của mình.
Ăn chắc mặc bền
Từ giữa năm 2020, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các ngân hàng cũng chỉ dao động trên dưới 6-7% cho các khoản tiền gửi nhỏ. Đối với lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy của một số nhà băng trong tháng 10/2021, ở mức thời hạn từ 1-3 tháng, ngân hàng Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) hiện đang có mức lãi suất cao nhất là 4%. Các ngân hàng còn lại có mức lãi suất giao động từ 3-3,9%.
Ở kỳ hạn 6 tháng, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) giữ mức lãi suất là 6,25%, cao nhất so với các ngân hàng còn lại.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), ở mức 6.8%.
Ở những kỳ hạn dài hơn như 18, 24 tháng, ngân hàng SCB, NCB có mức lãi suất cao nhất là 6,8%.
Trong khi đó, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB) lại có mức lãi suất cao nhất so với các ngân hàng còn lại với kỳ hạn 24-36 tháng (7%).
Lợi nhuận thấp là nguyên nhân chính làm giảm sức hấp dẫn của của việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Trong khi đó, những nhà đầu tư thường hướng đến mục tiêu kiếm lời một cách nhiều nhất, trong thời gian ngắn nhất nên ít người đủ kiên nhẫn với kênh đầu tư này.
Nếu bàn về lợi nhuận, gửi tiết kiệm tại ngân hàng không mang lại hiệu quả cao như những hướng đầu tư chứng khoán hay bất động sản, tuy nhiên, đây lại là kênh "ăn chắc mặc bền" nhất bởi tính an toàn vốn có của nó.
Tính an toàn của kênh đầu tư này càng được khẳng định khi mà trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh với kết quả rất tích cực, bức tranh lợi nhuận nhiều điểm sáng.
Trong một báo cáo phát hành đầu tháng 7/2021, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI ước tính hầu hết các ngân hàng trong danh sách theo dõi của công ty này đều có lãi lớn trong quý II/2021.
Theo đánh giá của SSI, ước tính lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ.
Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), tổng thu nhập hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của nhà băng này đạt 6.233 tỷ đồng, tăng 27,74% so với cùng kỳ 2020.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cũng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với nhiều chuyển biến tích cực, ước tính lợi nhuận trước thuế bán niên đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy không sinh lời nhanh và cao đột biến như chứng khoán hay bất động sản nhưng gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư đáng tin cậy và ít biến động nhất. Cũng chính vì tính an toàn của kênh đầu tư này nên nhiều chuyên gia nhận định, người gửi tiền ngân hàng hiện phần lớn là nhằm mục đích đảm bảo tài sản, hơn là kiếm lời từ nó.
"Giữa đại dịch, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc đến việc giữ cho tài sản được vẹn nguyên", một chuyên gia tài chính tư vấn.
Trong bất cứ quyết định đầu tư nào, mục tiêu đầu tiên của nhà đầu tư là phải bảo toàn vốn. Thứ hai là tính thanh khoản, mua đi bán lại được. Thứ ba là đầu tư vào cái gì để nó tăng lợi nhuận.
Do đó, cách tốt nhất để hạn chế rủi ro là đa dạng hóa công cụ và danh mục đầu tư và đồng thời có tầm nhìn dài hạn khi hoạch định chiến lược đầu tư.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần lựa chọn giữa các kênh đầu tư truyền thống và kênh đầu tư mới sao cho phù hợp với khả năng và kế hoạch tài chính của mình để đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất.
Để giúp các nhà đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn, sinh lời cao trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì việc đảm bảo hệ thống pháp luật quy định đầy đủ, khuyến khích các nhà đầu tư doanh nghiệp tham gia thị trường thì việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho nhà đầu tư trong thời điểm dịch bệnh diễn biến khó lường cũng cần được chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm. Ngoài ra, việc đưa các các gói hỗ trợ kinh tế, chính sách giảm lãi, chậm trả lãi, miễn giảm thuế cũng sẽ là chìa khóa quan trọng giúp các nhà đầu tư thêm an tâm để mạnh dạn tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, hợp tác trong lúc thị trường có nhiều rủi ro vì dịch bệnh.
Bạch Hiền
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ