Để có thể đưa những sản phẩm nông nghiệp sạch, có chất lượng đến tận tay người tiêu dùng, với anh Phạm Song Quyền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông Sinh Khang Nguyên, bên cạnh những kết quả đạt được, người làm nông nghiệp như anh cũng không ít lần đối mặt với sự thất bại.
Ngày 12/10/2018, phóng viên báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi và lắng nghe những chia sẻ của anh Phạm Song Quyền về những kinh nghiệm thực tế mà anh đã đúc kết được từ việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm dưa lưới theo mô hình thủy canh giá thể trong điều kiện nhà màng.
Anh Phạm Song Quyền với mô hình dưa lưới nhà màng. |
Trước khi cùng gia đình thành lập Công ty TNHH Nông Sinh Khang Nguyên, anh Quyền đã có thời gian trực tiếp tham gia sản xuất và nghiên cứu thị trường về các sản phẩm nông sản Việt, đặc biệt là Dưa lưới. Các loại dưa lưới mà Anh đã khảo nghiệm và sản xuất từ năm 2010 đến năm 2013 là của các nước như Israel, Hà Lan, Trung Quốc, Úc… tại khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. HCM, cũng trong thời gian này anh khảo nghiệm các loại dưa lưới cho các đơn vị trung gian và thương lái.
Xuất thân từ gia đình có nền tảng nghiên cứu khoa học về cây trồng. Bên cạnh đó, anh cũng là kỹ sư về bảo quản nông sản sau thu hoạch, đã từng tham gia tại Viện Công nghệ sau thu hoạch và phòng sau thu hoạch thuộc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao. Anh nhận thấy rằng có nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng nông sản tại Việt Nam như: Chưa hiểu đặc tính giống, chưa nắm bắt điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại các vùng trồng ở Việt Nam, quản lý sản xuất trực tiếp chưa có kiến thức cơ bản về sản xuất bền vững… Vì thế mà không ít lần nông sản của nước ta bị trả về khi xuất đi thị trường ngoài nước.
Năm 2011 - 2013, anh công tác tại phòng sau thu hoạch - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, tham gia phân tích các chỉ tiêu của hoa quả, trong đó có dưa lưới để đưa ra giải pháp duy trì chất lượng hay kéo dài thời gian sau thu hái, tuy nhiên đều không có khả thi do tính chất không ổn định của nông sản trước thu hái. Sau quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, theo anh có 3 yếu tố cần giải quyết khi sản xuất là:
Thứ nhất: phải xác định được giống cây trồng phù hợp với khu sản xuất tại vùng trồng.
Thứ 2: phải xác định được các yếu tố khí tượng phù hợp, đặc biệt là côn trùng và bệnh hại tác động đến cây trồng.
Thứ 3: phải xác định được sự tương tác của các thành phần dinh dưỡng trong cây trồng để tăng giá trị chất lượng sản phẩm.
Cũng theo anh Quyền hiện tại việc xác định 3 yếu tố trên tại các nông trại ở Việt Nam là chưa cụ thể, do thời gian thực nghiệm sản xuất trên một đối tượng còn quá ít và chưa khảo sát đồng thời tại nhiều vùng trồng trong cả nước. Và nếu giải quyết được bài toán này sẽ giúp nông sản ổn định hơn.
Sau khi xác định phương hướng anh đã cùng gia đình thành lập Công ty Nông Sinh Khang Nguyên với mục tiêu thương mại hóa sản phẩm dưa lưới công nghệ cao do mình sản xuất ra và hỗ trợ các nông trại khác trong nước làm kinh tế. Trong đó phải kể đến 2 tập đoàn lớn là VinaSeed tại Hà Nam và Cosmos tại Phú Thọ, cùng với các doanh nghiệp lớn nhỏ tại các tỉnh thành trong nước… Hiện nay, Công ty của anh đã hỗ trợ trên dưới 30 nông trại tại hơn 15 tỉnh thành trong cả nước.
Hiện nay, doanh nghiệp đang tập trung sản xuất, phát triển những giống dưa lưới phù hợp với nhiều vùng khí hậu tại Việt Nam và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, anh cũng tự nghiên cứu cho mình và cho đối tác hệ thống tưới tự động phù hợp và linh hoạt với nhiều đối tượng sản phẩm, có hiệu quả cao và chi phí thấp. Phương pháp này đã và đang áp dụng thành công tại 5 tỉnh thành là TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Hà Nội, Lâm Đồng và Đắc Lắc. Dự kiến đến năm 2020, doanh nghiệp sẽ số hóa dữ liệu trong sản xuất cây trồng để đưa thành phần mềm cho bà con nông dân dễ dàng truy cập.
Với anh Quyền, những kết quả trên chỉ là những cái đạt được sau nhiều lần thất bại chứ chưa phải là thành công đối với anh, làm nông nghiệp công nghệ cao không hề đơn giản.
Thất bại do không có cơ sở khoa học trong quản lý bệnh phẩm. |
Cũng theo anh Quyền, hiện nay nhiều người đã và đang chuẩn bị làm nông nghiệp chỉ nhìn nhận theo hướng hướng tích cực dựa trên các bài viết và quảng cáo PR cho các sản phẩm sạch trong nhà màng, chứ chưa nhìn nhận được những khó khăn trong sản xuất thực tiễn. Việc chạy theo thị hiếu, chạy theo những mặt tích cực của nó dẫn hệ lụy là những thất bại trong 2 -3 năm đầu sản xuất.
Do họ không xác định được thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào thương lái. Vì thương lái họ chỉ chú trọng đến khâu lợi nhuận, có chất lượng được giá thì mua, không được giá và kém chất lượng thì bỏ mặc. Họ chưa thực sự đi cùng với người sản xuất trong việc tìm ra các giải pháp cũng như hướng đi cho các sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa tiếp cận đầy đủ cơ sở khoa học về cây trồng, chưa được huấn luyện kĩ càng về quy trình sản xuất, họ chỉ được hướng dẫn qua loa bởi các kĩ sư của các công ty chuyên nhập nội giống. Trên hết khâu quản lý con người chưa được sâu sát, sự hiểu biết chưa thấu đáo từ người quản lý nông trại dẫn đến áp đặt cũng như mâu thuẫn trong nội bộ.
Vì vậy, trước khi tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mọi người cần phải tìm hiểu kĩ càng sâu rộng, tìm đến các doanh nghiệp khoa học đã và đang thương mại hóa có hiệu quả sản phẩm nông nghiệp để họ có thể hướng dẫn, tư vấn cụ thể một cách cơ bản nhất để hạn chế tối thiểu rủi ro.
Trên đây là những chia sẽ được đúc kết từ thực tiễn sau nhiều năm sản xuất của anh Quyền trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Thông tin liên hệ tư vấn:
Phạm Song Quyền – PGĐ Công ty TNHH Nông Sinh Khang Nguyên
ĐT: 0964.113.254
Email: [email protected]
Thuận Nguyễn – Đăng Khoa