Bật mí về “hàng fake cao cấp”
Kính mắt được xem là một mặt hàng phổ biến, vì thế, các cửa hàng “mọc” lên như nấm sau mưa với quy mô lớn. Bên cạnh việc có thêm nhiều lựa chọn với đa dạng phân khúc, mẫu mã, dịch vụ thì người tiêu dùng cũng đứng trước “ma trận” về các loại kính thuốc, kính thời trang, kính áp tròng, kính cận thị… tư vấn, đo khám miễn phí; dịch vụ sửa chữa, bảo hành,...
Qua tìm hiểu được biết, kính mắt Quang Nhãn thuộc công ty TNHH kính mắt Quang nhãn, địa chỉ trụ sở tạisố 9 ngõ 40 Vũ Trọng Khánh, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội.
Ngày 27/7, nhóm PV đã “mục sở thị” cơ sở số 69 đường Nguyễn Hoàng Tôn, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Tp. Hà Nội. Dạo qua một vòng, chúng tôi được nhân viên tư vấn, giới thiệu mẫu mã, chủng loại đa dạng.
Theo quan sát, hầu hết các sản phẩm gọng kính, kính thời trang được gắn mác các thương hiệu lớn trên thế giới. Mặc dù, hàng chính hãng có giá từ vài triệu đồng đến 20 triệu đồng, điển hìnhnhư: Gucci, Montblanc, Dior, Gentle Monster… thì ở đây lại bán với giá rất rẻ (chỉ dao động trong khoảng 350.000 đồng đến gần 2.000.000 đồng).
Nhân viên “bật mí” rằng, đó là hàng “fake cao cấp” rồi chỉ sang quầy bên trong bày bán các loại mắt kính chính hãng nếu khách hàng có nhu cầu và sẽ cung cấp hoá đơn VAT đầy đủ.
Chọn mua một gọng kính mắt có nhãn hiệu Montblanc với giá 650.000 đồng và đo, cắt mắt cận hai tròng (không rõ nhãn hiệu) giá 240.000 đồng, PV được nhân viên cho biết tổng giá trị thanh toán là 890.000 đồng. Thế nhưng khi hỏi hóa đơn VAT, PV được nhân viên cho biết phải trả thêm 8% tổng giá trị tiền hàng.
Ngày 29/7, thông tin trên hóa đơn điện tử gửi qua email cho khách lại ghi duy nhất một sản phẩm là “Kính cận”, có giá trị 961.200 đồng (đã bao gồm 8% thuế GTGT).
Để làm rõ việc trên hoá đơn VAT không thể hiện đúng tên sản phẩm, chúng tôi đã liên hệ tới hotline của cửa hàng thì được biết “khi xuất hóa đơn, bên em chỉ ghi kính cận hoặc kính thuốc, không ghi là gọng hay mã sản phẩm gì cả”.
Từ chối xuất hóa đơn khi khách hàng yêu cầu
PV tiếp tục tìm hiểu và ghi nhận tại cửa hàng kính mắt Anna. Được biết, chuỗi cửa hàng này thuộc công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Anna Việt Nam, nhà phân phối độc quyền cho chuỗi cửa hàng Kính mắt Anna (gồm 36 cơ sở trên toàn quốc), người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Lan Anh.
Tại website https://kinhmatanna.com/, sản phẩm được quảng cáo là hàng chất lượng cao, nhập khẩu chính hãng từ Hàn và Pháp.
Ngày 28/7, tại cửa hàng Kính mắt Anna, số 235 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Tp. Hà Nội, qua quan sát, PV thấy một lượng lớn sản phẩm gọng kính có đề xuất xứ Trung Quốc. Khi được hỏi, nhân viên cửa hàng nhanh nhẹn trả lời “bên em đa số là hàng thiết kế được đặt sản xuất bên Trung Quốc, có giấy tờ công ty đầy đủ”.
PV đã mua 1 gọng kính cận Titan, có giá 380.000 đồng kèm theo hai tròng cận thường CHEMI 450.000 đồng. Nhân viên cửa hàng cho hay, khi tham gia chương trình ưu đãi cắt mắt cận từ 450.000 sẽ được tặng một gọng kính bất kỳ nên PV chỉ cần thanh toán 450.000 cho một chiếc kính cận hoàn chỉnh.
Khi thanh toán, PV yêu cầu xuất hóa đơn VAT thì nhân viên này nói luôn: “Bên em không xuất được hóa đơn đỏ, vì là hộ kinh doanh riêng”. Lý do được phía hotline công ty đưa ra là do “thay đổi chính sách”.
Cơ sở kinh doanh phải có trách nhiệm xuất hoá đơn
Liên quan đến những phản ánh nêu trên, trao đổi với PV, bà Trần Thị Yến Nhi, chuyên gia pháp lý, công ty Luật TNHH Gia Võ thông tin: “Hành vi không xuất hóa đơn VAT cho khách hàng là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt cảnh cáo hoặc xử phạt vi phạm hành chính từ 200.000 đồng đến 50 triệu đồng”.
Bà Nhi phân tích: “Dựa trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, với các giao dịch mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ (không kể giá trị của hàng hóa và cung cấp dịch vụ là bao nhiêu) thì hộ cá nhân, doanh nghiệp khi kinh doanh phải có trách nhiệm xuất hóa đơn VAT cho người mua (hay còn gọi là hóa đơn đỏ). Nếu người mua không nhận được hóa đơn VAT, thì đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ dễ dàng ăn chặn thuế VAT, bằng cách coi như chưa từng có giao dịch này, hoặc ghi số tiền trong hóa đơn thấp hơn nhiều so với số tiền đã thu của khách hàng”.
Đối với hành vi xuất hóa đơn không đúng với chủng loại hàng hóa, bà Nhi cho biết: “Hóa đơn xuất ra không đúng với chủng loại hàng hoá đã bán là hóa đơn khống. Hành vi sử dụng hóa đơn xuất ra không đúng với chủng loại hàng hóa là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ được quy định tại khoản 9, Điều 3, Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Trong trường hợp thực hiện hành vi này, hộ kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 12; Điều 16; Điều 17; Điều 28, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn do Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020.
Ngoài ra, trong trường hợp hàng hóa mà các hộ kinh doanh bán ra có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ cho doanh nghiệp, cá nhân khác thì còn được xem là “Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ” quy định tại Điều 213, luật Sở hữu trí tuệ 2005 và phải chịu mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật liên quan”.
Đồng quan điểm, bà V.T.T. (có kinh nghiệm về kế toán thuế nhiều năm cho công ty nước ngoài tại Hà Nội) cho rằng: “Quy chiếu theo quy định của luật Quản lý thuế 2019 và luật Thuế GTGT 2008, việc từ chối xuất hóa đơn của cơ sở kinh doanh kính mắt ANNA thể hiện hành vi gian lận thuế (dấu hiệu trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế VAT đầu ra, khai khống doanh thu thực tế, không tuân thủ theo hệ thống chế độ kế toán)”.
“Riêng đối với việc cơ sở kinh doanh kính mắt Quang Nhãn thu thêm 8% VAT khi khách hàng yêu cầu xuất hoá đơn đỏ cũng là sai quy định. Bởi bản thân thuế VAT là thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, vì vậy, cho dù khách hàng có nhu cầu xuất hóa đơn hay không thì giá tiền cửa hàng thu về khi bán hàng hóa đã bao gồm thuế VAT, việc thu thêm 8% của khách hàng là không rõ ràng, tồn tại sai phạm và nghi ngờ gian lận thu”, vị chuyên gia này nói.
Vẫn theo bà T., “Khoản 3, Điều 3, Nghị định 123/2020/ NĐ-CP nêu: “Hóa đơn, chứng từ hợp pháp là hóa đơn, chứng từ đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung. Do đó, việc lập hoá đơn không đúng về chủng loại như cơ sở Quang Nhãn lập với sản phẩm “kính cận” như PV nêu là vi phạm quy định về thuế”.
Hương Thắm